Mong được giãn nợ, giảm phí
Thời điểm này, không ít DN đã đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc có hỗ trợ lương, chấp nhận khởi nghiệp lại sau 6 tháng nữa… “Sau khi hết dịch, ngành du lịch cần thời gian để phục hồi, do tâm lý lo lắng của khách hàng. Sáu tháng sau, DN chúng tôi xác định mình cùng nhân viên bắt tay khởi nghiệp trở lại”, ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương, chia sẻ.
Trước đó, từ ngày 23-3, công ty trên chính thức đóng cửa do doanh thu sụt giảm mạnh, khó cầm cự nổi. Ông An Sơn Lâm thông tin, dù đóng cửa nhưng công ty vẫn phải trả phí neo đậu tàu tại Cảng Sài Gòn 220 triệu đồng/tháng (tháng 2 và 3 công ty được giảm 1/3 phí neo đậu), ngoài ra còn trả thêm chi phí thuê người trông coi tàu, phí bảo dưỡng tàu…
Thực tế, DN chỉ hoạt động du lịch thủy nội địa nhưng phải trả phí quốc tế, do TP chưa có bến thủy nội địa cho tàu du lịch. Công ty có khoảng 100 lao động, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 10 nhân viên. Khi hoạt động trở lại, DN sẽ ưu tiên tuyển lại lao động cũ. Trong thời điểm khó khăn này, ông Lâm mong muốn được hỗ trợ giảm tối đa chi phí neo đậu tàu (30%-70%), còn các chi phí khác công ty sẽ cố gắng tự lo liệu.
Ông Đặng Quốc Cường, Công ty Du lịch Thái Dương cho biết, DN có 25 nhân viên, nhưng nay chỉ giữ lại 5 người; có 30 đầu xe du lịch loại 45 chỗ… DN có làm thủ tục vay vốn từ một số ngân hàng, nhưng chưa được phê duyệt. Một ngân hàng nói, đang chờ báo cáo quý 1-2020, nên sớm nhất DN cũng phải đợi đến cuối tháng 4-2020 mới biết được duyệt vay hay không.
Theo ông Cường, việc chứng minh thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra không quá khó. Chỉ cần cung cấp các chứng từ, hóa đơn liên quan đến công nợ, đối tác chưa trả nợ… Ví dụ, các hãng hàng không chưa trả tiền vé do hủy chuyến bay (khoảng 1,4 tỷ đồng), DN phải móc tiền túi hoàn lại cho khách. Riêng đặt tour, booking bị hủy hoặc phải trưng các hợp đồng mang tính bảo mật (DN có ký với hãng hàng không) cho ngân hàng để chứng minh thiệt hại sẽ khó khăn hơn.
“Thực sự ngân hàng không mặn mà lắm với việc cho vay, nên chúng tôi chỉ có thể chịu khó chờ đợi mà thôi”, ông Đặng Quốc Cường phản ánh.
Hỗ trợ công bằng
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, nhận định thời điểm này, nhiều công ty lữ hành buộc phải hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa…
“Ngay cả công ty chúng tôi, mặc dù vẫn hoạt động nhưng chỉ có ban giám đốc, kế toán trưởng, trưởng bộ phận kinh doanh, bảo vệ còn làm việc; đội ngũ nhân viên được cho tạm nghỉ làm, trợ cấp hàng tháng 50% thu nhập. Do vậy, rất mong các gói hỗ trợ cần được triển khai sớm, không phân biệt công ty lớn, nhỏ. Hiện nay ở một số quốc gia (như Canada chẳng hạn), để tạo điều kiện cho người lao động, nhà nước hỗ trợ 10% lương. Nên chăng, Việt Nam cũng xem xét các gói hỗ trợ nhanh chóng, trực tiếp hơn”, ông Trần Thế Dũng kiến nghị.
Tương tự, ông Đỗ Văn Triển, Giám đốc Công ty Du lịch Chiêu Tour, phản ánh, các DN nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ đang gặp khó khăn chồng chất. “Những chiếc xe lớn 45 chỗ đầu tư hàng tỷ đồng đang phải đắp chiếu, nằm chờ qua dịch do vắng khách; trong khi tiền góp, trả lãi ngân hàng do vay mua xe vẫn phải nộp đều đặn. Chỉ cần ngân hàng quan tâm hỗ trợ, các đối tác được vay vốn ưu đãi, được giãn nợ, thì DN tôi cũng sớm thu hồi công nợ, có thể cầm cự qua mùa dịch Covid-19. Ngược lại, “sức khỏe” của đối tác có vấn đề, họ rơi vào vòng xoáy nợ nần, thậm chí phá sản thì chúng tôi cũng khó khăn theo”, ông Đỗ Văn Triển phân tích.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM, đề xuất, trong thời điểm khó khăn này, các cơ quan chức năng cần sớm giảm 50% thuế VAT, giảm chi phí môi trường cho các DN du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể; giảm lãi suất vay từ 3%/năm, đồng thời kéo dài thời gian ân hạn, chậm trả lãi vay, có các khoản vay ưu đãi mới...
“Trên thực tế, quy định hỗ trợ đã có nhưng để DN tiếp cận được gói hỗ trợ không đơn giản, ví dụ như khâu chứng minh thiệt hại, khiến DN e ngại”, bà Nguyễn Thị Khánh góp ý.