S&P 500 tăng 4 phiên liền; Dầu sụt hơn 2%

(ĐTTCO) - Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào thứ Tư (11/10) khi nhà đầu tư chờ đợi số liệu lạm phát tiêu dùng mới và lợi suất trái phiếu kho bạc tiếp tục giảm điểm. Giá dầu giảm mạnh khi nỗi lo gián đoạn nguồn cung bắt nguồn từ xung đột tại Trung Đông hạ nhiệt dần.

S&P 500 tăng 4 phiên liền; Dầu sụt hơn 2%

Phố Wall chờ dữ liệu CPI

Kết phiên, chỉ số Dow Jones tiến 0.19%, tương đương 65.57 điểm, lên 33,804.87 điểm. S&P 500 nhích 0.43% đạt 4,376.95 điểm. Trong khi Nasdaq Composite cộng 0.71% lên 13,659.68 điểm, ghi nhận phiên đầu tiên vượt ngưỡng trung bình động 50 ngày kể từ ngày 14/9.

Đây cũng là phiên tăng điểm thứ tư liên tiếp của cả ba chỉ số chính.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 dự kiến được công bố vào ngày thứ Năm. Các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo CPI tăng 0.3% so với tháng trước và 3.6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao số liệu lạm phát trong lúc tìm kiếm manh mối về động thái chính sách tương lai của Fed. Số liệu này sẽ được công bố một ngày sau khi các nhà giao dịch nghiền ngẫm số liệu lạm phát bán buôn nóng hơn dự kiến.

Theo đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 9 tăng 0.5%, cao hơn dự báo tăng 0.3% của Dow Jones nhưng thấp hơn mức 0.7% trong tháng trước.

Biên bản họp được công bố hôm thứ Tư cho thấy tại cuộc họp tháng 9, đa số các quan chức Fed đều dự báo sẽ có thêm một đợt nâng lãi suất nữa.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 9 điểm cơ bản sau khi tăng mạnh lên mức cao nhất trong 16 năm vào đầu tháng này. Kể từ cuộc họp tháng 9 của Fed, các nhà hoạch định chính sách đã chỉ ra rằng lợi suất cao hơn có thể phủ nhận sự cần thiết phải nâng lãi suất trong tương lai.

Mặc dù nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt hơn dự báo, các nhà đầu tư cũng lưu ý rằng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng tiếp tục đánh giá tác động từ cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và Hamas.

Dầu sụt sau cam kết hỗ trợ thị trường của Ả-rập Saudi

Khép phiên, dầu thô tương lai Brent hạ 1.83 USD, tương đương 2.1%, xuống 85.82 USD/thùng. Dầu thô tương lai WTI tại Mỹ sụt 2.48 USD, tương ứng 2.9%, còn 83.49 USD/thùng.

Cả 2 loại dầu đều tăng vọt hơn 3.5 USD hôm thứ Hai do e ngại cuộc đụng độ giữa Israel và Hamas có thể leo thang thành một cuộc xung đột rộng hơn và làm gián đoạn cung dầu toàn cầu.

Tuy nhiên, giá nhiên liệu giảm nhẹ vào thứ Ba sau khi Ả-rập Saudi cho biết nước này đang làm việc với các đối tác khu vực và quốc tế để ngăn chặn tình trạng leo thang và tái khẳng định nỗ lực bình ổn thị trường dầu.

Nhà phân tích Tamas Varga tại PVM cho hay “Cả WTI và Brent đều rút lui vào ngày hôm qua khi nỗi lo về sự gián đoạn nguồn cung đột ngột và bất ngờ tạm thời được đẩy lùi.”

Phó Giám đốc điều hành Magid Shenouda cũng cho biết nhà giao dịch Mercuria dự đoán giá dầu sẽ đạt 100 USD/thùng nếu tình hình ở Trung Đông tiếp tục leo thang.

Được biết, Nga và Ả-rập Saudi đã gặp nhau tại Moscow vào thứ Tư. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng sự hợp tác của OPEC+ sẽ tiếp tục “vì khả năng dự đoán của thị trường dầu”.

Tại Mỹ, giá sản xuất tháng 9 tăng mạnh hơn dự báo giữa bối cảnh chi phí thực phẩm và các sản phẩm năng lượng tăng cao, nhưng áp lực lạm phát cơ bản tại các nhà máy tiếp tục giảm.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự đoán dự trữ dầu toàn cầu sẽ giảm 200,000 thùng/ngày trong 6 tháng cuối năm 2023 do việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của Ả-rập Saudi cùng với mục tiêu sản lượng thấp hơn của các quốc gia OPEC+.

Theo dự báo của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 500,000 thùng trong tuần kết thúc ngày 06/10. Theo kế hoạch, Viện Xăng dầu Mỹ (API) sẽ công bố số liệu dự trữ dầu vào ngày thứ Tư. Tiếp đó, EIA sẽ công bố số liệu vào ngày thứ Năm.

Các tin khác