Sửa đổi Thông tư 36: Lo tác động dây chuyền

(ĐTTCO) - Thông tư 36/2014/TT-NHNN sửa đổi theo hướng siết tín dụng vào lĩnh vực BĐS đang tiếp tục nhận được ý kiến đa chiều của dư luận. Một số chuyên gia, doanh nghiệp (DN) cho rằng việc siết tín dụng phải theo hướng có lộ trình phù hợp với từng nhóm đối tượng và theo lộ trình giảm dần, tránh tạo ra cú sốc cho thị trường BĐS.

(ĐTTCO) - Thông tư 36/2014/TT-NHNN sửa đổi theo hướng siết tín dụng vào lĩnh vực BĐS đang tiếp tục nhận được ý kiến đa chiều của dư luận. Một số chuyên gia, doanh nghiệp (DN) cho rằng việc siết tín dụng phải theo hướng có lộ trình phù hợp với từng nhóm đối tượng và theo lộ trình giảm dần, tránh tạo ra cú sốc cho thị trường BĐS.

TS. Bùi Quang Tín, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM:

Ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh của NH và DN

Đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng (NH), trên 90% nguồn vốn huy động là ngắn hạn. Do đó, nếu giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn sẽ làm giảm tổng mức cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS. Nhiều khả năng sẽ khiến tăng trưởng tín dụng 2016 ở mức thận trọng hơn và khó có khả năng đạt được mức tăng trưởng tín dụng dự kiến là từ 18-20%.

Từ đó sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến kế hoạch kinh doanh của các NH trong năm nay. Việc NHNN tiếp tục tăng cường hướng dẫn các NHTM trong quản trị tốt rủi ro thanh khoản dần theo các chuẩn mực quốc tế là việc làm cần thiết trong giai đoạn tới, cũng như tiếp tục tăng cường thanh tra và giám sát hoạt động kinh doanh của hệ thống NHTM nhằm đảm bảo sự ổn định trong hệ thống tài chính nói chung.

Song, đối với thị trường BĐS và các chủ thể tham gia thị trường chỉ vừa “hồi sinh” từ năm 2014 và đang dần tạo ra nền tảng phát triển ổn định trong dài hạn, từ đó giúp cho các thị trường khác trong hệ thống tài chính phát triển tốt hơn. Nếu điều chỉnh Thông tư 36 như dự thảo, các DN ít nhiều đều có tác động bởi các điều kiện vay sẽ ràng buộc chặt chẽ hơn, lãi suất cũng có thể bị điều chỉnh tăng và yêu cầu mỗi DN phải điều chỉnh phương án kinh doanh của mình để phù hợp với các quy định mới của NH.

Việc điều chỉnh này sẽ dẫn tới gia tăng dự án dở dang, tăng lượng hàng tồn kho, giảm cơ hội mua nhà chính đáng của người dân. Khi ngành NH siết tín dụng với BĐS cũng sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều ngành nghề chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế như: sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, xây dựng…

Theo tôi, việc điều chỉnh chính sách có liên quan đến BĐS cần có lộ trình và cùng lúc nên phối hợp với các bộ ngành khác để phát triển đồng bộ các thị trường khác trong hệ thống tài chính tại Việt Nam. Từ đó giúp chia sẻ gánh nặng về nhu cầu vốn đầu tư trung và dài hạn của các chủ thể tham gia trong nền kinh tế và đảm bảo sự phát triển ổn định của hệ thống tài chính tại Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA):

Thực hiện theo lộ trình, nhóm đối tượng

 Hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS có tính chất trung, dài hạn nhưng trên thực tế chưa có cơ chế đầy đủ để tạo lập nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn tín dụng trung, dài hạn. Ở nước ta, nếu được vay trung, dài hạn thì lãi suất lại cao hơn lãi suất vay ngắn hạn, trong khi các nước ngược lại.

Do vậy, nếu sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và thay đổi hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS từ 150% lên 250%, có thể sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường BĐS mới vừa phục hồi hơn 2 năm qua từ đáy sâu khủng hoảng.

Điều này chẳng những tác động rất mạnh đến các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, các DN phát triển dự án BĐS, mà trên thực tế có thể tác động bất lợi đến người tiêu dùng, đặc biệt là người thu nhập thấp đô thị. HoREA kiến nghị chưa sửa đổi Thông tư 36 trong thời điểm hiện nay, trong trường hợp NHNN có những nguồn thông tin dẫn đến yêu cầu bắt buộc phải sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN, hiệp hội đề nghị thực hiện theo hướng có lộ trình phù hợp với từng nhóm đối tượng và theo lộ trình giảm dần.

Ông Nguyễn Trọng Du, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn NHNN:

Phụ thuộc nghiệp vụ thẩm định từng NH

 Không riêng gì BĐS, khi sửa đổi Thông tư 36 còn rất nhiều vấn đề phải bàn như liên quan đến an toàn hệ thống, bảo vệ người gửi tiền, kênh dẫn vốn cho các lĩnh vực khác. Trong quá trình soạn thảo, xây dựng chính sách, theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN và các lãnh đạo là phải đánh giá, phân tích tất cả các khía cạnh của nền kinh tế dựa trên những nguồn thông tin sẵn có, từ đó xem xét thận trọng để đưa ra những quy định phù hợp hơn.

Về ý kiến lo ngại kiểm soát điều kiện vay, thực ra NHNN chỉ yêu cầu các NHTM khi cho vay phải dự trữ nhiều vốn hơn thông qua nâng tỷ lệ rủi ro để khi có rủi ro xảy ra NH có thể đứng vững được. Chúng tôi chưa đề cập phải siết chặt hay phải thêm điều kiện cho vay, mà hoàn toàn để cho các tổ chức NH có lựa chọn, tăng hay không tăng hệ số rủi ro, cho ai vay và không cho ai vay. Việc đó là do nghiệp vụ thẩm định của từng NH. Hiện NHNN đang tiếp tục lắng nghe ý kiến nhiều chiều để hoàn thiện Thông tư 36 trước khi ban hành.

Siết tín dụng với BĐS cũng sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều ngành nghề. Ảnh: M. TUẤN

Siết tín dụng với BĐS cũng sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều ngành nghề. Ảnh: M. TUẤN

-Ông Đinh Duy Trinh, Giám đốc Điều hành Bản Việt Land:

Thị trường sẽ bị hụt hẫng 

DN vay ngân NH để thực hiện dự án và khách hàng cũng vay NH để mua nhà ở. Vì vậy, siết tín dụng không chỉ gây khó khăn cho DN mà cho cả người dân. Thông thường, quy trình làm một dự án BĐS thường kéo dài rất lâu với nhiều thủ tục phức tạp, có khi kéo dài 5-10 năm.

Vì vậy, nếu sửa Thông tư 36 theo hướng hạn chế nguồn cung tín dụng trung và dài hạn vào thị trường BĐS sẽ khiến nhiều dự án bị tê liệt. Trong bối cảnh hiện nay, với chính sách giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn và thay đổi hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS, không khác gì một đòn chí tử hạ knock-out thị trường BĐS mới bước qua khỏi cơn bạo bệnh.

Thông tin sửa đổi Thông tư 36 đang tác động rất xấu đến tâm lý toàn thị trường. Thị trường BĐS hiện đang phát triển rất tốt, chưa có dấu hiệu gì của bong bóng BĐS nên không cần thiết phải siết tín dụng lúc này.

Các tin khác