Báo phỏng vấn chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung về các nội dung liên quan trong bài viết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”.
Thưa ông, liệu có quá lời không khi nói rằng việc giải phóng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẽ quyết định tốc độ và chất lượng tăng trưởng, trình độ phát triển của các quốc gia?
TS Nguyễn Đình Cung: Có hai việc mà bất cứ quốc gia nào cũng phải luôn nghĩ đến, cũng là hai nội dung mà Thủ tướng đã khẳng định rất rõ trong bài viết, đó là huy động cho được các nguồn lực và sử dụng hiệu quả. Hai nội dung này gắn bó chặt chẽ với nhau, nếu sử dụng hiệu quả thì anh sẽ huy động được thêm nguồn lực, như một vòng quay không ngừng mở rộng.
Theo tôi, có thể coi việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực là cốt lõi cải cách kinh tế Việt Nam hiện nay. Tại sao? Vì hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn đầu tư, thể hiện để tăng một đồng GDP cần đầu tư bao nhiêu đồng - PV) thời gian qua nhìn chung có cải thiện nhưng vẫn cần tới 6 đồng đầu tư để tạo ra 1 đồng tăng trưởng, trong khi ở thời điểm tương tự như chúng ta hiện nay, Hàn Quốc chỉ cần 4 đồng, Nhật Bản thậm chí chỉ cần 3 đồng. Tức là nếu sử dụng hiệu quả hơn, thì với tổng đầu tư toàn xã hội so với GDP trên 30%, thì chúng ta có thể đạt tốc độ tăng trưởng tới 9-10%, tương đương Hàn Quốc và Nhật Bản trong thời kỳ kinh tế cất cánh.
Có người băn khoăn rằng phải chăng Chính phủ, Thủ tướng phát đi quá nhiều các thông điệp cải cách. Cá nhân tôi đánh giá cao việc từ đầu nhiệm kỳ, cùng với các hành động, Thủ tướng đã liên tục gửi đi các thông điệp và tôi cho rằng Thủ tướng cần tiếp tục gửi nhiều hơn nữa các thông điệp như vậy, để toàn bộ máy nhận thức được, thấm nhuần tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và triển khai thực hiện. Đây cũng là một cách công khai để người dân, xã hội giám sát việc các Bộ trưởng nghĩ thế nào trước thông điệp của Thủ tướng, thực thi thế nào và có căn cứ để nói nơi nào, ai làm được, chỗ nào không, tức là tạo áp lực.
Thị trường các nhân tố sản xuất - trọng tâm trong viễn kiến cải cách
Trong số rất nhiều vấn đề được nêu trong bài viết, ông cho rằng nội dung nào là cấp bách nhất?
TS Nguyễn Đình Cung: Làm thế nào để cho nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực? Các vấn đề này đã được đề cập trong nhiều nghị quyết của Đảng và Chính phủ. Trong số các nội dung trong bài viết, tôi thấy một nội dung được Thủ tướng nhấn mạnh là phải phát triển thị trường các nhân tố sản xuất để các loại thị trường này đóng vai trò chủ đạo trong việc huy động và phân bổ nguồn lực, nguồn lực nhà nước cũng phải được phân bổ theo nguyên tắc thị trường.
Theo tôi, nếu mục tiêu hướng tới của cải cách là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực thì phát triển thị trường các nhân tố sản xuất chính là trọng tâm trong viễn kiến cải cách. Thực tế, các thị trường này của chúng ta vẫn phát triển với nhiều méo mó, sai lệch, các tín hiệu thị trường bị chi phối nhiều bởi sự thất bại của thị trường, các vấn đề tồn tại trong cách xử lý của một số cơ quan nhà nước và tác động của các nhóm lợi ích, dẫn tới sự sai lệch tín hiệu thị trường, sai lệch trong phân bổ và sử dụng nguồn lực.
Đặc biệt, bài viết đã nói rõ là phải phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp trong bối cảnh thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chậm hình thành. Thủ tướng đề cập rất nhiều về nội dung này. Nói cách khác, chúng ta cần có những cải cách để xây dựng nền tảng thể chế cho việc vận hành thị trường quyền sử dụng đất, thay vì chỉ phát triển thị trường bất động sản. Phải xây dựng được thể chế để thị trường hóa, vốn hóa được tài sản quyền sử dụng đất của nông dân, phát triển cả thị trường thứ cấp và thị trường sơ cấp, chứ không chỉ có các quy định về thu hồi đất hay các biện pháp hành chính áp đặt khác.
Phát triển thị trường quyền sử dụng đất cũng là công cụ tốt nhất bảo vệ lợi ích với nông dân. Chưa thể có thị trường nếu các biện pháp hành chính còn quá nhiều. Không theo các nguyên tắc thị trường thì chúng ta rất khó tích tụ, tập trung ruộng đất; nếu tích tụ, tập trung bằng các biện pháp hành chính thì chi phí sẽ quá cao, đầy rủi ro và có nguy cơ lạm dụng; nếu có tích tụ được thì cũng có thể ruộng đất đó sẽ không dành cho những người sử dụng tốt nhất, những dự án có hiệu quả cao nhất.
Còn về việc nâng cao hiệu quả đầu tư công và hoạt động kinh doanh vốn nhà nước, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Cung: Các doanh nghiệp nhà nước đang quản lý và sử dụng một khối tài sản khổng lồ, phải làm sao để nguồn lực này bùng phát hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy không có gì hơn là là động lực thị trường và lợi ích chính đáng của những người có liên quan. Sẽ rất khó có hiệu quả nếu quản lý các doanh nghiệp này theo lối hành chính gò bó.
Trong bài viết, Thủ tướng nhắc rất nhiều về tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng nói rằng phải rà soát lại hệ thống cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường, quản trị doanh nghiệp phải theo chuẩn mực hiện đại.
Tức là, phải để cho họ đầy đủ tự chủ để sáng kiến, sáng tạo, để tìm kiếm được người tốt nhất. Hãy giao mục tiêu cho họ, từ đó giám sát để đạt mục tiêu, còn làm gì hay làm thế nào thì nên để cho các doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp quyết định và họ hưởng lợi xứng đáng từ phần họ làm ra, chứ đừng khống chế theo chi tiêu hay tiền lương. Họ cũng phải được quyền tự chủ về bổ nhiệm cán bộ và và tài chính.
Nói khác đi, hãy quản lý theo theo cách “họ làm được bao nhiêu tiền” chứ đừng quản lý theo lối “họ được chi bao nhiêu tiền”. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nói rằng họ muốn được như tư nhân là như vậy. Lưu ý là Thủ tương dùng từ tự chủ, chứ không phải tự do, nghĩa là không phải tự do nhảy từ lĩnh vực kinh doanh này sang lĩnh vực khác, nhưng trong lĩnh vực đã định thì họ có quyền tự chủ. Mặt khác, tự chủ phải đi kèm kiểm tra và giám sát, quản lý chặt chẽ.
Tương tự như vậy với đầu tư công, các nghị quyết cũng nói phải phân bổ vốn đầu tư nhà nước trên cơ sở mức độ hiệu quả đã được đánh giá, thay vì phân bổ vốn về rồi sau đó mới tìm kiếm dự án. Theo tôi, đây là một “đột phá khẩu” trong cải cách của Việt Nam, nhưng cũng là chỗ mà cải cách có thể diễn ra với những cọ xát gay gắt nhất, vì nhiều người có quyền lợi gắn với cơ chế xin – cho.
Hãy để các ngành mới cạnh tranh với các ngành cũ
Với khu vực kinh tế tư nhân, từ quan sát của ông, đâu là vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay?
TS Nguyễn Đình Cung: Trong bài viết, Thủ tướng nhấn mạnh rằng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân phải được hoàn toàn tự mình quyết định sản xuất cho ai, sản xuất cái gì và sản xuất như thế nào theo tín hiệu của thị trường, có thể ra quyết định huy động nguồn vốn và đầu tư trong thời gian ngắn, đẩy nhanh tốc độ thi công và hoàn thành công trình sớm để đưa vào khai thác, nhanh thu hồi vốn và sinh lời.
Thực tế, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để bảo đảm an toàn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân. Nhưng cùng với nỗ lực của Chính phủ, cần phải tiếp tục nâng cao hiệu quả và độ tin cậy của hệ thống tư pháp. Trong nhiều năm qua, chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp hợp đồng của Việt Nam hầu như không có cải thiện, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.
Muốn có thị trường hiện đại, đầy đủ, muốn người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài thì họ phải tin rằng họ sẽ có công cụ để phân xử, bảo vệ hiệu quả một khi xảy ra tranh chấp, khi quyền và lợi ích của họ bị xâm phạm. Khi có công cụ bảo vệ rồi thì ngay cơ quan quản lý cũng không thể tùy tiện ban hành chính sách “sớm đúng chiều sai sáng mai lại đúng”, rồi thanh tra tùy ý mà lúc nào doanh nghiệp cũng là người sai.
Một vấn đề khác là cách ứng xử với các ngành nghề mới, công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới trong cách mạng 4.0. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nắm bắt, tận dụng tối đa cơ hội mở ra, phải hoàn thiện thể chế để mọi tổ chức, cá nhân chủ động tham gia cuộc cách mạng này.
Ở thời điểm hiện nay, rất cần hệ thể chế khuyến khích, đồng hành, nuôi dưỡng sức sáng tạo. Mấy năm qua chúng ta thấy rất rõ điều này khi các mô hình kinh doanh mới ở Việt Nam gặp rất nhiều trầy trật, thậm chí không làm được. Nhà nước cần gửi đi một thông điệp rõ ràng về vấn đề này. Tức là, khi chưa có quy định thì hãy cho người dân làm, thay vì chưa có quy định thì không cho làm.
Các chuyên gia nước ngoài nói rằng đây là chỗ chúng ta rất có tiềm năng do nền kinh tế của chúng ta chưa bị “đóng khung” trong các mô hình kinh doanh cũ. Thực ra, chúng ta không nên quá lo ngại với các mô hình kinh doanh mới, bởi rất khó để một mô hình kinh doanh có hại cho xã hội mà lại phát triển được.
Tôi lấy ví dụ trong lĩnh vực vận tải. Người tiêu dùng đi xe khách từ Hà Nội về Hà Tĩnh chỉ khoảng 150.000 đồng, nhưng có khi đi taxi từ nội thành ra bến xe Nước Ngầm cũng mất chừng đó. Tại sao chi phí lại quá cao như vậy? Đó là do nhiều điều kiện kinh doanh không hợp lý. Cái mà chúng ta gọi là xe dù và bến cóc thực ra là nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng, hãy tìm cách khác để quản lý. Không chỉ để các hãng taxi cạnh tranh với nhau, các xe khách cạnh tranh với nhau, mà hãy để các loại hình vận tải cạnh tranh với nhau, để taxi cạnh tranh với xe hợp đồng, xe buýt… chứ đừng gò ép để phân loại chúng ra thành các loại hình cứng nhắc theo tư duy trước đây. Hãy thay đổi tư duy quản lý.
Tương tự như vậy, tôi cho rằng thanh toán điện tử không nhất thiết phải gắn với ngân hàng. Không chỉ khuyến khích cạnh tranh giữa các ngân hàng, mà hãy khuyến khích các hệ thống khác cạnh tranh với hệ thống ngân hàng. Một chuyên gia Nhật Bản nói với tôi, chính thực trạng sử dụng nhiều tiền mặt, không qua hệ thống ngân hàng tại Việt Nam hiện nay chính là cơ hội cho ứng dụng các công nghệ mới về thanh toán trong cách mạng 4.0. Cách mạng 4.0 đang xóa nhòa ranh giới giữa ngành nghề, đừng để bất kỳ ngành nào độc quyền về một dịch vụ, sản phẩm nào đó.
Xin trân trọng cám ơn ông!