S&P 500 đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2022; Dầu giảm do lo ngại về nhu cầu

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 đã tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng vào thứ Hai (12/6) khi các nhà đầu tư hy vọng Fed sẽ bỏ qua việc tăng lãi suất khi ngân hàng trung ương quyết định chính sách vào thứ Tư. 
S&P 500 đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2022; Dầu giảm do lo ngại về nhu cầu

Nhà đầu tư kỳ vọng Fed giữ nguyên lãi suất

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tăng 0,93% lên 4.338,93, với mức tăng đều đặn trong suốt phiên giao dịch. Chỉ số này đã vượt qua mức đỉnh từ tháng 8 năm ngoái và đạt mức tốt nhất trong phiên, đồng thời khép phiên tại mức cao nhất chưa từng thấy kể từ cuối tháng 4/2022. Nasdaq Composite nhích 1,53% đạt 13.461,92, cũng ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. Chỉ số Dow Jones cộng 189,55 điểm, tương đương 0,56%, đóng cửa ở mức 34.066,33.

Thị trường đã kỳ vọng rằng Fed sẽ bỏ qua việc tăng lãi suất trong cuộc họp tuần này, với các nhà đầu tư dự đoán khoảng 72% khả năng sẽ không tăng thêm lãi suất, theo công cụ FedWatch của CME Group. Fed đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp kể từ khi bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách mới nhất này vào tháng 3/2022.

Dữ liệu lạm phát hôm thứ Ba có thể giúp củng cố lập trường rằng lạm phát đang giảm bớt, khi các nhà kinh tế kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy lạm phát hạ xuống mức 4% vào tháng Năm, giảm từ 4,9% trong tháng trước.

Theo giám đốc đầu tư của Certuity, Dylan Kremer, ngân hàng trung ương cuối cùng sẽ quyết định bỏ qua đợt tăng lãi suất vào tháng 6, nhưng Fed có thể chưa hoàn thành việc tăng lãi suất nói chung.

Tuy nhiên, kỳ vọng của thị trường là các quan chức Fed sẽ nhấn mạnh cam kết kiềm chế lạm phát và quay trở lại với mức tăng lãi suất cuối cùng tại cuộc họp tháng 7 trước khi tiếp tục giữ lãi suất không đổi trong thời gian còn lại của năm.

S&P 500 vào tuần trước đã đạt một cột mốc quan trọng, nhảy vọt hơn 20% so với mức đáy trong tháng 10/2022. Động thái này khiến nhiều nhà đầu tư báo hiệu thị trường giá xuống đã kết thúc. Chỉ số này đang trên đà tăng hơi nóng, với 4 tuần liên tiếp. Nasdaq Composite thậm chí còn tăng mạnh hơn, tăng 33% so với mức đáy trong 52 tuần.

Nasdaq và nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà tăng một lần nữa vào thứ Hai, với Amazon và Tesla mỗi cổ phiếu tăng hơn 2%.

Dầu giảm 4%

Khép phiên, dầu thô Brent kỳ hạn sụt 2,95 USD, tương đương 3,9%, xuống mức 71,84 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Dầu thô WTI giảm 3,05 USD, tương đương 4,4%, xuống mức 67,12 USD/thùng.

Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu vào đầu ngày Chủ nhật, với lý do nguồn cung cao hơn dự kiến vào cuối năm nay và đến năm 2024. Dự báo giá dầu thô tháng 12 của ngân hàng hiện ở mức 86 USD/thùng đối với dầu Brent, giảm từ mức 95 USD/thùng và ở mức 81 USD/thùng đối với dầu WTI, giảm từ mức 89 USD/thùng.

Nhà phân tích Matt Smith của Kpler cho biết: “Việc Goldman dự báo giá dầu tăng dường như là chất xúc tác để kích thích động thái bán ra ngày hôm nay.”

Các động thái điều chỉnh trên diễn ra vào đầu tuần bận rộn với việc Fed sẽ có cuộc họp vào thứ Tư. Trong khi Fed được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng này, các nhà đầu tư lo ngại rằng việc tăng lãi suất có thể sẽ tiếp tục vào tháng tới.

Fed nâng lãi suất sẽ củng cố đồng USD, làm hàng hoá neo giá theo đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác và gây áp lực cho giá dầu.

Cũng đè nặng lên tâm trí các nhà đầu tư, là sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ ảm đạm ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế hàng đầu thế giới.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ công bố thông tin cập nhật thị trường hàng tháng vào thứ Ba.

Tuần trước, cả dầu Brent và dầu WTI đều ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp sau khi dữ liệu kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc xóa đi động lực tăng giá từ cam kết cắt giảm sản lượng của Ả Rập Saudi trong tháng Bảy.

Các tin khác