Trước khi ĐHCĐ của CTCP Bibica (BBC) diễn ra vào ngày 24-3, đã có những dự báo, nhận định về một “kịch bản” tranh cãi rất kịch tính. Nhưng diễn biến thực tế lại không giống như kỳ vọng, tuy nhiên cũng có một vài vấn đề rất đáng suy nghĩ.
“Nóng” nhân sự HĐQT
Sau khi một loạt văn bản khá dài được đọc và thông qua, NĐT bắt đầu chú ý khi phần trình bày của ông Trương Phú Chiến, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BBC đưa ra chi tiết giá vốn hàng bán của sản phẩm Lotte Pie xuất khẩu bằng với giá bán, tác động đến kết quả kinh doanh.
Ông Chiến cũng cho biết đang làm việc với Lotte về vấn đề này. Bên lề đại hội, một lãnh đạo cao cấp của BBC tiết lộ với báo giới, đại ý “không thể im lặng, buộc phải lên tiếng, còn nhiều vấn đề bên trong lắm”. Lotte Confectionery (Lotte) hiện đang là cổ đông lớn nhất của BBC với tỷ lệ sở hữu khoảng 38%.
3 vị trí quan trọng hàng đầu hiện nay tại BBC bao gồm chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc và giám đốc tài chính thì đã có 2 là người xem như của Lotte. Trong cơ cấu HĐQT của BBC trước khi ĐHCĐ diễn ra, Lotte chiếm 3 ghế trên tổng số 7 ghế. Những chi tiết nêu trên đã đặt ra câu hỏi và quyền lợi, tầm ảnh hưởng giữa các nhóm cổ đông tại BBC.
![]() |
Quang cảnh ĐHCĐ thường niên 2012 của CTCP Bibica. Ảnh: THÁI CA |
2 vấn đề quan trọng được đem ra biểu quyết là việc bầu thêm một người của Lotte vào HĐQT và đổi tên BBC thành Lotte-Bibica đã có những cái kết khác nhau. Trước khi tiến hành biểu quyết về việc bầu thêm thành viên HĐQT, đã có một số cổ đông phát biểu tỏ ra lo ngại về ảnh hưởng của Lotte đối với hoạt động kinh doanh của BBC và kết quả là đã không được thông qua.
Đối với việc đổi tên công ty, điểm độc đáo ở đây là sau khi đại diện của Lotte giới thiệu khá dài dòng về tập đoàn của mình, từ khi ra đời cho đến những thành tựu đạt được, lại bất ngờ công bố sẽ không đưa vấn đề này ra biểu quyết vì chưa phải là thời điểm thích hợp. Những động thái, được xem như gia tăng ảnh hưởng của Lotte đối với BBC cuối cùng đã không thể thực thi, nhưng câu chuyện chắc chắn sẽ không dừng lại ở đây.
Ban giám đốc BBC đã đưa ra tầm nhìn về việc trở thành công ty bánh kẹo dẫn đầu Việt Nam vào năm 2015. Thoạt nhìn đây là một kế hoạch tham vọng nhưng nếu phân tích kỹ lưỡng lại chưa hẳn. Dẫn đầu về yếu tố nào, sản phẩm, quy mô hay hương hiệu?
Không thấy ban lãnh đạo công ty nêu rõ. Bibica là một thương hiệu khá lớn trong lĩnh vực bánh kẹo, nhưng nếu chọn ra một đặc điểm hay sản phẩm nào đó của Bibica mang tính chất tiêu biểu không dễ dàng.
Thẳng thắn mà nói, đem so sánh Bibica và một “ông lớn” trong ngành bánh kẹo khác là Kinh Đô, nhiều người vẫn có suy nghĩ Bibica ở thế yếu hơn. Có thể đây chỉ là những suy nghĩ có phần cảm tính, nhưng cũng cho thấy Bibica có rất nhiều việc phải làm.
Từ năm 2007, thời điểm Lotte đạt được thỏa thuận mua 30% cổ phần của BBC đến nay, có thể nói hoạt động kinh doanh của công ty có nhiều tích cực, nhưng không “đặc sắc” hoặc “nhảy vọt”. Một cổ đông chia sẻ, anh chưa thấy Lotte chứng minh về một lộ trình cụ thể trong việc đã hỗ trợ BBC phát triển như thế nào.
Bibica hay Lotte-Bibica?
Trở lại với 2 vấn đề mà nếu được thông qua sẽ gia tăng thêm ảnh hưởng của Lotte tại BBC, có thể đặt ra câu hỏi liệu có quá vội vàng? Bởi lẽ, chỉ cần 1 vấn đề được thông qua, cơ cấu quyền lực và ảnh hưởng tại BBC cũng đã tăng rất mạnh. Giả sử BBC có tên mới là Lotte-Bibica, trong suy nghĩ của nhiều người BBC không khác gì một công ty con hay một “nhánh” của Lotte, dù hiện tại sở hữu của Lotte tại BBC chỉ mới ở tầm mức cổ đông lớn.
Và việc đại diện của Lotte thu về vấn đề và quyết định không biểu quyết có thể hiểu như một động tác “sửa sai” vì đã quá vội vàng. Không bàn đến chuyện đúng sai ở đây vì chuyện các cổ đông tạo ảnh hưởng, hoặc thậm chí muốn thâu tóm, gia tăng quyền lực là một khía cạnh bình thường trong đầu tư, kinh doanh.
Nhưng có một điều chắc chắn rằng một doanh nghiệp không có sự thống nhất, dung hòa lợi ích giữa các cổ đông, ban lãnh đạo, việc phát triển vượt bậc sẽ khó xảy ra. Hệ quả, khi công ty không thể phát triển, nguy cơ mỗi nhóm cổ đông tìm “đường” để làm lợi cho riêng mình rất dễ xảy ra. Khi đó, cổ đông bên ngoài sẽ là bên thiệt thòi nhất.
Một điều cũng cần nói thêm ở đây, là nếu có “trách” hay lo ngại Lotte “lạm quyền”, những người đã chủ động hợp tác, bán cổ phần của Bibica cho Lotte cũng phải xem lại chính mình. Liệu rằng khi “kết hôn” với Lotte mấy năm trước, Bibica có nhìn ra được những vấn đề sẽ phải đối mặt hiện nay?
Sẽ là phiến diện và suy đoán nếu nói rằng nội bộ BBC đang có một cuộc đấu đá ngầm nào đó. Nhưng nếu nói các cổ đông lớn của Bibica đang “đoàn kết”, thống nhất với nhau thành một khối, e rằng sẽ nhiều người không tán thành.
Điều này cũng có thể là một bài học cho các doanh nghiệp khi chào bán cho các đối tác nước ngoài, nếu không “tỉnh” và “tinh”, khả năng bị thâu tóm dần rất dễ xảy ra. Sẽ ra sao nếu một thương hiệu đã được dày công xây dựng như Bibica lại bị Lotte lấn át?
Đây không đơn thuần chỉ là chuyện của một công ty, mà là của một ngành nghề. Khi một thương hiệu trong nước tỏ ra đuối thế, sức mạnh của một ngành cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Cũng cần phải nhắc lại một điều rằng với những hành động vừa qua, Lotte cũng ít nhiều cho thấy tham vọng của mình.
Vậy nên, việc ai đó với mong muốn bảo vệ cho thương hiệu Bibica sẽ cần phải hành động nhiều hơn nữa, vì với kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng Lotte sẽ không dễ dàng từ bỏ ý định của mình.