Có sự đổi thay được mang lại từ những công trình công cộng xanh, sạch đẹp vừa hoàn thành gần đây, góp phần mang lại diện mạo mới cho đô thị.
Những luồng gió mới
Trước đây, đều đặn mỗi buổi chiều, anh Trần Thanh Tuấn (ngụ phường 6, quận 4) lại bắt taxi đưa mẹ là bà Võ Thị Tám, năm nay đã 72 tuổi, sang phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) để bà thư giãn và ngắm người qua lại. Nhưng gần 1 năm nay, thêm 1 điểm đến hấp dẫn khác của mẹ con anh Tuấn là Công viên Khánh Hội trên địa bàn quận 4. Từ nhà, anh nhẹ nhàng đẩy chiếc xe lăn đưa mẹ qua 3 ngã tư đường để vào khu trung tâm công viên.
Tiếng “chào bà Tám” của những đứa trẻ đã quen mặt, tiếng nhạc êm dịu phát ra từ khu vực đài phun nước và tiếng cười trong trẻo của đám trẻ con vang lên khiến bà Tám thấy lòng hạnh phúc. “Từ ngày công viên hoàn thành, chiều nào tôi và mẹ cũng đến đây. Mẹ vui, khỏe ra khi được gặp gỡ nhiều người, còn tôi cũng được thư giãn sau một ngày làm việc”, anh Tuấn chia sẻ. Cạnh chiếc xe của bà Tám, một ông bố trẻ đang hướng dẫn con trai cách điều khiển chiếc xe đồ chơi. Gần đấy, những đứa trẻ tầm 3, 4 tuổi đang cười đùa thích thú khi nhìn màn trình diễn nhạc nước lung linh với các tia nước đổi màu uyển chuyển đang trào lên nơi đài phun nước.
Công viên Khánh Hội (quận 4) trở thành điểm đến thư giãn của người dân. Ảnh THÁI PHƯƠNG
Tháng 8-2019, khi được đưa vào hoạt động, Công viên Khánh Hội đã trở thành điểm đến không thể thiếu của người dân trên địa bàn quận cũng như các quận lân cận. Điểm nhấn của công viên rộng hơn 17ha ấy ngoài hàng ngàn loại cây xanh phủ mát còn nằm ở đài phun nước ngay trung tâm quảng trường. Trong những ngày cả thành phố chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khu vực công viên càng nổi bật, thu hút đông đảo người dân khi được trang hoàng thêm cờ và hoa.
“Nhìn không gian thoáng đãng với các tiểu cảnh cây xanh, dòng nước uyển chuyển vui mắt, tôi quên luôn ngày trước nơi đây từng là con kênh đen ô nhiễm nối ra rạch Bến Nghé với hàng ngàn hộ dân sinh sống. Đây đúng là công trình phục vụ người dân, giúp thay đổi diện mạo của quận và nâng cao đời sống của nhân dân”, giữa nhịp sống hối hả, niềm vui của ông Thái Hồng Cảnh (75 tuổi) là hàng ngày đến đây tập thể dục và trò chuyện cùng bạn bè trong hội người cao tuổi.
Con đường hợp lòng dân
Nhắc đến đường ngập, khói bụi, bà Nguyễn Thị Thu Hồng (sống trên đường Tô Ký, huyện Hóc Môn) còn rùng mình: “Bao nhiêu năm nhìn cảnh đường lênh láng nước sau mưa, người xe bì bõm lội dưới dòng nước đen ngòm tôi bức bối vô cùng. Từ ngày con đường được mở rộng, cống thoát nước nhanh thì hết cảnh kẹt xe, ngập nước khi mưa lớn. Chứ trước đây gặp mấy cây mưa như thế này thì cả con đường bao ngập”.
Ngày 3-10, đường Tô Ký (đoạn từ đường Đặng Thúc Vịnh đến Ngã Ba Bầu) tổng vốn đầu tư 217 tỷ đồng khánh thành sau 3 năm thi công trong niềm vui của bà con nơi đây. Trước, con đường có bề rộng 6-7m, nay được nâng cấp rộng 25m với 4 làn xe. Ngoài ra, hệ thống thoát nước cũng được đầu tư, vỉa hè lát gạch, nhiều đoạn trên tuyến đường được quy hoạch làm công viên. Hai bên đường, thay cho những căn nhà lụp xụp ngày trước là những căn nhà nay được xây dựng lại thành nhà cao tầng, khang trang. Theo Chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn Nguyễn Thanh Tú, đây là con đường hợp lòng dân và được xây dựng từ sự đồng thuận của người dân.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ đã trở thành không gian tổ chức nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa - thể thao cộng đồng trong 5 năm qua. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Sau khi hình thành, đường Tô Ký không chỉ góp phần vào việc thông thương đi lại của người dân khu vực cửa ngõ phía Tây Nam thành phố, mà còn giúp cuộc sống người dân nơi đây được thuận tiện, thoát cảnh kẹt xe, ngập nước, đường đầy khói bụi với ổ voi. “Đường khoác áo mới, dân nơi đây cũng phấn khởi đổi đời. Giao thông thuận lợi thì việc buôn bán, kinh doanh của người dân cũng tốt lên từng ngày. Khỏi phải nói, dân vui mừng khôn xiết”, ông Đặng Văn Toàn phấn khởi.
Trong khi đó, trở lại xóm rạch Ụ Cây (quận 8) một ngày đầu tháng 10, ông Nguyễn Kiến Tường không giấu được niềm vui khi thấy những người hàng xóm cũ đã có cuộc sống tốt hơn. Trong niềm vui ấy lại xen cả những bùi ngùi khi nhớ lại cuộc sống trước đây của gia đình ông lúc Rạch Ụ Cây còn chưa được cải tạo. Ô nhiễm, không điện nước, chẳng biết sao gia đình lại có thể sống qua những ngày tháng đó. Giờ thì xóm rạch Ụ Cây đã thay da đổi thịt, những ngôi nhà tươm tất khang trang đã thay cho những “ổ chuột” cách đây chục năm.
Từ thành công của dự án này, quận 8 trong nhiệm kỳ tới đây đang đặt mục tiêu tiếp tục di dời nhà trên và ven kênh rạch, nhằm cải thiện điều kiện sống cho hàng ngàn hộ dân. Đó là những dòng kênh Đôi hai bờ Nam và Bắc, rạch Nhảy Rạch - Ruột Ngựa; rạch Du - Ông Lớn - Ông Nhỏ - kênh Xáng; rạch Xóm Củi, Bà Tàng… Thực hiện thành công các dự án này sẽ là sự đổi thay to lớn trong đời sống sinh hoạt của người dân và cả diện mạo đô thị của thành phố.
“Con phố này càng ngày càng đẹp hơn, xanh hơn” - ngồi nghỉ chân trên chiếc ghế gỗ ở cuối phố đi bộ Nguyễn Huệ, ông Trần Văn La (71 tuổi, ngụ quận 1, TPHCM) chia sẻ như vậy với nhóm 3 người đứng tuổi mới từ Bình Định vào TPHCM chơi lần đầu. Ba người tới đây với mong muốn tận mắt nhìn thấy “phố đi bộ” như lời giới thiệu của con cháu đang làm việc ở TPHCM. Ông La giải thích, cách đây 5 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thống nhất đất nước, phố đi bộ Nguyễn Huệ được đưa vào vận hành. Trong trí nhớ của ông La, lúc đó phố đi bộ mới chỉ có hai chỗ phun nước nhỏ thôi, cây xanh hai bên mới trồng vẫn còn lưa thưa, buổi trưa không đủ bóng mát. Nhưng người dân ai cũng mừng, trẻ con thì hò reo mỗi khi tới giờ phun nước. Về đề án “siêu phố đi bộ” đang được thành phố lấy ý kiến, ông La cho biết bà con trong khu phố ông luôn theo dõi sát các ý kiến góp ý trên báo, đài. Bà con đều mong muốn có thêm nhiều không gian xanh, bớt xe cộ, ồn ào. “Thực hiện như thế nào, quy mô ra sao, bà con mong muốn thành phố sẽ đánh giá kỹ trước khi thực hiện”, ông La nêu ý kiến. |