Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy các công trình sử dụng khoảng 40% nguồn năng lượng, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải cácbon và 40% chất thải rắn xây dựng.
Vì thế, phát triển vật liệu Xanh đang trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26. Trong đó, lĩnh vực do Bộ Xây dựng quản lý, chịu trách nhiệm phải giảm 74,3 triệu tấn CO2 tương đương.
Lựa chọn tất yếu
Theo ông Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), phát triển vật liệu Xanh có rất nhiều ưu điểm vượt trội, không chỉ đem lại lợi ích cho ngành xây dựng mà còn cho cả xã hội, nhất là cải thiện môi trường sống.
Một số lợi ích được ông Hiệp đề cập tới là giảm phát thải khí nhà kính, góp phần chống lại biến đổi khí hậu. Thứ hai là giúp tiết kiệm năng lượng ở cả trong chuỗi quá trình sản xuất. Con số thống kê của Viện Vật liệu xây dựng cho thấy các công trình xây dựng hiện đang sử dụng khoảng 17% nguồn nước, 40% nguồn năng lượng.
Việc sử dụng vật liệu Xanh còn giúp tận dụng được các nguồn phế thải từ các ngành công nghiệp khác đồng thời nguồn vật liệu Xanh sau khi sử dụng cũng dễ dàng tái chế. Đây cũng là giải pháp giúp tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản.
“Quan trọng hơn, sử dụng vật liệu Xanh còn giúp cho môi trường sạch hơn, an toàn cho sức khỏe cũng như giúp cho ngành xây dựng và các ngành khác phát triển bền vững,” ông Hiệp nói.
Với tầm quan trọng đó, ông Hiệp nhấn mạnh để phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu Xanh và loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, Bộ Xây dựng đã xây dựng và tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
Chiến lược trên đã đưa ra các mục tiêu về phát triển vật liệu xây dựng. Đó là loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng tiêu tốn nhiều tài nguyên, ô nhiễm môi trường; tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Mặt khác, chiến lược cũng đã đề ra các mục tiêu cho từng loại vật liệu, nhất là các vật liệu mà trong quá trình sản xuất có lượng phát thải tác động đến môi trường lớn như: Ximăng, sứ vệ sinh, kính xây dựng, gạch/đá ốp lát vôi công nghiệp.
Cũng trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã xây dựng chương trình phát triển vật liệu xây không núng mới, giai đoạn 2021-2030. Trong đó, chương trình đưa ra một số yêu cầu bắt buộc để phát triển vật liệu xây không nung, điển hình như đối với các công trình sử dụng 100% vật liệu xây không nung, nhất là các công trình trong khối đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách tại các thành phố lớn.
Bộ Xây dựng cũng khuyến khích các công trình cao tầng sử dụng vật liệu xây dựng nhẹ, đem lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng.
Có chung quan điểm, Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng - bà Lưu Thị Hồng nhấn mạnh việc thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng Xanh là giải pháp cấp thiết nhằm đạt mục tiêu: Phát thải thấp, hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và an toàn cho người sử dụng.
Tuy nhiên, theo bà Hồng, hiện nay Việt Nam và các nước vẫn chưa có công bố tiêu chuẩn cụ thể về vật liệu Xanh. Thay vào đó, các nước mới xây dựng tiêu chí đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho vật liệu Xanh. Một trong những tiêu chí quan trọng đó là vật liệu phải thân thiện với môi trường, sử dụng chất thải công nghiệp.
“Đặc biệt là giảm tiêu thụ nhiệt năng; vòng đời sử dụng của vật liệu Xanh lâu dài và có thể tái sử dụng lại được,” bà Hồng nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy trước đây các công trình xây dựng thường sử dụng vật liệu lợp chủ yếu là ngói nung, tấm sóng amiang ximăng có màu sắc đơn điệu, kích thước hạn chế. Ngày nay, vật liệu lợp đã có xu hướng chuyển đổi sang các loại khác như: Tấm lợp kim loại, tấm nhựa/composite và ngói không nung với kích thước đa dạng.
Ngoài ra, với nhiều màu sắc khác nhau của vật liệu Xanh cũng giúp cho kiến trúc công trình có tính thẩm mỹ đặc sắc hơn.
Cần có cơ chế ưu đãi
Mặc dù công cuộc phát triển vật liệu Xanh đã được đẩy mạnh, song theo Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Nguyễn Quang Hiệp, hiện vật liệu Xanh ở Việt Nam vẫn chưa được sử dụng rộng rãi.
Trong đó, khó khăn đầu tiên theo ông Hiệp là rào cản về hành lang pháp lý, kỹ thuật hiện nay đã có, tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ, còn thiếu. Vì thế, việc đưa vật liệu xây dựng Xanh, thân thiện với môi trường vào các công trình, trên thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, năng lực và trình độ công nghệ sản xuất vật liệu Xanh tại Việt Nam cũng còn hạn chế, trong khi giá sản phẩm còn cao, nên chưa thể cạnh trạnh vượt trội so với các vật liệu khác.
Trước thực tế trên, ông Hiệp nhấn mạnh để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các loại vật liệu Xanh, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng, Việt Nam cần quan tâm đến một số vấn đề. Trước hết là xây dựng hàng lang pháp lý, hành lang kỹ thuật cụ thể về vật liệu Xanh.
Tuy nhiên, ông Hiệp cũng lưu ý nhiệm vụ trên không chỉ riêng của Bộ Xây dựng mà còn liên quan tới nhiều bộ, ngành liên quan như: Tài nguyên và môi trường, kế hoạch và đầu tư, tài chính...
“Có được hành lang pháp lý thì chúng ta mới có được các quy định cụ thể để cho ra đời các chính sách tài chính trong việc ưu đãi cho công tác nghiên cứu phát triển, đầu tư sản xuất vật liệu Xanh. Hơn nữa, chúng ta đang hoạt động trong cơ chế thị trường nhưng có sự định hướng của Nhà nước, vậy nên Nhà nước cần phải đi đầu trong việc sử dụng vật liệu Xanh,” ông Hiệp nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Hiệp, Việt Nam cũng cần phải có các tiêu chuẩn, tiêu chí và các quy trình để cho các doanh nghiệp sản xuất ra các vật liệu Xanh. Các doanh nghiệp sản xuất cần phải tìm ra các giải pháp để giảm giá thành hơn nữa đối với vật liệu xanh để cạnh tranh tốt với các vật liệu truyền thống có tính năng tương tự.
Ngoài ra, ông Hiệp cũng kiến nghị cần có giải pháp tuyên truyền để thay đổi nhận thức đối với các chủ thể tham gia trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, những người làm công tác quản lý Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, chủ đầu tư, nhà tư vấn, nhà thầu thi công, các đơn vị quản lý, vận hành công trình và người dân.
“Có như vậy thì vật liệu Xanh mới có thể phổ biến rộng rãi, góp phần tích cực trong việc phát triển bền vững,” ông Hiệp nói thêm.
Chia sẻ từ khía cạnh doanh nghiệp tham gia vào công cuộc phát triển vật liệu xanh, bà Nguyễn Dương Trúc Linh, đại diện Công ty cách âm cách nhiệt Phương Nam cho rằng bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, thời gian tới Bộ xây dựng và các cơ quan liên quan cũng cần có giải pháp cụ thể hơn để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp.
“Trước mắt, Bộ Xây dựng cần có bộ tiêu chí về thiết kế, hưỡng dẫn thi công công trình xanh; hay bộ công cụ trực tiếp dẫn dắt, hướng dẫn cụ thể và thiết thực cho tất cả các chủ đầu tư đi theo hướng xây dựng các công trình xanh bền vững,” bà Trúc Linh khuyến nghị.