Ngày 22-9, ghi nhận tại các siêu thị lớn trên địa bàn TPHCM cho thấy, lực lượng đi chợ giúp không còn đông như thời điểm trước, dẫn đến sức mua cũng giảm theo.
Đại diện các siêu thị cho biết, sức mua của lực lượng đi chợ giúp giảm từ 40-60% so với trước, đồng nghĩa sức mua giảm tương ứng. Nguyên nhân được xác định là do số lượng cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa hay các quán ăn, nhà hàng, cà phê nay “linh hoạt” chuyển sang bán thực phẩm tươi sống nên đã chia bớt “thị phần” tại các siêu thị lớn.
Bên cạnh đó, số lượng shipper giao hàng đã được bổ sung vượt trên 35.000 chỉ trong vài ngày qua, chủ yếu vận chuyển hàng hóa cho người dân mua qua điện thoại, trực tuyến… tại các điểm bán hàng này, góp phần thay thế một phần nguồn cung hàng hóa của lực lượng đi chợ giúp tại các siêu thị.
Do sức mua giảm nên hàng hóa nhập về các siêu thị cũng không còn nhiều và phong phú, giá cả tăng nhẹ ở một số mặt hàng như rau, trong khi thực phẩm tươi sống và củ quả tương đối ổn định.
Hàng hóa tại các siêu thị vẫn giữ ổn định.
Trước đó, nhằm đảm bảo nguồn cung kịp thời cho người dân khi lực lượng shipper được bổ sung và hoạt động giao hàng liên quận, các doanh nghiệp bán lẻ đã gia tăng bán hàng trực tuyến và xe di động.
Đơn cử, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... ngoài chuẩn bị trữ đủ lượng hàng hóa thiết yếu, còn cung ứng phù hợp với từng cấp độ giãn cách xã hội của từng địa khu vực.
Đối với những khu vực chưa cho phép người dân đi mua hàng trực tiếp, hệ thống điểm bán lẻ của Saigon Co.op sẽ tập trung hết nguồn lực phục vụ đầu mối mua chung, và tiếp tục mở rộng kênh bán hàng online. Đẩy mạnh tổ chức hình thức mua chung giao hàng tận nơi bằng xe buýt thông qua chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food.
Riêng đối với khu vực người dân được đi mua hàng, hệ thống điểm bán lẻ của Saigon Co.op sẽ áp dụng song song kênh mua chung qua đầu mối và bán hàng trực tuyến.
Tương tự, Satra đã nhanh chóng đưa vào hoạt động trở lại số lượng lớn cửa hàng Satrafoods và triển khai phương thức bán hàng trực tuyến qua đa dạng ứng dụng công nghệ, đẩy nhanh phục vụ hàng hóa đến tay người dân sớm nhất.
Đến nay, số lượng cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods trên địa bàn TPHCM đang hoạt động khoảng 165 cửa hàng. Cùng với việc được cấp nhiều hơn số lượng giấy đi đường, Satrafoods đã dần trở lại hoạt động như thời điểm trước khi siết chặt giãn cách. Nhờ vậy, lượng đơn hàng nhanh chóng được giao đến tay người dân.
Theo đại diện Satra, trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội cho đến nay, hệ thống bán lẻ Satra vẫn liên tục đàm phán với nhà cung cấp hiện có, tìm kiếm và thương lượng với những nhà cung cấp mới, nhằm đảm bảo nguồn hàng không bị đứt gãy, cũng như giá cả được ổn định, hợp lý.
Số liệu của Sở Công thương TPHCM, đến nay có hơn 2.700 điểm cung ứng hàng hóa, trong đó có 92 siêu thị, 9 chợ truyền thống và hơn 2.100 cửa hàng tiện ích đang hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu đến người dân trên địa bàn. Đặc biệt, cả 3 chợ đầu mối đều đã được đưa vào hoạt động điểm trung chuyển với hàng trăm tấn hàng hóa mỗi ngày/đêm, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ra thị trường và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.
Về một số mặt hàng tăng giá, Sở Công thương cho biết có yếu tố khách quan. Nhưng với những điều chỉnh, phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn gần đây của các bộ, ngành, tình hình lưu thông hàng hóa đang từng bước xuyên suốt, nên giả cả các mặt hàng tăng sẽ sớm ổn định trở lại.