Dow “bốc hơi” hơn 350 điểm
Khép phiên, chỉ số S&P 500 giảm 1,44%, đóng cửa ở mức 3.941,26, trong khi Nasdaq Composite lùi 2%, kết thúc ở mức 11.014,89. Chỉ số Dow Jones Industrial Average rớt 350,76 điểm, tương đương 1,03%, xuống 33.596,34.
Chứng khoán Mỹ kéo dài sụt giảm hôm thứ Hai, với S&P giảm ngày thứ tư liên tiếp và có phiên giảm thứ bảy trong tám ngày vừa qua. Các động thái của ngày thứ Ba khiến mức lỗ trong hai ngày của chỉ số Dow lên tới hơn 830 điểm.
Nhóm cổ phiếu truyền thông và ngân hàng, vốn có xu hướng bị ảnh hưởng trong thời kỳ suy thoái, dẫn đầu các đà giảm trên thị trường. Giám đốc điều hành của Paramount Global đã cảnh báo về doanh thu quảng cáo trong quý IV thấp hơn, khiến cổ phiếu của công ty giảm gần 7%. Cổ phiếu của Morgan Stanley sụt giảm trong bối cảnh có thông tin rằng họ đang có kế hoạch cắt giảm 2% lực lượng lao động, tiếp tục xu hướng sa thải gần đây trong lĩnh vực ngân hàng. Các tên tuổi công nghệ tập trung vào tăng trưởng như Nvidia, Amazon và Meta Platforms cũng gây áp lực lên thị trường.
Adam Sarhan, Giám đốc điều hành của 50 Park Investments cho biết: “Về cơ bản, chúng ta đang chứng kiến một đợt sa thải lớn khác trong tuần này và điều đó chỉ làm tăng khả năng chúng ta “hạ cánh cứng” vào năm 2023 và bước vào thời kỳ suy thoái sâu hơn so với dự kiến ban đầu.”
Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, Jamie Dimon, lặp lại những lo ngại về một cuộc suy thoái sắp tới, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên “Squawk Box” của CNBC hôm thứ Ba rằng lạm phát sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Ông nói: “Lạm phát và tác động của nó đối với người tiêu dùng rất có thể làm chệch hướng nền kinh tế và gây ra một cuộc suy thoái nhẹ hoặc nghiêm trọng khiến mọi người lo lắng.”
Với mức thua lỗ hôm thứ Ba, S&P đã giảm 3,2% trong tuần này và Nasdaq giảm 3,9%.
Các thị trường phần lớn đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ giảm tốc độ nâng lãi suất của mình xuống mức tăng nửa điểm phần trăm khi nhóm họp vào tuần tới. Nhưng các nhà đầu tư lo ngại một bước lùi của Fed sẽ không đủ để ngăn nền kinh tế bước vào suy thoái vào năm 2023.
Dầu giảm xuống dưới 80 đô la khi nghi ngờ về nhu cầu ngày càng sâu sắc
Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô Brent kỳ hạn giảm 4,03% xuống 79,35 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 4/1. Dầu thô WTI của Mỹ rớt 3,48% xuống 74,26 USD sau khi chạm mức thấp nhất trong năm nay.
Hoạt động của ngành dịch vụ ở Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong 6 tháng và các nền kinh tế châu Âu đã suy yếu do chi phí năng lượng cao và lãi suất tăng.
Nếu mức giảm hiện tại được giữ vững, dầu thô Brent sẽ ghi nhận mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ cuối tháng 9.
Cả dầu Brent và dầu WTI tương lai vào thứ Hai đều ghi nhận mức giảm hàng ngày lớn nhất trong hai tuần sau khi dữ liệu ngành dịch vụ của Hoa Kỳ cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ vững mạnh và thúc đẩy kỳ vọng nâng lãi suất cao hơn so với dự báo trước đó.
Chỉ số đô la Mỹ giảm nhẹ vào thứ Ba nhưng vẫn được hỗ trợ bởi dự báo lãi suất cao hơn, sau đợt phục hồi lớn nhất trong hai tuần vào thứ Hai.
Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến dầu định giá bằng đô la trở nên đắt hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó làm giảm nhu cầu.
Tại Trung Quốc, nhiều thành phố đang nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID-19, thúc đẩy kỳ vọng về nhu cầu gia tăng tại quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, mặc dù điều đó không đủ để thúc đẩy giá các hợp đồng dầu tương lai.
Thị trường cũng đang cân nhắc tác động sản xuất của mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga do các quốc gia Nhóm G7, Liên minh Châu Âu và Úc áp đặt.
Nga đã tuyên bố sẽ không bán dầu cho bất kỳ ai đăng ký giá trần. Theo Phó Thủ tướng Alexander Novak, sản lượng dầu và khí ngưng tụ từ tháng 1 đến tháng 11 của Nga đã tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước lên 488 triệu tấn. Ông Navak dự đoán sản lượng sẽ giảm nhẹ sau các lệnh trừng phạt mới nhất.