NĐT nước ngoài tìm đến…
Mới đây, gần 100 NĐT nước ngoài đến TPHCM tham dự Hội nghị NĐT năm 2022 do VinaCapital tổ chức, sau thời gian gián đoạn vì Covid-19, với mục đích tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Các NĐT tham gia Hội nghị đều có cùng đánh giá khả quan về kinh tế Việt Nam. Từ việc kiểm soát tốt lạm phát và tỷ giá, cho tới tốc độ tăng trưởng GDP đáng kinh ngạc.
Trong một báo cáo mới nhất về TTCK của CTCK đến từ Hàn Quốc là Mirae Asett (MAS), cũng đã đánh giá cao chính sách tiền tệ rất linh hoạt và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giúp Việt Nam chủ động kiểm soát lạm phát, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2022.
Chia sẻ với các NĐT nước ngoài tại Hội nghị NĐT 2022, ông Andy Ho, Tổng giám đốc Hội đồng đầu tư VinaCapital, cho rằng sự biến động của TTCK toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã làm không ít NĐT bất an. Tuy nhiên, điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý là các công ty niêm yết và công ty tư nhân của Việt Nam vẫn đang hoạt động hiệu quả nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường nội địa. Trên thực tế, những biến động gần đây do các sự kiện địa chính trị toàn cầu gây ra càng làm nổi bật các lợi thế của Việt Nam.
NĐT trong nước tháo lui…
Mặc dù áp lực lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt sau quyết định tăng lãi suất của NHNN, cũng như trong bối cảnh giá dầu và hàng hóa ổn định hơn, nhưng VN Index lại chịu đợt bán tháo mạnh khiến cho nhiều NĐT quyết định rời bỏ TTCK. Theo thống kê với mức giảm lên đến 11,59% trong tháng 9, TTCK Việt Nam nằm trong top các TTCK có hiệu suất kém nhất thế giới và châu Á, cùng với Nikkei 225 (-7,67%), S&P 500 (-9,34%), KOSPI (-12,81%), Hang Seng (-13,7%).
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến đợt điều chỉnh mạnh của VN Index, báo cáo của MAS cho rằng, TTCK đã đối mặt với tình trạng bán tháo hoảng loạn, phần lớn là do tâm lý tiêu cực đến từ quyết định tăng lãi suất của Fed, cũng như triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm. Hơn nữa, tâm lý thị trường cũng phản ánh căng thẳng địa chính trị gia tăng khi Nga gần đây đã tuyên bố sáp nhập 4 khu vực của Ukraine.
Những yếu tố trên, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý NĐT trong nước mà còn gián tiếp khiến khối ngoại bán ròng. Hệ quả này lấn át sự tích cực của việc giao dịch T+2 và giao dịch lô lẻ (có hiệu lực từ đầu tháng 9). Sự thận trọng của NĐT trong và ngoài nước đã phần nào được thể hiện qua thanh khoản với giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trong tháng 9 giảm 16% so với tháng 8, xuống còn khoảng 11.800 tỷ đồng.
NĐT nước ngoài (chiếm 7,2% tổng giá trị giao dịch) cũng chuyển từ động thái mua sang bán ròng trong tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên, nếu nhìn ra toàn cầu thì con số này là hết sức khiêm tốn, thậm chí còn được xem là thành công. Bởi theo thống kê trong tháng 9, các NĐT nước ngoài đã đảo chiều bán ròng mạnh trên khắp các thị trường châu Á: Đài Loan (5,75 tỷ USD), Hàn Quốc (1,8 tỷ USD), Ấn Độ (1,4 tỷ USD), Thái Lan (655 triệu USD), Malaysia (337 triệu USD) và Philippines (216 triệu USD). Trong khi tại TTCK Việt Nam, khối ngoại chỉ bán ròng 111 triệu USD trong tháng 9, sau khi mua ròng trong 5 tháng trước đó. Đặc biệt, lũy kế 9 tháng năm 2022, khối ngoại vẫn duy trì vị thế mua ròng ở mức 1.408 tỷ đồng.
Giữ vị thế phòng thủ
Sau cuộc họp giữa tháng 9 với quyết định nâng 75 điểm cơ bản lãi suất điều hành của Fed, triển vọng thế giới chuyển biến khá nhanh theo chiều hướng tiêu cực. Rủi ro về suy thoái kinh tế ngày càng tăng cao, đồng thời xác suất của các vụ vỡ nợ lớn đang trở thành bóng ma đe dọa thị trường tài chính toàn cầu.
Ngoài ra, sự leo thang xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có hồi kết là những trọng điểm chi phối TTCK toàn cầu. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam có nhiều yếu tố tích cực, như kiềm chế được áp lực lạm phát, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng GDP, và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang có sự tái cấu trúc mạnh mẽ.
Theo kỳ vọng của CTCK Rồng Việt (VDSC), thông tin kết quả kinh doanh quý III dần hé lộ trong tháng 10 giúp VN Index có nhịp hồi phục nhờ những nhóm ngành/CP có kết quả kinh doanh tích cực. Tuy nhiên, VDSC khuyến cáo NĐT giữ trạng thái danh mục ở vị thế phòng thủ với sự cân bằng giữa CP và tiền mặt. Một số ý tưởng đầu tư trong tháng 10 cho mục tiêu ngắn hạn là những CP đã giảm giá sâu và triển vọng kết quả kinh doanh quý III và IV khả quan.
Theo ước tính của MAS, do tâm lý ngại rủi ro hiện đang chiếm ưu thế, kỳ vọng VN Index sẽ được hỗ trợ mạnh tại mốc 1.000-1.060 điểm, tương ứng với P/E dự phóng cuối năm 2022 là 9,9-10,5x. Những nhịp điều chỉnh tiếp theo sẽ mở ra cơ hội tích lũy những CP tốt, với kỳ vọng đầu tư trung và dài hạn. Tuy nhiên, NĐT nên lưu ý về những áp lực đến từ bên ngoài có thể gián tiếp khiến khối ngoại tiếp tục bán ròng và tác động tiêu cực lên VN Index.