1. Chợ phiên Đông Biên
Thời đại 4.0, kỹ thuật số siêu thị mọc lên như nấm, cả công nghệ grab, bán hàng trên mạng đưa hàng hóa đến tận nhà, nhưng chợ phiên Đông Biên vẫn tồn tại như nó vốn có từ hàng trăm năm nay.
Sáng sớm đạp xe qua chợ đã thấy người người tấp nập đổ về. Khác với chợ truyền thống ở đô thị, người bán, chợ phiên quê ngoài các sạp, còn lại dành cho ai có gì cần bán thì bán; ai thấy gì cần mua thì mua. Mẹ bảo chợ phiên Đông Biên 1 tháng chỉ họp 6 lần vào các ngày âm lịch. Hôm nay rằm tháng 3 là buổi họp đông trong tháng. Tha thẩn trong chợ khi chưa đông người, những kỷ niệm ùa về.
Hơn nửa thế kỷ trước, vào những ngày chợ phiên tôi thường theo mẹ đi chợ; có khi giúp mẹ “đội” hoặc gánh vài quả bòng (bưởi) hoặc vài nải chuối, mớ rau. Giúp mẹ nhưng lòng canh cánh thế nào cũng nài nỉ mẹ cho vài xu, vài hào chạy ra hiệu sách nhân dân cuối phố tìm các cuốn sách mình yêu thích như Rừng thẳm tuyết dày; Tam Quốc diễn nghĩa; Thép đã tôi thế đấy và không thể nào bỏ sót các tác phẩm kinh điển Việt Nam của Nguyễn Du, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Tố Hữu…
Trước đó, còn nhỏ không theo mẹ đi chợ được, mấy anh em rủ nhau ra cầu đá sau nhà chờ mẹ đi chợ về để được chia quà. Khi thì tấm bánh đa vừng, khi thì nửa bắp ngô, có khi có cả bánh chưng, bánh dày nữa. Hôm nay, đã bước gần tới tuổi 100, mẹ không đi chợ được nữa. Tôi đạp xe lên chợ phiên tìm cửa hàng bánh mỳ ông Hợi nổi danh một thời mua quà sáng cho mẹ. Hỏi ra mới biết, ông Hợi không còn và lò bánh mỳ cũng không còn. Chỉ còn con gái ông tên là Uyển chuyển sang bán giò chả.
Giờ đây, bàn chân có dịp đi khắp nơi trên trái đất, du ngoạn các siêu thị từ Paris, Washington, Bắc Kinh, đến Sydney, Tokyo, Ukraine…, về quê đi chợ phiên Đông Biên mới thương cho dân mình và trân quý những di sản phi vật thể đã găm vào tuổi thơ.
2. Trở lại Yên Quang
Đã hơn 10 năm, kể từ ngày khánh thành trạm xá quân dân y kết hợp do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của báo Sài Gòn Giải Phóng trao tặng, chúng tôi mới trở lại Yên Quang.
Thứ 7 ngày 6-5, theo dự báo thời tiết là một trong những ngày nóng nhất tháng 5. Hàn thử biểu chỉ 42 độ C. Từ Hải Hậu vượt qua cầu phao (Liễu Đề sông Ninh Cơ) và phà (Tam Tòa sông Đáy), chúng tôi qua Bãi Đính, Tràng An để đến Nho Quan. Nắng nóng từ mặt đường và cả từ núi làm cho không khí đã nóng càng nóng hơn. Mặc dù vậy, đến Yên Quang gặp chị Hoàng Thị Sói và các bạn trẻ lãnh đạo xã đón tiếp chân tình, mọi mệt nhọc bỗng tan biến.
Thật tâm lý, chị Sói đã chuẩn bị cho đoàn nồi chè đậu đen và cả những trái chuối rừng Trường Sơn ngọt lịm. Chủ tịch xã Yên Quang Hoàng Ảnh và Bí thư Đảng ủy xã tên là Toàn (mới luân chuyển từ nơi khác về) đón tiếp đoàn thật niềm nở. Anh nói, các bác về thăm địa phương giữa lúc xã đang khởi công các dự án nên bụi bặm lắm. Chủ tịch xã báo tin vui, cấp trên đã duyệt gần 1.000 tỷ đồng cho dự án cải tạo hồ Yên Quang và hạ tầng để kết nối chuỗi du lịch từ Tràng An - Bái Đính, cố đô Hoa Lư đến hồ Yên Quang, đình làng Mống có trên 200 năm với di tích lịch sử nơi thành lập Đại đoàn Đồng Bằng năm 1951.
Đoàn du khảo “chiến trường xưa" không chỉ có cựu binh đoàn 2255 (D582/ F320B) như tôi (C2) và Nguyễn Trường Cồn (C1), còn có hai cặp đồng đội là Nguyễn Văn Cảnh và bác sĩ Hoàng Mạnh Việt. Hai cô giáo, phu nhân của Cảnh và Việt đóng vai "trợ lý hậu cần" từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi sự dẫn chuyện của MC Nguyễn Trường Cồn. Các bạn sẽ gặp những nhân vật trong bút ký Trở lại Yên Quang của TTT. Đó là chị Hoàng Thị Sói. Năm 1970 chúng tôi đóng quân ở đây, chị Sói ngoài 20 tuổi là Bí thư chi đoàn.
Còn bây giờ chị đã từng giữ trọng trách Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, đại biểu Quốc hội. Cô gái miền sơn cước đầy sức sống cách đây nửa thế kỷ nay đã là bà già "như tàu lá héo". Gặp lại, điều kỳ diệu cô gái tràn dâng sức sống trong vở kịch đoàn kết quân dân năm xưa không "như tàu lá héo" nữa. Có nguồn năng lượng vô hình nào đã làm chị hồi xuân. Gặp lại K, Nguyễn Trường Cồn nhận xét như thế.
Trở lại Yên Quang giữa tháng 5 này buồn vui lẫn lộn. Buồn vì nhớ đến nhiều đồng đội từ nơi đây ra đi đã nằm lại chiến trường. Vui vì đời sống người dân Yên Quang đang từng ngày cải thiện. Và, đặc biệt tình người nơi đây vẫn nồng ấm như 53 năm trước, khi chúng tôi là lính mới.
3. Bún chả Obama
Sáng sớm đạp xe hơn 10 cây số mưa bắt đầu nặng hạt. Cố đạp cho nhanh đến quán bún chả Obama cạnh gốc đa cổ thụ gần 200 tuổi, nơi đặt hệ thống loa phóng thanh thời chống Mỹ. Dựng xe bên hè đã thấm đẫm mùi thịt nướng kiểu bún chả Obama (Hà Nội) quen thuộc. Đúng 6 giờ khi loa phóng thanh trên ngọn đa "tút tút " cánh cửa mới bật mở. Xin lỗi đã để bác chờ. Bác cho cháu thêm vài phút nữa. Bác mua quà sáng cho Cụ phải không? Sao anh chị biết hay vậy? Tôi hỏi lại. Chắc bác không biết chúng cháu, nhưng mọi người đều biết bác, nhất là Cụ nhà ta. Năm nay Cụ đã hơn 90 mà còn minh tuệ lắm...
Chờ cô chủ quán gói gém đủ bộ thức ăn, tôi đạp xe vượt qua cánh đồng. Mặc mưa, về ngay để Mẹ ăn khi chả còn nóng. Thấy tôi đặt gói quà sáng trước mặt, mẹ la. Đã nói U không ăn mà anh cứ mua chi cho tốn kém. Gói này có lẽ phải gần trăm bạc đó. U cứ dùng đi. Mấy khi con giai về mời món mang tên Tổng thống Mỹ.
Nói vậy nhưng có lẽ U không nỡ làm con giai buồn. Nâng bát bún chả vừa ăn U vừa khen ngon… Tôi chụp trộm cụ vài tấm ảnh để làm kỷ niệm. Hôm nay những bức ảnh này bình thường. Nhưng vài năm nữa...
Bỗng dưng có trận gió như kiểu cơn giông từ đâu ập tới. Mưa xối xả trên mái nhà, gõ bồm bộp lên tàu lá chuối. Tôi thấy buồng chuối chín cây tự lúc nào. Tôi nghĩ đến câu ca dao mà những người con, dường như ai cũng thuộc: Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay chuối rụng...
Dập tắt ý nghĩ ấy, tôi vào bón bún và tiếp cà phê cho mẹ. Dỗ dành mãi U mới ăn phần nửa bát. Dọn dẹp xong ra ngồi nói chuyện trước khi đi xa. "Cụ ơi sáng nay cụ ăn gì chưa?". Chả biết đã ăn chưa. Nhưng U không ăn gì đâu, đừng mua cho nó tốn tiền. Rồi như sực nhớ ra điều gì, U bảo. Mà sáng nay anh nói mua bún chả mang tên cái ông gì đó đã mua chưa?
Thế đấy. Mẹ tôi sinh năm 1930. Không thể cưỡng lại quy luật của tạo hóa. Một cơn giông nữa lại ập tới. Mấy hôm nay trời oi bức lắm. Mưa gió thế này không biết buồng chuối chín cây nơi đầu hè có chịu nổi không?