Việc tái khởi động tuyến dịch vụ này nhằm kết nối hàng hóa miền Tây Nam Bộ - Miền Trung - Miền Bắc, mang đến giải pháp logistics trọn khâu cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước sau khi kênh Quan Chánh Bố được thông luồng, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế tại ĐBSCL.
Theo thống kê nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu trong khu vực ĐBSCL là 17-18 triệu tấn/năm, tuy nhiên 70% hàng hóa xuất khẩu này phải vận chuyển đường bộ về các cảng lớn ở TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ, làm tăng thêm chí phí vận tải vào giá thành sản phẩm xuất khẩu, gây khó khăn cho đầu ra các sản phẩm nông nghiệp của vùng, cũng như giảm lợi nhuận của doanh nghiệp và người dân trong vùng.
Ông Phùng Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn chia sẻ, Cần Thơ được xác định vai trò, vị trí là đô thị cửa ngõ, trung tâm kinh tế của vùng ĐBSCL, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Vì vậy, việc khai thác mở lại tuyến tàu container nội địa vào cập cụm Cảng Cần Thơ sau khi Kênh Quan Chánh Bố được thông luồng đã tạo ra giải pháp dịch vụ logistics trọn gói, tiết kiệm thời gian và tối ưu chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
“Từ ngày 26/10/2016, khi Bộ Giao thông Vận tải công bố chính thức luồng Quan Chánh Bố cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chúng tôi duy trì được 33 chuyến sau một năm, do ảnh hưởng của luồng tự nhiên cũng như sự bồi lấp thì luồng bị tắc, cho nên ngừng đến 6 năm. Do vậy đây là sự trông chờ rất lớn, những chuyến hàng đầu tiên thì khách hàng cũng rất trông chờ tiết kiệm chi phí, thời gian đi trực tiếp thay vì trung chuyển lên TP. Hồ Chí Minh cũng như ra Cái Mép rồi mới đi các khu vực” - ông Phùng Ngọc Minh nói.
Sự kết hợp tất cả nguồn lực sẵn có, cụm cảng Cần Thơ (Cảng Tân Cảng Cái Cui và Cảng Cái Cui) được kỳ vọng phát triển thành “chợ” container và trung tâm Logistics của vùng, qua đó thu hút các đội tàu trong và ngoài nước phát triển loại hình dịch vụ vận chuyển container trực tiếp đi từ các cảng ĐBSCL. Đồng thời, mở ra triển vọng để TP. Cần Thơ trở thành địa điểm gom hàng, tạo ra giải pháp kết nối chuỗi logistics từ cảng khu vực ĐBSCL đi cụm cảng khu vực Hồ Chí Minh, Cái Mép xuất tàu, hướng tới đi thẳng tuyến quốc tế Nội Á; tiết kiệm được thời gian và đến 40% chi phí vận chuyển cho khách hàng xuất nhập khẩu trong khu vực.
Ông Phạm Ngọc Nhàn, Trưởng Văn phòng Đại diện INTRACO – doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm liên quan đến Biến đổi khí hậu và đầu tư Carbon - tại Cần Thơ cho biết, trước đây, một tháng doanh nghiệp chuyển khoảng 30 – 35 container 40 feet, chi phí vận chuyển ước khoảng 2,5 – 3 tỷ đồng do đường đi vòng vèo. Nay khi có dịch vụ chuyển trực tiếp bằng đường biển như thế này, hàng hóa được đảm bảo không bị hư hỏng và cũng giảm bớt gánh nặng về chi phí vận chuyển.
Chính thức tái khởi động chuyến tàu Container vào Cụm Cảng Cần Thơ vào ngày 29/12/2022.
“Nếu chuyến được tăng lên hàng tuần thì việc sản xuất của chúng tôi sẽ linh hoạt hơn, bởi vì trước đây đi từ Cảng Hải Phòng vào Cảng Cát Lái thì chúng tôi phải mất nửa tháng để chuẩn bị hàng hóa nhưng giờ chúng tôi chỉ mất khoảng 7 ngày để chuẩn bị thôi. Rút ngắn được khoảng thời gian chuẩn bị vận chuyển như thế thì sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển, giảm từ khoảng 15 – 20%” - ông Phạm Ngọc Nhàn nói.
Chuyến tàu khởi hành tại Cảng Tân Cảng 128 (Hải Phòng) vào ngày 24/12/2022 và đến Cảng Tân Cảng Cái Cui vào ngày 29/12/2022 đã xếp dỡ được 174 TEU hàng xuất và nhập. Kế hoạch năm 2023, mỗi doanh nghiệp vận chuyển sẽ đưa 1 tàu vào khai thác, với tần suất: 2 chuyến/tháng trong giai đoạn đầu và có thể tăng dần hành trình vận chuyển khác để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy vậy, để góp phần duy trì tuyến dịch vụ và hiện thực các mục tiêu đã đề ra cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, địa phương và cơ quan hữu quan.
Ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi có đề xuất với TP. Cần Thơ cũng như Bộ Giao thông vận tải trong vấn đề đảm bảo duy trì, bảo dưỡng tuyến luồng để luôn luôn đảm bảo độ sâu chuẩn tắc phù hợp với mớn nước cho gang tàu 600 tiêu. TP. Cần Thơ cần có những chính sách để khuyến khích các hãng tàu nội địa, quốc tế có thể đưa tàu vào. Trước mắt chạy các tuyến về nội địa kết nối đến Hải Phòng, nhưng trong thời gian tới hoàn toàn có thể mở các tuyến vận tải Nội Á, kết nối thẳng từ khu vực ĐBSCL, từ cụm Cảng Cần Thơ đến các Cảng trong khu vực và trên thế giới”.
Việc khai thác mở lại tuyến tàu container nội địa Cần Thơ từ Hải Phòng/Hà Tĩnh/Đà Nẵng/Quy Nhơn/Nghi Sơn/Cái Mép vào thẳng ĐBSCL/vào cụm Cảng Cần Thơ là dấu ấn nổi bật cho kết nối liên vùng, tạo tiền đề cho việc kết nối thẳng ĐBSCL với cụm Cảng nước sâu Cái Mép và các dịch vụ cho các tàu Quốc tế tuyến Nội Á, kết nối hàng hóa từ sân bay Quốc tế Cần Thơ trong tương lai, thúc đẩy kinh tế ĐBSCL với cả nước và quốc tế, phát triển trung tâm Logistics vùng ĐBSCL.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đánh giá cao ý nghĩa sự kiện tái khởi động chuyến tàu Container vào cụm Cảng Cần Thơ; đồng thời, chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cũng nhấn mạnh: “UBND thành phố sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ, đồng hành cùng 02 Công ty duy trì tuyến vào cụm Cảng Cần Thơ. Đồng thời, thành phố sẽ đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam có biện pháp duy trì mớn nước ổn định cho tàu biển container có trọng tải lớn vào luồng hàng hải Sông Hậu; Đẩy nhanh Dự án xã hội hóa nạo vét luồng Định An để đảm bảo 2 tuyến luồng hàng hải cho tàu chạy song song, giải phóng được ách tắc luồng 1 chiều cho các tàu lớn không phải chờ lâu để đi qua”.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung đầu tư các dự án trọng điểm kết nối vùng (đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2; đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ- Sóc Trăng); đặc biệt là dự án xây dựng hoàn chỉnh Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023 sẽ thu hút được phần lớn nguồn hàng hóa xuất khẩu thông qua các Cảng biển trên địa bàn Cần Thơ.
Với việc thiết kế tuyến hành trình linh hoạt, hàng hoá tại ĐBSCL có thể vận chuyển trực tiếp đi thị trường trong và ngoài nước, giúp tối ưu chi phí và thời gian cho khách hàng so với phương thức hiện hữu. Từ đó mang lại nguồn lợi kinh tế lớn, góp phần thúc đẩy liên kết hợp tác và nâng cao sức cạnh tranh của toàn vùng ĐBSCL.