Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM, cho biết hiện có đến 2/3 trong gần 3.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng và nữ trang của TPHCM đang bế tắc trong kinh doanh vì thiếu nguyên liệu, thiếu vốn và bị sản phẩm nữ trang Trung Quốc cạnh tranh giành thị trường.
Cửa mở cho doanh nghiệp lớn
Sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về siết kinh doanh vàng miếng được ban hành, một số chuyên gia cho rằng thị trường vàng có 2 hướng để thoát khỏi khó khăn trong dài hạn là phát triển kinh doanh vàng nữ trang hoặc mở sàn giao dịch vàng quốc gia.
Trong 2 hướng này, ngành vàng nữ trang cần được quan tâm đúng mức, bởi ở các nước có chiến lược phát triển thị trường này, vàng nữ trang đã mang lại nguồn lợi rất lớn. Cụ thể, Ấn Độ hàng năm thu về 10 tỷ USD thông qua xuất khẩu nữ trang, Thái Lan cũng xuất khẩu đạt 3 tỷ USD/năm.
Hơn nữa, ngành vàng nữ trang tạo điều kiện công ăn việc làm cho người lao động, gia tăng giá trị khi kết hợp vàng với các loại đá quý để xuất khẩu thu về ngoại tệ. Song theo quy định của Nghị định 24, việc nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do NHNN xem xét cấp giấy phép căn cứ trên chính sách tiền tệ và cung cầu vàng trong từng thời kỳ.
Từ khi Nghị định 24 được ban hành, Hiệp hội Kinh doanh vàng đã 2 lần gửi kiến nghị cho phép doanh nghiệp nhập khẩu nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Do vậy, suốt thời gian dài, doanh nghiệp trong ngành vàng nữ trang phải mua nguyên liệu trôi nổi, nguồn gốc không rõ ràng với giá cao để sản xuất.
Vừa qua, NHNN đã ra chủ trương cấp phép nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang, mỹ nghệ và giao cho NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố thực hiện. NHNN chi nhánh TPHCM được ủy quyền cấp phép cho CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Agribank (VJC), với hạn mức nhập khẩu của PNJ 1 tấn và VJC 1,3 tấn.
Nhưng đến nay NHNN chi nhánh TPHCM vẫn đang chờ NHNN ban hành quy trình hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc nhập, sử dụng vàng nguyên liệu sau đó sẽ tiến hành cấp phép.
Song dù đã có tín hiệu đáng mừng cho ngành vàng nữ trang, nhưng theo ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, muốn lọt vào danh sách những đơn vị được cấp phép, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định đưa ra tại Nghị định 24 và Thông tư 16.
Với điều kiện này, chỉ có những doanh nghiệp lớn mới được cấp phép. Trong khi đó, theo thống kê, hiện có đến 80% doanh nghiệp trong ngành là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, tác động của chủ trương cấp phép nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vừa đưa ra đến ngành vàng nữ trang là không nhiều.
Cần cơ chế bình đẳng
Theo chia sẻ của 1 doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang có tiếng tại quận Bình Thạnh, để có thể hoạt động kinh doanh vàng trang sức, doanh nghiệp phải xin đủ loại giấy phép, ngoài 7 loại giấy phép đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành trang sức, còn phải đáp ứng một số điều kiện ràng buộc để tiếp tục kinh doanh mặt hàng này.
Sau ngày 30-6, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng nữ trang cũng phải trả nợ hết các khoản đã vay bằng vàng tại các NHTM trước đó để chuyển sang vay bằng tiền đồng. Trong khi đó, nhu cầu vàng nữ trang của người dân rất lớn gắn liền với các nhu cầu cất giữ, làm trang sức hay phục vụ cưới hỏi…
Nếu mua vàng miếng để sản xuất vàng nữ trang sẽ bị lỗ, nên để không làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chấp nhận mua vàng từ nhiều đầu mối cung cấp nguyên liệu khác nhau với giá cao để sản xuất.
Trước nhu cầu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng dù nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu vàng trang sức đang lớn, nhưng nếu xét với vàng miếng, vàng nữ trang chỉ chiếm tối đa 25%.
Như vậy, việc nhập khẩu nguyên liệu cho ngành vàng nữ trang sẽ không tốn quá nhiều ngoại tệ và mỗi lần, mỗi doanh nghiệp chỉ nhập khẩu tối thiểu 10-50kg vàng, quy định của NHNN tối đa cũng 100kg nên sẽ không tác động đến tỷ giá.
Hơn nữa, nếu nhập khẩu nguyên liệu tốt, các doanh nghiệp đang xuất khẩu nữ trang có thể đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ. Còn hiện nay, khi nguồn nguyên liệu thiếu hụt và không đảm bảo được chất lượng, doanh nghiệp sẽ mãi luẩn quẩn với thị trường trong nước, chôn vàng vào dân.