Sửa Luật Đất đai Đảm bảo hài hòa lợi ích các bên

(ĐTTCO) - Thời gian qua ĐTTC đã có rất nhiều bài phản ánh ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân về những bất cập của Luật Đất đai (LĐD). 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tuần qua, Báo SGGP tổ chức tọa đàm “Góp ý Dự thảo LĐĐ (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội  lực”, nhằm tiếp tục ghi nhận các ý kiến từ các nhà quản lý, chuyên gia đóng góp cho dự thảo luật lần này hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
ĐTTC trích đăng  ý kiến của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM.
Về giao đất, cho thuê đất trả tiền một lần và trả tiền hàng năm, LĐĐ cần quy định cụ thể, rõ ràng các nội dung này khi thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất, tránh tình trạng phải vận dụng trong quá trình thực hiện. Cần bổ sung quy định đối với quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT; đồng thời áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) để tạo quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư, bằng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. 
Bổ sung khái niệm về chuyển mục đích sử dụng đất; quy định chuyển mục đích sử dụng đất là một quyền của người sử dụng đất, nhằm làm rõ các thuật ngữ giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó người sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất được sử dụng đất theo hình thức giao đất hoặc thuê đất. 
Kiến nghị bỏ căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, chỉ quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được phê duyệt. Quy định cụ thể đối với việc sử dụng đất của các trường hợp đang sử dụng đất là tổ chức mà khu đất không phù hợp quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch thu hồi đất, hoặc tổ chức chưa di dời (dễ dẫn đến lúng túng trong việc quản lý đất đai kéo theo việc thu tiền thuê đất theo đơn giá không chính thức).
 Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB, trường hợp trên 80% người dân đã chấp thuận nhận bồi thường trong các dự án đã được Nhà nước chấp thuận chủ trương, cần có quy định để chủ đầu tư tiếp tục bồi thường phần đất còn lại để dự án sớm được triển khai. Tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án (hoặc dự án) bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tổ chức thực hiện độc lập. Áp dụng chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp chậm chi trả tại các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt trước ngày 1-7-2014, theo hướng không thay đổi chính sách và đơn giá tái định cư đã phê duyệt, thực hiện hỗ trợ lãi suất phần giá trị bồi thường, hỗ trợ chậm chi trả.
 Về thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP, tạo quỹ đất sạch, đấu giá quyền sử dụng đất, dự thảo LĐĐ sửa đổi cần có quy định cho phép việc thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất sạch phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất, tạo sự chủ động trong việc chuẩn bị mặt bằng đối với các dự án đầu tư nói chung và đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng.
Về GPMB và đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất, phân cấp cho HĐND TP được quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa; rút ngắn thời gian thông báo đối với đất nông nghiệp từ 3 tháng xuống còn 1 tháng, đất ở từ 6 tháng xuống còn 3 tháng; phân cấp việc xác định giá đất để bồi thường, hỗ trợ cho UBND cấp huyện thực hiện; cải tiến quy trình, phương pháp xác định giá đất theo hướng chỉ quy định phương pháp duy nhất là hệ số điều chỉnh giá đất.
 Về xác định giá đất, hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất cụ thể. Theo đó, quy định rõ ràng việc xác định giá đất theo từng phương pháp, bỏ cơ chế khung giá đất và trên cơ sở kết quả tư vấn, thẩm định giá đất, các địa phương ban hành bảng giá đất để sử dụng vào mục đích thu thuế, phí. Thiết lập cơ quan chuyên trách về giá đất của Nhà nước để giải quyết các vấn đề liên quan đến giá đất, kể cả việc giải quyết tranh chấp về giá đất, ngăn ngừa nguy cơ gia tăng sự bất bình đẳng giữa các khu vực, gây ra xung đột về giá đất giữa các địa phương giáp ranh. 
Bổ sung trách nhiệm, cơ chế của cơ quan, đơn vị có chức năng xác định giá đất, và cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin về giá chuyển nhượng, tránh các trường hợp Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh đã thẩm định, UBND cấp tỉnh đã phê duyệt nhưng giá đất vẫn chênh lệch rất cao… 
 Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội:
Sửa đổi thể chế, chính sách quản lý đất

Việc xây dựng thông qua dự thảo LĐĐ sẽ trình Quốc hội khóa 15 tại kỳ họp thứ 4 trong tháng 10 tới. Kỳ họp thứ 5 (2023) Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến lần 2, và ý kiến lần 3 tại kỳ họp thứ 6. Nếu như dự thảo đạt chất lượng sẽ thông qua LĐĐ vào năm 2023. Ủy ban Kinh tế Quốc hội được giao chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan để thẩm tra dự án Luật. 
Thực ra việc sửa đổi LĐĐ không chỉ mới tiến hành mà đã soạn thảo từ 2 năm trước. Do vậy định hướng sửa đổi lần này đưa các vấn đề thể chế, chính sách quản lý đất là nội dung quan trọng nhất. Trong định hướng thể chế có 8 nội dung, Nghị quyết 18-NQ/TW nhấn mạnh hoàn thiện nội dung thể chế.
Thứ nhất, nếu quy hoạch tốt sẽ thúc đẩy phát triển, nếu quy hoạch không tốt sẽ trở thành rào cản và kiềm hãm sự phát triển. Vì thế, phải có sự phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa các loại quy hoạch để thúc đẩy phát triển lẫn nhau.
Thứ hai, phải giải bài toán quy hoạch treo, chậm trễ, làm ảnh hưởng đời sống người dân. Thông điệp của Trung ương là người tái định cư bằng hoặc tốt hơn, có thể tái định cư trước khi bồi thường. Giải quyết vấn đề này, Trung ương đã tổng kết không có khung giá đất. Trong cơ chế hiện hành sẽ có công cụ là khung giá đất, bảng giá đất của địa phương và giá đất cụ thể để thực hiện. Tuy nhiên, yêu cầu ở đây là đảm bảo theo nguyên tắc sát giá thị trường, Nhà nước chỉ can thiệp khi cần thiết…

Các tin khác