Sống chung nhà nghiêng, lún

Nhiều ngôi nhà trên địa bàn TPHCM nghiêng ngả, xiêu vẹo hàng chục năm nay nhưng không có tiền chống nghiêng, chủ nhà đành sống chung với “tổ ấm” có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhà nghiêng, lún hiện nay là do xây dựng công trình trên nền đất yếu và xử lý móng không đạt yêu cầu.

Nhiều ngôi nhà trên địa bàn TPHCM nghiêng ngả, xiêu vẹo hàng chục năm nay nhưng không có tiền chống nghiêng, chủ nhà đành sống chung với “tổ ấm” có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhà nghiêng, lún hiện nay là do xây dựng công trình trên nền đất yếu và xử lý móng không đạt yêu cầu.

Cả phố nhà nghiêng

Dạo một vòng các đường Chu Văn An, Đinh Bộ Lĩnh, Quốc lộ 13 (phường 25 và 26, quận Bình Thạnh), chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều căn nhà cao tầng xiêu vẹo. Những căn nhà nghiêng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh từ ngã tư Ung Văn Khiêm đến cầu Thanh Đa, đường Chu Văn An từ lâu đã hình thành những “phố nhà nghiêng” (quận Bình Thạnh).

Căn nhà 726A, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh nghiêng nặng, rất nguy hiểm. Ảnh: M.Tuấn

Căn nhà 726A, đường Xô Viết Nghệ
Tĩnh nghiêng nặng, rất nguy hiểm.
Ảnh: M.Tuấn

Theo thống kê, tại phường 25 và 26 quận Bình Thạnh hiện có trên 30 căn nhà nghiêng. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch phường 25, cho biết trên địa bàn phường đang có hơn 20 căn nhà nghiêng, lún. Đó là các căn nhà số 596, 598, 600, 726A (bên trái), 726A (bên phải), 842, 698 trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và căn nhà số 115 đường D3.

Biểu hiện rõ nhất của kết cấu những ngôi nhà này là có dấu hiệu nghiêng, nứt tường rất nguy hiểm. Đây là những căn nhà xây dựng trước năm 2000. Thời điểm đó, các hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án mở rộng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Và để tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định cuộc sống, chính quyền đã “nới lỏng” một số quy định trong việc cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà.

Ghi nhận  tại các quận/huyện vùng ven như huyện Bình Chánh, Nhà Bè, quận 2, 7, 8, Thủ Đức, Bình Tân… có hàng trăm ngôi nhà vắt vẻo, dựa dẫm vào nhau chờ sập. Thí dụ trên đường 26 (phường 10, quận 6), đang tồn tại căn nhà 4 tầng lầu nghiêng hẳn về phía trước, nền lún khoảng 30cm.

Nhà bị nghiêng khiến cửa chính, cửa sổ kẹt cứng; tường bị xé toác; gạch lát nền bể nham nhở. Ngôi nhà này từng bỏ hoang suốt 10 năm giữa phố thị đông đúc.

Tại các khu dân cư xung quanh chợ Bình Phú (quận 6), mấy chục căn nhà có dấu hiệu nghiêng. Nền đất gãy khúc, sụt lún cục bộ. Khoảng giữa 2 vách tường nhà liên kế tách ra 20-30cm. Một số căn nhà nghiêng nặng, chủ nhà đóng cửa dọn đi nơi khác ở hoặc cho người thu nhập thấp thuê.

Tương tự, tại khu dân cư Bình Hưng (huyện Bình Chánh) cũng có nhiều ngôi nhà đang dần lún theo thời gian. Ông Ngô Xuân Dũng, chủ nhân ngôi nhà số 92, đường số 2, cho biết nhà bị lún 30cm với nhiều đoạn gãy khúc khá nguy hiểm. Ngôi nhà được xây nhà vào năm 2004.

Để xử lý móng trên nền đất yếu, ông Dũng đã cho đóng 24 cọc bê tông cốt thép sâu 40m. Ở được 1 năm, nền nhà đã bị võng, xuất hiện nhiều vết gãy. Vài năm trở lại đây, tốc độ sụt lún rất nhanh. Những tháng triều cường, nước rút, nền lại lún thêm vài cm.

Nhà nghiêng do đâu?

Theo kỹ sư Lê Quang Huy, nhìn chung những căn nhà nghiêng, lún trên địa bàn TPHCM xây dựng trên nền đất yếu, địa chất không ổn định là ruộng, đầm lầy, kênh rạch hàng chục năm về trước. Những nơi địa hình thấp, ngập nước, bùn lầy, muốn xây nhà an toàn cần khảo sát địa chất kỹ.

Thông thường, người dân chọn giải pháp làm móng nhà bằng cừ tràm bởi chi phí thấp, tuy nhiên móng cừ tràm không đảm bảo cho tuổi thọ căn nhà. Chiều dài cừ tràm không cắm đến được tầng đất cứng nên công trình sau một thời gian sử dụng bị lún ở trạng thái “tự do”.

Sau này, từ chỗ nhận thức của người dân về nhà nghiêng, lún, đơn vị thi công làm kỹ khâu khảo sát, thiết kế, thi công; giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước trong việc cấp phép xây dựng… đã hạn chế được những sự cố sau khi đưa công trình nhà ở vào sử dụng, vận hành.

Theo đó, các đơn vị thi công thường tư vấn cho chủ nhà áp dụng biện pháp ép cọc, khoan cọc nhồi phù hợp với tải trọng công trình. Kỹ sư Huy cũng nhấn mạnh khi thực hiện bất kỳ công trình nhà ở nào cần khảo sát địa chất, đặc biệt là các khu vực có địa chất yếu và phức tạp, sau đó mới đến giai đoạn thiết kế, thi công và hoàn thiện.

Dù vậy, do chủ nhà tiết kiệm chi phí, hoặc nhà thầu “ăn xén” những công đoạn này làm giảm chất lượng công trình. Vì thế, ngay cả những trường hợp có hồ sơ khảo sát địa chất và hệ số an toàn đã đo đạc được qua máy ép cọc mà nhà vẫn bị lún, lỗi do khâu thiết kế và thi công.

Theo “thần đèn” Nguyễn Văn Cư, Giám đốc Công ty TNHH XD TM DV Ánh Kim, một số trường hợp khi nhà này đào móng, làm tầng hầm, ép cọc bê tông, có thể gây lún móng cừ tràm nhà bên cạnh.

Hiện nay, dù đã có công nghệ ép cọc bê tông cốt thép, có bản vẽ thiết kế kỹ thuật, nhưng cũng có những công trình nhà 5-6 tầng nghiêng, lún, do đơn vị thi công khảo sát địa chất không kỹ, không có giám sát kỹ thuật theo dõi suốt quá trình xây dựng.

Kinh nghiệm cho thấy trong số những nhà bị nghiêng, lún được tiến hành cân chỉnh, có đến một nửa nhà có móng ép cọc bê tông. Nhiều người vẫn tưởng nhà có móng ép cọc bê tông cốt thép rất chắc chắn, nhưng thực tế nếu ép cọc không đủ khả năng chịu tải, nhà vẫn sẽ bị nghiêng, lún.

Nhà nghiêng, lún, nhiều chủ hộ muốn cân chỉnh lại nhà, gia cố móng, nhưng chi phí kiểm định và thi công khá cao (500-600 triệu đồng) nên đành nhắm mắt sống cùng tai họa chực chờ. Hơn nữa, đối với những dãy phố có 4-5 căn liền kề đều nghiêng, một cá nhân chống nghiêng cho riêng nhà mình không giải quyết được căn cơ mà cần phối hợp các hộ khác cùng làm.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, người dân kiến nghị cơ quan quản lý cần theo dõi, vận động người dân khắc phục và hỗ trợ ngân sách để chống nghiêng nhà, đảm bảo an toàn cho chính chủ hộ và nhà liền kề.

Các tin khác