Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) đã kêu cứu lên Chính phủ, xin có cơ chế phù hợp, như là cơ chế bù giá để hỗ trợ, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận bởi không có trong quy định của Luật Đấu thầu.
Giá VLXD tăng phi mã từ giữa năm 2020 cho đến nay, cùng với khan hiếm nhân công do đại dịch Covid-19, có thể nói 2 “gọng kìm” khiến nhà thầu xây dựng lâm vào tình trạng “chết dở, sống dở”. Giải pháp để cứu nhà thầu xây dựng, theo VACC kiến nghị mới đây, đối với các dự án, công trình đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) cần có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư và chấp nhận thanh toán đơn giá cho nhà thầu theo đơn giá thị trường.
Thực tế, kiến nghị của VACC về việc Nhà nước sớm có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư và chấp nhận thanh toán đơn giá cho nhà thầu theo đơn giá thị trường là làm “khó” Chính phủ, bởi đòi hỏi đó là vượt quá thẩm quyền, không phù hợp với quy định của pháp luật. Chính phủ cũng không thể tự ý “đặc cách” cho các nhà thầu xây dựng đang thi công các dự án đầu tư công giữa cơn bão giá hiện nay, bởi những quy định đã “đóng khung” trong Luật Đấu thầu.
Cụ thể, về nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng, theo quy định tại Điều 67 Luật Đấu thầu (2013): “Giá hợp đồng sau khi điều chỉnh phải bảo đảm không vượt giá gói thầu hoặc dự toán được phê duyệt”. Có nghĩa giá hợp đồng điều chỉnh phải nằm trong khung giá gói thầu hoặc dự toán được phê duyệt.
Đối chiếu với quy định trên, trong tình hình giá sắt, thép, xi măng, đất đá, cát sỏi hay giá xăng, dầu diesel tăng mạnh hiện nay, rõ ràng làm khó nhà thầu xây dựng. Thậm chí, nếu thỏa mãn được điều kiện kéo dài tiến độ ghi trong hợp đồng cũng không giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong dài hạn, vì nút thắt nằm ở đơn giá theo thị trường neo tại thời điểm. Vì vậy, giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong dài hạn cho nhà thầu xây dựng, là cần ưu tiên sửa đổi, bổ sung nội dung điều chỉnh nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng xây dựng được quy định tại Điều 67 Luật Đấu thầu 2013, theo hướng chấp nhận thanh toán đơn giá cho nhà thầu theo đơn giá thị trường.
Những bất cập trên không phải không được nhận ra. Trước sự thúc ép về tiến độ thi công dự án có vốn đầu tư công chậm, không ít địa phương đã có văn bản trình lên Chính phủ, kiến nghị trình Quốc hội sửa đổi một số quy định trong Luật Đấu thầu cho phù hợp với thực tế. Đơn cử, tại Phụ lục 1 về danh mục những quy định trong 29 luật kiến nghị sửa đổi, bổ sung ngay ban hành kèm theo Công điện số 1079 của Thủ tướng Chính phủ, Cần Thơ và Bình Định kiến nghị sửa đổi Luật Đấu thầu 2013.
Một trong những bất cập hiện nay là khi thực hiện các dự án theo hợp đồng PPP. Đó là công trình đầu tư nguồn vốn tư nhân, nguồn lực xã hội. Hợp đồng này thường được ký theo loại hình hợp đồng trọn gói, hoặc hợp đồng đơn giá cố định thanh toán dựa theo khối lượng thực tế khi kiểm tra đơn giá thép, xi măng… Thông thường các nhà thầu sẽ đàm phán giá và mua trước từ nhà cung cấp nguyên vật liệu. Thí dụ, một nhà thầu xây dựng mua thép trả tiền trước 6 tháng thống nhất giá cố định, sẽ cầm cố được trong vòng 6 tháng không lo bị tác động thị trường. Nhưng không phải ai cũng có tiền ứng trước để mua. Có công trình làm đâu thanh toán đó, nhà thầu mua theo kiểu “ăn đong”, ký hợp đồng phải chấp nhận trôi nổi, đơn giá thực tế so với trong hợp đồng dao động 3-5% thì chịu được, nhưng lên 40-45% thì phá sản.
Với các dự án đầu tư công, việc nợ đọng khoảng 20-25% tổng giá trị dự án trong nhiều năm là điều xảy ra… như cơm bữa. Đây là điều các nhà thầu xây dựng trong nước không mấy mặn mà với các dự án này, dù luôn được kêu gọi, mời chào.