Trong một tuyên bố, S&P cho biết việc hạ mức tín nhiệm phản ánh đánh giá của hãng này rằng một giai đoạn tăng trưởng tín dụng kéo dài đã làm tăng nguy cơ rủi ro đối với nền kinh tế và tài chính với nền kinh tế Trung Quốc.
Theo S&P, tăng trưởng tín dụng đã thúc đẩy mở rộng kinh tế Trung Quốc và giá tài sản tăng cao, tuy nhiên cũng làm giảm sự ổn định tài chính ở mức độ nào đó.
S&P cho rằng nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong thời gian qua nhằm kiểm soát đòn bẩy tài chính đối với các doanh nghiệp có thể ổn định xu hướng rủi ro tài chính trong trung hạn. Tuy nhiên, S&P nhận định tăng trưởng tín dụng của nước này trong 2-3 năm sắp tới sẽ vẫn ở mức độ gia tăng rủi ro một cách từ từ.
Như vậy, S&P là hãng xếp hạng tín nhiệm thứ 2 đưa ra quyết định hạ xếp hạng tín nhiệm của nền kinh tế thứ hai thế giới. Hồi tháng 5, hãng Moody's đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn đối với nước này từ Aa3 xuống A1. Trong khi đó, hãng Fitch quyết định giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm A+ đối với Trung Quốc trong tháng 6.
Trong quý II, kinh tế Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng tốt hơn so với dự báo ở mức 6,9%, song các chuyên gia vẫn cảnh báo đà tăng trưởng sẽ không thể kéo dài.