Sốt ruột

Sự sốt ruột trong việc chậm thay đổi thể hiện rõ ngay qua chủ đề của VBF: “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách - Từ chương trình tới hành động”. Chủ đề này thể hiện niềm tin của DN trong việc chuyển những kế hoạch từ chương trình nghị sự sang hành động để phát triển kinh tế.

Lần thứ hai giữ vai trò điều phối Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) kể từ khi nhận chuyển giao từ IFC/WB cuối năm 2012, cộng đồng DN trong và ngoài nước tiếp tục thể hiện tiếng nói mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Sự sốt ruột trong việc chậm thay đổi thể hiện rõ ngay qua chủ đề của VBF: “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách - Từ chương trình tới hành động”. Chủ đề này thể hiện niềm tin của DN trong việc chuyển những kế hoạch từ chương trình nghị sự sang hành động để phát triển kinh tế.

Bởi dù Chính phủ đã có những tiến bộ lớn trong điều hành như giảm lạm phát, lãi suất, thâm hụt thương mại... nhưng DN vẫn chật vật trong hoạt động. Do vậy, diễn đàn là cơ hội DN đưa ra những khuyến nghị với Chính phủ để cải thiện tình hình. Sự sốt ruột còn thể hiện qua những khuyến cáo tại Diễn đàn. Đó là Chính phủ cần xóa bỏ những bất cập hiện nay (cơ sở hạ tầng, sự thống nhất trong văn bản pháp luật...).

“Nếu Chính phủ coi đây là những vấn đề phổ biến của các nước đang phát triển, chúng tôi sợ rằng Việt Nam dễ đánh mất sức hấp dẫn và dòng vốn đầu tư sẽ đổ về những nước châu Á cạnh tranh khác” - ông Motonobu Sato, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, nhấn mạnh.

Những khuyến cáo mạnh mẽ của DN, đặc biệt từ khu vực nước ngoài, cần phải được lưu tâm hơn nữa. Bởi những bất cập đang xảy ra với kinh tế Việt Nam không mới nhưng cũng không hề cũ. Và các nhà đầu tư nước ngoài dường như không muốn nhìn thấy những cơ hội tiếp tục bị vuột mất khỏi Việt Nam.

Đó là điều quan trọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, dòng vốn nước ngoài đang có sự lựa chọn kỹ càng hơn điểm đến. Vì thế, để giải quyết gốc rễ các khó khăn, mục tiêu đầu tiên là Chính phủ cần kiên định ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện nay dù nền kinh tế có một số cải thiện nhưng vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, lạm phát bước đầu đã được kiềm chế nhưng luôn tiềm ẩn những yếu tố dẫn đến bùng phát trở lại.

Vấn đề không kém phần quan trọng tiếp theo là Chính phủ cần ưu tiên cải cách thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, không bị cuốn vào các giải pháp ngắn hạn. Các biện pháp trợ giúp DN trong ngắn hạn cũng phải khuyến khích đẩy mạnh tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn. Do vậy, Nhà nước không thể chậm trễ hơn việc đẩy mạnh cải cách DNNN, ngân hàng.

Trong đó, yêu cầu quan trọng nhất là xây dựng được một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tăng tính minh bạch và áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại vào DNNN; khẩn trương thoái vốn nhà nước ra khỏi lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không cần nắm giữ, để chuyển một phần nguồn lực sang đáp ứng các nhu cầu khác cấp bách và cần thiết hơn như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ các mục tiêu xã hội…

Kinh tế Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng bền vững hơn nếu môi trường kinh doanh thuận lợi, khi sân chơi trở nên bình đẳng hơn, tình trạng tham nhũng và các yếu kém đi kèm được giải quyết... Theo đó cần có những hành động thực tế để giải quyết các kiến nghị, khắc phục những bất cập hiện hành một cách nhanh chóng hơn.

Các tin khác