Cơn sốt giá đất bắt đầu từ giữa tháng 11, khi một tập đoàn lớn đấu trúng lô đất dự án Khu đô thị (KĐT) TM-DV nam Đông Hà ở P.Đông Lương (TP.Đông Hà). Với tâm lý “ăn theo”, giá đất ở quanh khu vực tăng phi mã, nhất là đường Đại Cồ Việt, Trương Công Kỉnh (mỗi mét vuông đạt đỉnh có giá đến 70 - 80 triệu đồng).
Không “hot” bằng khu vực quanh KĐT TM-DV nam Đông Hà, nhưng giá đất ở các KĐT như bắc sông Hiếu, nam Đông Hà, khu đường Trần Bình Trọng… cũng leo thang, chưa có dấu hiệu dừng.
Cơn sốt đất còn lan sang cả khu vực đất thổ cư, đất ở các phường ven TP.Đông Hà, thậm chí là ở các huyện ở giáp TP.Đông Hà như Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong. Những ngày qua, ở nhiều khu vực “hot” ở TP.Đông Hà nườm nượp người xe đến xem đất, giao dịch. Làm ngày không đủ, họ còn làm đêm.
PV đã thử đi mua đất và nhận thấy thị trường đang nằm trong tay môi giới, bởi nếu không có họ dẫn dắt, không thể tiếp cận được các mảnh đất cần bán. Vì thế, việc “thổi” giá cũng phần nhiều do môi giới mà ra.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng giá đất tăng theo từng đợt sóng, sóng sau luôn cao hơn đợt sóng trước, nên giá đất chỉ có tăng, đầu tư chỉ có trúng. Điều đó có thể đúng với những nhà đầu tư trường vốn, đủ tiềm lực để mua đất, chờ đợi từng đợt sóng để “lướt”. Còn với những người vốn ít, phải đi vay mượn ngân hàng, thậm chí “vay nóng” để ôm đất... thì dễ “chết đuối” trước khi đợt sóng tăng giá tiếp theo kịp đến.
Ngay cả lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng nhận định cơn sốt đất ở TP.Đông Hà lúc này là sốt ảo, không bền vững, chưa đúng với giá thị trường và đưa ra nhiều cảnh báo. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lao theo như con thiêu thân… và đã xảy ra tranh chấp, thậm chí kéo nhau ra tòa vì đất.
Đất sốt ảo, nhưng hậu quả đang hiển hiện, trả giá thật nếu không biết chọn điểm dừng.