Trải nghiệm thú vui miệt vườn
Từng có dịp đến với ấp Thiềng Liềng nhiều lần, nhưng anh Nguyễn Hùng (ngụ quận 7, TPHCM) vẫn rất ngạc nhiên trước nghị lực của bà con khi làm mới sản phẩm du lịch nơi đây.
“Trước dịch Covid-19, Thiềng Liềng chưa có gì đặc biệt, nhưng hôm nay đã thay da đổi thịt hoàn toàn. Các ngôi nhà xinh xắn; homestay đáng yêu, món ăn hấp dẫn; trải nghiệm đạp xe tham quan xã đảo rất thú vị, thực sự thu hút tôi”, anh Nguyễn Hùng chia sẻ.
Cổng chào tại ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Sau nhiều lần tập tành học việc, 15 hộ dân chủ yếu sinh sống bằng nghề làm muối ở xã đảo Thạnh An nay đã có thêm công việc hướng dẫn viên du lịch tại ấp. Từ thắc mắc liên quan đến cách khai thác, trồng cấy các loại rau củ quả bản địa đến cách thức khai thác muối thế nào... đều được các hướng dẫn viên giải thích cặn kẽ cho du khách.
“Ban đầu tôi cũng run lắm vì ít tiếp xúc với người lạ, nhưng sau được các thầy ở Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và du lịch động viên nên tôi mạnh dạn hơn. Giờ tôi có thể chỉ dẫn cho khách cách trồng, khai thác, chế biến sương sâm hoặc một vài món ăn dân dã ở địa phương”, bà Nguyễn Thị Vân, chuyên về sản phẩm sương sâm tại ấp đảo, tâm sự.
Cũng tất bật đón khách ra thăm xã đảo, ông Nguyễn Văn Đỗi (hộ Năm Đỗi) vui mừng cho hay, sản phẩm du lịch của gia đình ông chuyên về ẩm thực đồng muối, đặc sản thuộc hệ sinh thái rừng ngập mặn như bạch tuộc nhúng lá me non, gà ủ muối, ốc len, vịt nước mặn…
Nhìn chung, các hộ dân tham gia mô hình du lịch cộng đồng với sản phẩm đa dạng. Chẳng hạn như hộ Út Kiều chuyên về thức uống xứ biển; hộ Út Bé chuyên đặc sản đá me; hộ Hai Nhóc chuyên về đàn dê ấp đảo; hộ Mười Giạ, Chín Thơ có nước mát, không gian nghề muối và homestay…
Bà Trần Thị Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hồng Ngọc Hà, đánh giá, điểm đến du lịch cộng đồng ở ấp đảo Thiềng Liềng rất tiềm năng, không “đụng hàng” với các nơi khác bởi ấp đảo có cánh đồng muối lớn, cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, gần các khu du lịch sinh thái Dần Xây, Vàm Sát… “Sản phẩm rất phù hợp, không chỉ đón khách nội địa mà còn đón các dòng khách quốc tế cao cấp từ Nhật Bản, châu Âu”, bà Minh Thảo nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, cho rằng, sản phẩm du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng khá mới lạ ở TPHCM, phản ánh được đời sống, nhịp thở thực tế của bà con ấp đảo.
Lan tỏa đến các quận, huyện
Theo chuyên gia du lịch Phan Yến Ly, có thể tạm chia du lịch cộng đồng ở TPHCM thành 2 hướng, gồm du lịch cộng đồng sinh thái và du lịch cộng đồng đô thị. Vùng có sẵn tài nguyên rừng, biển, vườn rau… như Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, có thể làm du lịch cộng đồng kết hợp sinh thái; còn thế mạnh vẫn là loại hình du lịch cộng đồng dân cư đô thị. Điển hình như tại quận 5 vừa nổi lên điểm đến tham quan chụp ảnh ở hẻm Hào Sỹ Phường, nhiều hình ảnh do các bạn trẻ chia sẻ qua mạng xã hội được ví như Hồng Công (Trung Quốc).
Thay vì để tự phát, bà Phan Yến Ly cho rằng, có thể kết nối du lịch cộng đồng đô thị, kể những câu chuyện phố phường, sản phẩm đặc trưng của cộng đồng sẽ rất hấp dẫn du khách. Người dân tham gia chuỗi du lịch được hưởng lợi trực tiếp, và như thế sẽ là đôi bên cùng có lợi. Một số quốc gia trên thế giới cũng có những cộng đồng dân cư làm du lịch như cộng đồng làm rượu nho, làm rượu hoa hồng…
“Để mang lại thành công lâu dài, các sở ngành, địa phương cần hướng dẫn bà con làm đến nơi đến chốn, bền bỉ, để tiếp tục phát triển chuỗi du lịch bền vững”, ông Nguyễn Kim Toản khuyến nghị.
Với mô hình du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho rằng, sẽ góp phần tạo thêm sinh kế, công ăn việc làm, cải thiện thu nhập của người dân trên ấp đảo.
“Trong thời gian tới, ngành du lịch thành phố sẽ cùng địa phương và các đơn vị phối hợp tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, phát triển thêm các điểm đến mới, gia tăng trải nghiệm, thời gian lưu trú và chi tiêu cho du khách. Kỳ vọng từ mô hình ở Thiềng Liềng sẽ có thêm nhiều mô hình du lịch cộng đồng khác ở các quận, huyện, góp phần gia tăng trải nghiệm, thu hút khách đến TPHCM”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho hay.
Năm 2022, huyện Cần Giờ đón hơn 3 triệu lượt khách
Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Ngọc Xuân cho biết, năm 2022, Cần Giờ đón trên 3 triệu lượt khách, tăng gấp 2 lần so với năm 2021. Trước đây, huyện đã có 2 địa điểm được thành phố quyết định công nhận “điểm du lịch” gồm Khu du lịch sinh thái Vàm Sát và Khu du lịch sinh thái Dần Xây. Nay thêm mô hình du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng sẽ góp phần hình thành nên sản phẩm du lịch mới, nâng cao hình ảnh du lịch của huyện, từng bước góp phần cải thiện đời sống cho người dân.