Bộc lộ nhiều yếu kém
Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều vấn đề trước đây cứ tưởng là bình thường, tốt đẹp đã bị phơi bày. Đó là yếu kém của hệ thống y tế, sức chịu đựng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), rủi ro từ chuỗi cung ứng khi không có phương án B, và sự bất bình đẳng xã hội.
Ngay cả ở những nước phát triển như Mỹ, EU khi dịch bùng phát giai đoạn đầu, sự khan hiếm khẩu trang, thiết bị y tế hay giường bệnh và nhân lực y tế đã khiến các nước này hết sức lúng túng. Hình ảnh các bệnh viện quân đội dã chiến, vận chuyển bệnh nhân bằng trực thăng hay thậm chí tàu cao tốc TGV như ở Pháp, sẽ khiến cho nhiều người khó mà quên được.
Sự mệt mỏi quá tải của các nhân viên y tế cho thấy hệ thống đào tạo và việc làm của ngành y tế ở các nước phát triển cũng rất mong manh: thu nhập của nhóm nghề y tá, nhân viên trợ giúp y tế không tương xứng với áp lực và cường độ công việc của họ.
Hạ tầng y tế, hệ thống y tế dự phòng ở các nước đang phát triển và nghèo còn cho thấy khả năng chống đỡ với dịch bệnh trên diện rộng là rất yếu, nếu như nói là không thể chịu được. Sự quá tải ở các thành phố lớn, từ Brazil, Ấn Độ đến Việt Nam cho thấy hệ lụy của hệ thống y tế không theo kịp sự phát triển của các siêu thành phố với mật độ dân số quá cao.
Hậu covid mới thấy sự yếu kém ngành y tế ở các nước phát triển, cũng như thu nhập của nhóm nghề y tá không tương xứng với áp lực và cường độ công việc của họ.
Hệ thống DNNVV ở các nước luôn là khu vực sử dụng nhiều lao động, nhất là lao động phổ thông. Trong khủng hoảng Covid-19 thì đây là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất vì rất nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, có sự tiếp xúc cao giữa người với người. Các DNNVV phần lớn có vốn lưu động ít, tốc độ xoay vòng vốn cao.
Khi bị gián đoạn hoạt động do giãn cách xã hội, dòng tiền bị gián đoạn khiến cho thanh khoản của DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở những nước có sự hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp của chính phủ thì DN có thể cầm cự, còn những nước không có thì hầu như DN bị rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính và phá sản.
Chuỗi cung ứng do dịch bệnh cũng bị gián đoạn nghiêm trọng, từ khâu sản xuất đến khâu vận chuyển. Ngày nay, trung tâm sản xuất của thế giới tập trung ở các nước đang phát triển, trong đó quan trọng nhất là châu Á. Khi làn sóng Covid-19 quay lại châu Á, nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, các đơn hàng không thể hoàn thành đúng hạn.
Nghiêm trọng hơn, hệ thống vận chuyển từ châu Á đi khắp thế giới, đặc biệt là đường biển cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi thiếu hụt lao động. Cũng chính vì vậy mà vấn đề nút thắt cổ chai trong logistics đã đẩy giá hàng hóa tăng nhanh thời gian gần đây, góp phần làm cho áp lực lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn.
Dịch bệnh cũng làm cho khoảng cách xã hội, sự bất bình đẳng được phơi bày. Ngay ở những nước phát triển, trong cùng một thành phố mà tỷ lệ nhiễm bệnh hay tử vong cũng khác nhau.
Những khu dân cư nghèo là những nơi có tỷ lệ nhiễm và tử vong cao nhất. Hệ thống y tế ở những khu vực này trước kia đã quá tải, nay càng không thể chịu đựng được. Khi giãn cách xã hội hoàn toàn, những người sống trong các căn hộ chung cư nhỏ, sống tập trung chịu nhiều stress hơn rất nhiều so với những người có điều kiện sống tốt hơn.
Thay đổi mang tính hệ thống
Thay đổi mang tính hệ thống
Chính phủ các nước bằng cách này hay cách khác đều hỗ trợ DN, hỗ trợ người dân chống chọi với Covid và chuẩn bị cho việc phục hồi của nền kinh tế. Nhưng các chính sách hỗ trợ và sự thay đổi để thích ứng của DN, người dân đã tạo ra những thay đổi mang tính hệ thống của nền kinh tế, của xã hội.
Đầu tiên là sự chuyển đổi số nhanh hơn dự kiến của nhiều DN. Giãn cách xã hội buộc một bộ phận người lao động phải làm việc từ nhà (WFH), các DN đầu tư nhiều hơn cho công nghệ và các giải pháp số.
Một số DN được hưởng lợi như các DN cung cấp giải pháp họp trực tuyến, khám bệnh từ xa, hợp đồng điện tử với chữ ký số, trong khi một số ngành bị thiệt hại như bất động sản văn phòng cho thuê, các dịch vụ đi kèm phục vụ giới cổ cồn trắng.
Tiếp đến là sự dịch chuyển lao động từ nhóm ngành nghề này sang nhóm ngành nghề khác. Ngành hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng là những ngành bị tác động nặng nề nhất bởi Covid-19.
Ở một số nước, mặc dù chính phủ đã có chính sách hỗ trợ người lao động nhưng có không ít người lao động đã quyết định thay đổi nghề nghiệp. Đây cũng là dịp nhiều nước muốn chuyển đổi nhanh sang nền kinh tế số, kinh tế xanh nên việc dịch chuyển lao động được hỗ trợ và có nhiều ưu tiên.
Việc phân bổ lại nguồn lực không chỉ diễn ra trong nội bộ DN, nội bộ từng ngành, mà còn ở cấp độ vĩ mô khi chính phủ xác định những ngành được ưu tiên hơn. Mục tiêu chính của những thay đổi mang tính hệ thống là nâng thu nhập của người dân, tính theo GDP bình quân đầu người thông qua tạo thêm việc làm, tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó là mục tiêu phát triển bao trùm (inclusive), phát triển bền vững.
Chính sách ưu tiên khác nhau của từng nước
Tầm nhìn của các nền kinh tế có mức độ phát triển khác nhau cho giai đoạn sau Covid-19 cũng khác nhau cho các ưu tiên của mình. Theo một báo cáo mới đây của OECD, các nền kinh tế đang phát triển ưu tiên nhiều hơn cho tự do thương mại, cạnh tranh, giám sát thị trường, rồi tiếp đến là giáo dục và đào tạo kỹ năng. Mức độ ưu tiên sau đó là chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội, môi trường, lương tối thiểu, cải cách hành chính công, cải cách thuế, hạ tầng.
Đáng lưu ý là trong các ưu tiên này, mức độ quan tâm tăng cao trong các vấn đề như tính hiệu lực của pháp lý, giáo dục và đào tạo, quy chuẩn hóa thị trường lao động bởi vì trước đây, tính phi chính thức (informality) tồn tại khá phổ biến ở các nước đang phát triển. Trong khi đó ở các nền kinh tế đã phát triển, mức độ quan tâm tăng lên ở các vấn đề môi trường, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội.
Các nền kinh tế đang ở giai đoạn chuyển giao và những chính sách được thực thi trong giai đoạn này sẽ tạo ra những thay đổi mang tính hệ thống, tạo khung cho nhiều năm sau này.
Chính vì Covid-19 đã cho thấy khả năng chịu dựng của các DNNVV là rất hạn chế, sự bất bình đẳng vẫn tồn tại một cách đáng quan ngại cho nên các chính sách thực thi cần thực hiện bao trùm, giảm bất bình đẳng, hỗ trợ DNNVV không chỉ về tài chính mà còn là các giải pháp phi tài chính mang lại hiệu quả lâu dài. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập, mức sống của người dân, giảm bất bình đẳng và sự phát triển là bền vững, thân thiện với môi trường.