Đây là bảo tàng tư nhân của nhà văn Minh Chuyên, nhưng lại có giá trị không nhỏ đối với công chúng muốn tìm hiểu lịch sử Việt Nam thời bom đạn, và phục vụ tích cực việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau.
Bảo tàng được xây dựng trên khuôn viên có mặt nước thơ mộng, diện tích 1.550m2. Ngoài tòa nhà trưng bày chính, bảo tàng còn có công trình phù điêu “Đường Trường Sơn” và “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”. Tính sơ sơ, kinh phí cũng nhiều tỷ đồng. Thế nhưng, để làm bảo tàng không chỉ cần tiền, nếu chủ nhân không có tầm vóc nhất định để làm cơ sở thu hút giới mộ điệu.
Nhà văn Minh Chuyên sinh năm 1947. Như bao chàng trai lớn lên khi Tổ quốc bị chia cắt, Minh Chuyên nhập ngũ và chiến đấu 10 năm ở chiến trường Đông Nam bộ. Non sông liền một dải, Minh Chuyên giải ngũ trở về quê để tiếp tục theo đuổi mơ ước viết lách đã hình thành trong ông từ thời thơ ấu.
Những ngày làm báo Thái Bình, Minh Chuyên lang thang khắp nơi tác nghiệp và bất chợt nhận ra, trong trái tim mình vẫn day dứt khôn nguôi về những đồng đội dưới khói lửa dạo nào. Ông quặn thắt khi chứng kiến những người lính năm xưa đang lầm lũi hòa nhập đời thường với không ít thua thiệt.
Ông tự thắp lên ngọn lửa quyết tâm để ban ngày đạp xe đi tìm tư liệu, ban đêm hý hoáy viết bên ngọn đèn dầu trong xóm lao động nghèo. Lần lượt, từng bài bút ký của Minh Chuyên xuất hiện lay động xúc cảm người đương thời, như “Má Giáo”, “Nghị lực”, “Chiến tranh đã đi qua”, “Quãng đời huyền thoại”, “Nỗi oan trần thế”…
Nhà văn Minh Chuyên trong nhà trưng bày của bảo tàng. |
Đặc biệt, nhà văn Minh Chuyên là một trong những người đầu tiên ở nước ta lên tiếng về sự tàn phá của chất độc da cam. Đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, khi bút ký “Đứa con màu da thú” của Minh Chuyên công bố trên báo chí khiến không ít người tưởng là chuyện… siêu tưởng. Thế nhưng, với chút kiến thức chắt chiu được từ quân y và với sự nhạy cảm của nhà văn, ông vẫn kiên trì chứng minh có cái di họa chiến tranh khủng khiếp ấy bằng những trang viết tiếp theo như “Nước mắt làng”, “Đứa con người lính”, “Mười lần sinh tử”…
Sau khi chuyển công tác từ báo Thái Bình về Đài Truyền hình Việt Nam, nhà văn Minh Chuyên lại có thành tựu khác ở mảng phim tài liệu về đề tài hậu chiến. Ông là tác giả, biên kịch và đạo diễn nhiều bộ phim tài liệu có tiếng vang, như “Ông cố vấn” 5 tập, “Huyền thoại tàu không số” 12 tập, “Ký ức chiến tranh nhìn từ hai phía” 25 tập, “Bức thông điệp lịch sử” 52 tập, “Bất khuất Côn Đảo” 15 tập…
Nổi bật nhất trong sự nghiệp làm phim tài liệu của nhà văn Minh Chuyên, phải kể đến tác phẩm “Cha con người lính”, phản ánh nỗi đau của 3 thế hệ trong gia đình người lính bị chất độc da cam của Mỹ hủy diệt dai dẳng.
Nhà văn Minh Chuyên đã nhen nhóm ý tưởng kiến tạo bảo tàng cho riêng mình từ lâu, nên ông rất ý thức lưu trữ và gìn giữ các tư liệu cá nhân. Ban đầu, ông làm phòng lưu niệm có diện tích 60m2 tại ngôi nhà in dấu tuổi thơ mình ở Thái Bình. Năm 2017, nhà văn Minh Chuyên được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, nên tỉnh Thái Bình có nhã ý tạo điều kiện để ông có bảo tàng tư nhân tại nơi chôn nhau cắt rốn.
Căn cứ dự án do nhà văn Minh Chuyên đề nghị, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định thành lập Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh Minh Chuyên vào ngày 2-11-2018. Không chỉ được cấp thêm đất, nhà văn Minh Chuyên còn được UBND tỉnh Thái Bình hỗ trợ kinh phí xây dựng. Ông chia sẻ: “Ngoài số tiền đầu tư của tỉnh, tôi còn được sự ủng hộ của nhiều đồng nghiệp, bạn bè và các nhà hảo tâm”.
Khu trưng bày của Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh Minh Chuyên có diện tích 250m2. Khu trưng bày hiện nay có khoảng 20.000 trang tài liệu, 600 tác phẩm văn học và điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng, cũng như nỗi đau hậu chiến. Độc giả có thể tìm thấy trong bảo tàng những trang bản thảo đã úa màu thời gian với bút tích của chính tác giả, cũng như có thể tham khảo các thư từ, báo chí xung quanh các tác phẩm làm nên tên tuổi Minh Chuyên, như “Người không cô đơn”, “Chiếc cũi trần gian”, “Vết thương không mảnh đạn”...
Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh Minh Chuyên được thi công từ năm 2018 đến năm 2020. Trong đó có những công trình mỹ thuật tiêu tốn hàng tỷ đồng, như bức phù điêu tái hiện sử tích “Huyền thoại Trường Sơn”. Tuy nhiên, gây hứng thú nhất cho những ai đã đọc những bút ký hậu chiến của nhà văn Minh Chuyên, là những bức tranh minh họa các câu chuyện từng rúng động dư luận trong “Vào chùa gặp lại” hoặc “Thủ tục làm người còn sống”. Nếu tác phẩm “Vào chùa gặp lại” viết về những nữ chiến sĩ sau chiến tranh bị thương tật phải nương náu chốn cửa Phật, tác phẩm “Thủ tục làm người còn sống” viết về anh bộ đội Trần Quyết Định vì lạc đơn vị ở chiến trường Campuchia nên có sự nhầm lẫn biến anh trở thành liệt sĩ, và Trần Quyết Định phải bôn ba chứng minh sự tồn tại của bản thân trên cõi đời.
Trong bảo tàng của mình, nhà văn Minh Chuyên cũng dành nhiều không gian cho những nhà văn viết về đề tài hậu chiến. Thí dụ, nhà thơ Phạm Tiến Duật với những câu thơ cháy bỏng về Trường Sơn, có hẳn một góc riêng khá ấn tượng. Hiện mỗi ngày Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh Minh Chuyên đều có khách đến tham quan, nhiều nhất là giáo viên và học sinh các trường học của các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam...
Có lẽ chưa có nhà văn nào ở Việt Nam có bảo tàng tư nhân quy mô và hoành tráng như nhà văn Minh Chuyên. Đã bước sang tuổi 77, nhà văn Minh Chuyên thổ lộ: “Tất cả những gì tôi đã viết và những tâm huyết tôi bỏ ra cho bảo tàng này, đều xuất phát từ niềm tin duy nhất, là ở xứ sở bất khuất và ân nghĩa của chúng ta, không có quyền để ai bị lãng quên sau cuộc chiến bảo vệ bờ cõi thiêng liêng”.