Ngay sau khi Taliban chiếm Kabul, nhiều câu hỏi bắt đầu đặt ra về cách họ sẽ quản lý nền kinh tế Afghanistan. Liệu chính quyền mới có đủ kỹ năng để điều hành bộ tài chính và ngân hàng trung ương hiện đại không? Liệu các nhà tài trợ nước ngoài có tin tưởng viện trợ cho họ không? Liệu Taliban có thể thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến nguồn khoáng sản dồi dào của đất nước hay không?
"Chảy máu" các nhà kỹ trị quản lý kinh tế
Suốt hai thập kỷ hoạt động ngoài vòng pháp luật, Taliban đã cho thấy họ có khả năng tạo ra các nguồn lực để duy trì một cuộc nổi dậy, chủ yếu là từ buôn bán ma túy, khai thác mỏ bất hợp pháp và quyên góp từ những người ủng hộ ở nước ngoài, cũng như thu thuế và tiền thuê đất ở các khu vực do họ kiểm soát. Trong những năm thuận lợi, doanh thu của Taliban lên tới 1 tỷ USD.
Nhưng ngân sách Afghanistan gấp nhiều lần quy mô đó. Tổng sản phẩm quốc nội của đất nước, ước tính khoảng 22 tỷ USD, đã tăng gần gấp ba lần kể từ khi Taliban bị lật đổ vào năm 2001. Và nền kinh tế bấp bênh trong nhiều năm đã được “tiếp sức” bởi viện trợ nước ngoài. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, 3/4 ngân sách của Chính phủ Afghanistan được cung cấp bởi các nhà tài trợ quốc tế, đứng đầu là Mỹ.
Quản lý nền kinh tế đó là một nhóm các nhà kỹ trị Afghanistan, nhiều người trong số họ được đào tạo tại phương Tây. Nhưng rất ít người trong số họ được cho là sẽ ở lại đất nước, bất chấp lời hứa của Taliban về việc "ân xá" cho bất kỳ ai từng làm việc trong chính phủ bị lật đổ.
Phụ nữ mua quần áo ở Kabul trước khi Taliban kiểm soát thành phố. Ảnh: AFP
Trong bối cảnh đó, thách thức kinh tế cấp bách nhất đối với các nhà cầm quyền mới là tình trạng lỗ hổng kỹ năng quản lý trong các bộ và ban ngành của chính phủ. Taliban sẽ chật vật để tìm kiếm những gương mặt bộ trưởng và nhà quản trị mà các nhà tài trợ và giới đầu tư nước ngoài có thể tin tưởng.
Phương Tây không tin tưởng
Ngay lúc này, các nhà tài trợ và nhà đầu tư mới có xu hướng không tin tưởng Taliban. Chính quyền Tổng thống Biden đã đóng băng 9,5 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan và tạm dừng chuyển tiền mặt đến nước này; Các chính phủ châu Âu cũng đình chỉ viện trợ phát triển; và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã chặn tiếp cận tới các quyền ưu tiên đặc biệt của Afghanistan.
Các chính phủ phương Tây, tổ chức đa phương và nhà tài trợ sẽ áp dụng các điều kiện nghiêm ngặt để nối lại tài trợ. Viện trợ nước ngoài sẽ dựa vào việc Taliban đảm bảo các quyền tự do, đặc biệt là cho phụ nữ, vốn đã được cải thiện rất mạnh mẽ trong 2 thập kỷ qua, cũng như nỗ lực ngăn chặn sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố như al-Qaeda.
Các nhà đầu tư phương Tây sẽ theo dõi các tín hiệu từ chính quyền mới ở Afghanistan, chú ý đến các lệnh trừng phạt kinh tế. Họ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quan điểm của công chúng: Hầu hết các công ty Mỹ và châu Âu sẽ lưu tâm đến phản ứng dữ dội có thể xảy ra ở trong nước đối với hoạt động giao dịch, hợp tác với Taliban.
Bài toán đầu tư từ Trung Quốc, Nga
Một câu hỏi khác là, liệu các nhà đầu tư khác như Trung Quốc và Nga có bị gò bó bởi những cân nhắc như các nước phương Tây không? Đã có một số suy đoán rằng Trung Quốc và Nga đang muốn lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại ở Afghanistan. Đặc biệt, Bắc Kinh được cho là đang để mắt đến các mỏ khoáng sản, trị giá 1-3 ngàn tỉ USD của quốc gia Trung Nam Á này.
Lực lượng Taliban kiểm soát Phủ Tổng thống sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời đất nước. Ảnh: AP
Trung Quốc và Nga có nhiều lo ngại về an ninh liên quan đến Afghanistan và đó là động cơ thúc đẩy họ hợp tác chặt chẽ với bất kỳ chính phủ nào do Taliban lãnh đạo ở Kabul. Nhưng đầu tư nghiêm túc lại là một vấn đề khác.
Các ngân hàng và công ty Trung Quốc ít sợ rủi ro hơn so với các đối tác phương Tây, họ có xu hướng chấp nhận các nền kinh tế không ổn định. Nhưng dù Bắc Kinh đã nói về việc đầu tư vào Afghanistan từ vài năm nay, số tiền mà họ rót vào trên thực tế là rất ít. Dự án đầu tư lớn của Trung Quốc, trị giá 2,8 tỉ USD được cấp vốn bởi Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc, tại Mes Aynak, gần Kabul, đã bị đình trệ từ lâu.
Các yêu cầu về cơ sở hạ tầng để khai thác nguồn khoáng sản của Afghanistan là rất lớn, trong đó có việc nước này đang thiếu trầm trọng mạng lưới giao thông. Việc đưa khoáng sản ra khỏi lòng đất và vào Trung Quốc sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư lớn hơn dự án Mes Aynak. Các nhà đầu tư Trung Quốc có những nơi khác, an toàn hơn để rót tiền. Taliban có thể muốn nguồn viện trợ của Trung Quốc, nhưng họ sẽ phải cạnh tranh với nhiều quốc gia phát triển, đặc biệt là ở châu Phi.
Về phần mình, Nga không phải là nhà viện trợ hào phóng, thua xa các quốc gia giàu nhất thế giới về giải ngân viện trợ phát triển.
Tuy vậy, có một số lĩnh vực của nền kinh tế Afghanistan có thể được hưởng lợi, ít nhất là trong ngắn hạn, từ sự tiếp quản của Taliban. Các doanh nghiệp địa phương không phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài hay thị trường nước ngoài có thể có môi trường tương đối ổn định và khả năng tiếp cận rộng rãi các vùng của đất nước do giao tranh đã ngừng. Cách thi hành công lý nghiêm khắc của Taliban có thể là biện pháp ngăn chặn tội phạm hiệu quả.