Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 5241/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc giao cơ quan có thẩm quyền đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan về phương án đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành theo đúng ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 1941/VPCP-CN ngày 30/3/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Đây là hai tuyến đường sắt có vốn đầu tư rất lớn và yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao, dự kiến sẽ cần huy động thêm các nguồn vốn vay từ các tổ chức nước ngoài cùng với sự tham gia của các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công nước ngoài.
Quy mô tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đề xuất thực hiện khổ 1.435mm. Ttrong đó, Đoạn Biên Hòa - Thị Vải đường đôi, đoạn Thị Vải - Vũng Tàu đường đơn. Tổng mức đầu tư khoảng 50.822 tỷ đồng, theo phương thức PPP.
Còn tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, chiều dài khoảng 37,5km có điểm đầu tại Ga Thủ Thiêm, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh và điểm cuối tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Quy mô đề xuất thực hiện tuyến đường này theo khổ 1.435mm, đường đôi và chỉ phục vụ hành khách. Tổng mức đầu tư khoảng 40.566 tỷ đồng, theo phương thức PPP.
Trước đó, hai tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành và Biên Hòa – Vũng Tàu từng được đề nghị giao cho UBND tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai đầu tư xây dựng nhưng bất ngờ được chính quyền tỉnh này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm, do Luật Đường sắt 2017 không quy định việc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia.
Cùng với đó, UBND tỉnh Đồng Nai lại chưa có ban quản lý dự án có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm về lĩnh vực đường sắt nên đây cũng là nhược điểm nếu giao UBND tỉnh làm đầu mối triển khai dự án.
Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị xem xét lựa chọn phương án triển khai hai tuyến đường sắt được thuận lợi để sớm hoàn thành, kịp khai thác cùng với sân bay quốc tế Long Thành, nhằm tăng tính kết nối.
Hiện Bộ Giao thông vận tải giao Ban quản lý dự án đường sắt lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hai tuyến đường sắt này và đang tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo, dự kiến sẽ có kết quả lựa chọn đơn vị tư vấn trong quý 3/2022.