Không nơi đâu thể hiện rõ ràng sức sống của giao thương quốc tế như các cảng biển và đây cũng là nơi đầu tiên bộc lộ dấu hiệu suy thoái của các nền kinh tế. Số lượng hàng hoá xuất khẩu trong 2 tuần đầu tháng 3 của Mỹ mới được công bố cho thấy, lượng hàng rời bến tới các thị trường quốc tế chưa bằng một nửa mức trung bình năm 2019, theo số liệu của IHS Markit.
3 nền kinh tế lớn nhất khu vực Ả Rập chứng kiến các hoạt động kinh tế đình trệ, chỉ số dịch vụ tại Brazil giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 và lượng phương tiện bán ra tại Nam Phi giảm 30%. Tại Australia, các quảng cáo tuyển dụng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, dù quốc gia này chưa áp dụng các biện pháp phong toả, giới hạn đi lại cho tới tận cuối tháng 3.
Từ Ấn Độ cho tới Italy, việc phong toả, giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất – kinh doanh không thể diễn ra, hàng tỷ người ở trong nhà trong nhiều tuần, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tiêu thụ.
“Toàn bộ hệ thống, toàn bộ chuỗi cung ứng đã chịu tổn thất rất nặng nề. Từ một số góc nhìn, bức tranh hiện tại còn “đẫm máu” hơn so với khủng hoảng 2008 – 2009”, Roberto Azevedo, Tổng thư ký WTO nhận định.
Theo dự báo của WTO, các hoạt động thương mại toàn cầu có thể giảm hơn 12,6% và tăng trưởng GDP giảm hơn 2% so với thời điểm 2009.
Các công ty lớn, bao gồm Airbus SE tại châu Âu, FedEx tại Mỹ đều đưa ra những thông báo cẩn trọng những ngày gần đây với nội dung tương đồng: Còn quá sớm để ước tính những thiệt hại mà dịch bệnh và việc nền kinh tế gặp khó khăn gây ra. Điều này thể hiện tính chất bất ổn, khó đoán định trong toàn bộ hệ thống từ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho tới các công ty lớn, bất kể ở khu vực nào.
Airbus, với khoảng 135.000 nhân viên, đã gửi thông điệp tới nhân viên của mình rằng việc quay trở lại hoạt động hết công suất khó có thể xảy ra trong ngắn hạn. Thậm chí, việc thiếu nguồn cung linh phụ kiện và sự lao dốc của ngành hàng không có thể khiến hãng điêu đứng.
Trong khi đó, FedEx, với 177.000 nhân viên cảnh báo, giai đoạn khủng hoảng này kéo dài hơn có thể làm tổn thương hoạt động kinh doanh của hãng, nhất là khi hoạt động ngoại thương đóng góp hơn một nửa doanh thu.
Đáng chú ý, với hoạt động đầu tư giảm sút và nhiều người mất việc, tăng trưởng GDP toàn cầu có thể chịu tác động mạnh hơn nữa phụ thuộc vào độ dài của các biện pháp phong toả hiện tại. OECD ước tính, mỗi tháng tình trạng phong toả, giãn cách xã hội còn xảy ra, tăng trưởng GDP có thể giảm khoảng 2%. Theo nhiều kịch bản, tình trạng này có thể kéo dài ít nhất tới tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay.
Hơn 10 triệu cư dân Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tháng 3/2020 và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo, gần 25 triệu việc làm sẽ mất đi nếu không nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh.