Trong bối cảnh đó, các công ty tài chính (CTTC) đang hiện diện đã tăng tốc để mở rộng thị phần, nâng cao sức cạnh tranh.
CTTC thắng lớn
CTTC TNHH MB Shinsei (Mcredit) vừa kỷ niệm 1 năm hoạt động, đánh dấu 1 năm thương hiệu Mcredit chính thức hiện diện trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Theo công bố, Mcredit là CTTC đầu tiên tính đến thời điểm này có lãi lũy kế trong năm đầu tiên hoạt động.
Tính đến hết 30-11-2017, tổng tài sản của Mcredit đạt 2.131 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt trên 1.287 tỷ đồng, mạng lưới điểm giới thiệu dịch vụ phủ rộng 37 tỉnh thành với gần 1.000 điểm giới thiệu dịch vụ. Khách hàng tiếp cận đạt 199.421 người, mạng lưới đối tác thu/chi hộ tại hệ thống của MB Bank, Viettel, VN Post, Payoo… mở rộng tăng lên đến gần 13.000 điểm.
Tại FE Credit, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III của VPBank cho thấy, dư nợ cho vay khách hàng của NH này đạt hơn 165.100 tỷ đồng trong 9 tháng, trong đó dư nợ của NH mẹ hơn 124.700 tỷ đồng, còn lại FE Credit chiếm hơn 41.000 tỷ đồng. Trong tổng thu nhập lãi thuần hơn 14.900 tỷ đồng của VPBank, FE Credit đóng góp tới hơn 8.300 tỷ đồng. Trừ đi các khoản dự phòng và chi phí hoạt động, lợi nhuận trước thuế của FE Credit 3 quý đầu năm đạt 1.600 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận trước thuế trong cả năm 2016.
Home Credit mới đây cũng cho biết tổng dư nợ cho vay trong 9 tháng đầu năm 2017 đã đạt 13.948 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số cho vay tiền mặt trong 9 tháng cũng đã tăng 76% so với thời điểm tương tự vào năm trước. Số lượng hợp đồng mới mỗi tháng trung bình vào khoảng 290.000 hợp đồng, tăng 28% so với trung bình năm 2016. Trong đó khoảng 60-80% khách hàng có hợp đồng vay với mức lãi suất 0%. Đã có 1,5 triệu lượt tải ứng dụng di động Home Credit, cao nhất trong bảng xếp hạng các ứng dụng về vay tiêu dùng tại Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Trong 3 quý đầu năm 2017, CTTC HD Saison cũng đã phục vụ được 3,4 triệu khách hàng với gần 10.000 điểm bán hàng và giới thiệu dịch vụ, là công ty có số lượng khách hàng và mạng lưới lớn nhất hiện nay. Năm 2014, HD Saison lãi 175 tỷ đồng, năm 2015 lãi 280 tỷ đồng, đến năm 2016 HD Saison lãi 440 tỷ đồng và đóng góp xấp xỉ 1/3 trong tổng lợi nhuận của HDBank. Do đó, nhiều dự báo cũng cho rằng lợi nhuận của HD Saison trong năm 2017 vẫn sẽ tiếp tục xu hướng tăng qua từng năm.
Tiềm năng tăng trưởng còn lớn
Tiềm năng tăng trưởng còn lớn
Theo số liệu của NHNN chi nhánh TPHCM, dư nợ cho vay tiêu dùng tại TPHCM trong 5 năm qua đã tăng rất nhanh. Cụ thể năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ chiếm 4% tổng dư nợ nhưng hiện đã lên đến 12,2%, tương đương 244.000 tỷ đồng. Còn trên phạm vi cả nước, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016 trong 11 tháng, trong khi năm 2016 tín dụng tiêu dùng chỉ tăng 39% so với cuối năm 2015.
Tổng quy mô tín dụng tiêu dùng hiện đạt mức 960.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 15,7% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, trong đó nhóm CTTC tiêu dùng có quy mô tín dụng tiêu dùng đạt mức 74.000 tỷ đồng và là nhóm TCTD có tốc độ tăng dư nợ tín dụng tiêu dùng cao nhất trong 3 năm gần đây, bình quân khoảng 44%. Thống kê của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC), 5 CTTC lớn nhất thị trường hiện nay đã đẩy lên hệ thống thông tin của CIC đến 14,3 triệu khách hàng cá nhân.
Đối với thị trường tài chính tiêu dùng, các tổ chức quốc tế cũng liên tục đưa ra những đánh giá lạc quan. Theo ông Mr. Sreenivasan Iyer, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Khối Tài chính Doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á của Deutsche Bank, khoản cho vay dành cho FE Credit là khoản vay lớn nhất của Deutsche Bank trong ngành tài chính tiêu dùng từ trước đến nay tại Việt Nam, bởi Deutsche Bank nhận thấy nền kinh tế của Việt Nam với tiềm lực tăng trưởng lớn, nhiều cơ hội để đồng hành cùng sự phát triển của các đối tác.
Theo đó, FE Credit vừa nhận khoản vay vốn có bảo đảm trị giá 100 triệu USD Deutsche Bank. Ông Kalidas Ghose, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FE Credit, cho biết sự kiện này không chỉ góp phần bổ sung nguồn vốn lưu động tại FE Credit mà đồng thời mở rộng năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tài chính cho người tiêu dùng, đặc biệt sẽ củng cố chiến lược dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam của công ty.
Ngày 18-12, Shinhanbank Việt Nam cũng đã chính thức tiếp nhận mảng bán lẻ từ ANZ Việt Nam, theo đó, NH này sẽ có thêm khoảng 400.000 khách hàng dùng thẻ, từ vị trí thứ 7 sẽ vươn lên đứng thứ 5 về kinh doanh thẻ tín dụng tại thị trường Việt Nam. NH này cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng bán lẻ, trong đó các dòng sản phẩm vay tiện ích, đầu tư công nghệ cho NH số sẽ được ưu tiên phát triển song song với việc mở rộng ưu đãi cho thẻ tín dụng.
Song song đó, nhiều tổ chức tài chính nước ngoài cũng đã đặt chân vào thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam thông qua việc mua lại các CTTC trong nước như Lotte Card, công ty con của Tập đoàn Lotte, chi khoảng 87,5 tỷ won, tương đương 1.700 tỷ đồng mua lại TechcomFinance. Dự kiến sau khi hoàn tất các thủ tục cuối cùng, trong vòng 1 năm, Lotte Card của Hàn Quốc sẽ cung cấp dịch vụ phát hành thẻ, cho vay trả góp và cho vay tiêu dùng tại Việt Nam. Điều này chắc chắn khiến cho sức nóng trên thị trường tài chính tiêu dùng ngày càng tăng lên trong thời gian tới.