Chợ Tết quê

Tết Nguyên đán là một dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Dù suốt năm phải vất vả, cực nhọc, toan tính chi tiêu tiết kiệm, nhưng cứ đến ngày Tết nhà nào cũng phải quét dọn, trang trí nhà cửa, đến chợ mua hoa, sắm sửa thức ăn ngon để đón 3 ngày Tết.

Tết Nguyên đán là một dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Dù suốt năm phải vất vả, cực nhọc, toan tính chi tiêu tiết kiệm, nhưng cứ đến ngày Tết nhà nào cũng phải quét dọn, trang trí nhà cửa, đến chợ mua hoa, sắm sửa thức ăn ngon để đón 3 ngày Tết.

Vì vậy, chợ Tết bao giờ cũng đông vui, nhộn nhịp hơn bình thường. Nhiều năm nay, khi văn hóa Tây phương bắt đầu thấm vào một phần văn hóa của người Việt, những ngày Tết ở thành thị đã giảm đi phần nào phong vị xưa. Đối với những người xa quê sinh sống ở thành thị, ngày Tết ai ai cũng mong muốn về quê sớm để được đi chợ Tết quê hương.

Chợ Tết ở các vùng quê miền Tây bắt đầu từ 20 tháng Chạp kéo dài đến chiều 30 Tết. Chợ tan với một kỳ nghỉ dài 3-4 ngày, có khi cả tuần mới bắt đầu mở chợ lại. Ở các vùng quê, mỗi vùng chỉ có một chợ lớn nhất và là điểm đến của người dân trong cả khu vực đó. Không như những chợ ở TPHCM, người ta muốn mua bất cứ món gì vào bất cứ lúc nào cũng có, chợ quê đến giờ vẫn “mùa nào thức nấy”.

Nên khi Tết đến, chợ quê đông đúc hơn ngày thường rất nhiều, người ta háo hức đến chợ để nhìn, ngắm, để mua sắm những sản phẩm đặc trưng ngày Tết. Lúc này, những người nông dân trong vùng cũng vừa thu hoạch xong, chọn những món tươi ngon nhất, chăm chút dành riêng cho ngày Tết đem đến chợ bán để có thêm đồng tiền chi tiêu, sắm sửa ngày Tết. Dịp này, người người từ khắp các làng xóm xa xôi, từ nhiều con đường, ngõ hẻm nô nức đổ về chợ, mở hầu bao sau 1 năm chi tiêu tiết kiệm để mua sắm cho 3 ngày Tết đủ đầy.

Những người xa quê cũng trở về hòa mình vào dòng người chen chúc mua bán. Đặc trưng người dân quê dù đi đâu, làm gì và ở đâu đến cuối năm, Tết đến vẫn gác mọi việc sang một bên để về quê ăn Tết cùng gia đình. Với họ, sắm Tết ở chợ quê vừa gần gũi vừa thiêng liêng.

Sau 1 năm dành dụm, họ đến chợ Tết cẩn thận lựa từng quả cau, lá trầu để đặt trên bàn thờ tổ tiên; chọn gạo nếp ngon, hạt đậu dẻo, thịt mỡ tươi với mong chờ chiếc bánh tét ngày Tết thật hoàn hảo; sắm sửa quần áo mới, bánh mứt, dưa hành, những thức ăn dành cho 3 ngày Tết để mang lại cho những đứa em, đứa cháu, cho gia đình một cái Tết thật sung túc, ấm áp.

Đến với chợ Tết quê là đến với một phần quan trọng của không gian văn hóa Tết. Mặc dù các vùng quê giờ đây đã thay đổi rất nhiều, nhưng những phiên chợ Tết vẫn mang âm hưởng xưa. Đi chợ Tết là niềm vui ở người nông thôn, đến chợ không hẳn chỉ để mua sắm, mà còn là đi chơi, đi cảm nhận không khí Tết. Đi chợ Tết như một nhu cầu, sự mời gọi tha thiết trong tâm khảm mỗi con người.

Vì ở đó, ta có thể cảm nhận những cảm xúc khó tả của những ngày cuối năm. Ở đó, năm nào cũng vẫn có thể bắt gặp sự háo hức xen lẫn lạ lẫm của những đứa trẻ được dẫn đi sắm quần áo mới, những khuôn mặt rạng ngời hòa trong dòng người nô nức với những nụ cười tươi rói chuẩn bị đón chào một năm mới. Ở đó, nhiều cụ già dù lưng đã còng, chân đã yếu nhưng năm nào cũng nhờ con cháu hái những quả cau, lá trầu mang ra chợ ngồi để lưu giữ truyền thống quả cau, lá trầu trong mâm lễ cúng tổ tiên của gia đình người Việt.

Đó cũng là nơi những người phụ nữ Việt Nam thể hiện sự khéo léo, khả năng vun vén cho gia đình. Họ đến chợ Tết mang về cho gia đình không chỉ những vật dụng, thức ăn mà còn mang về cả tình yêu thương, mang về mong ước đủ đầy, sung túc trong năm mới.

Tuổi xuân.
Tuổi xuân.

Ngày nay, khi văn hóa ngoại đang lấn át khiến những giá trị văn hóa truyền thống mờ dần, nhiều phong tục tập quán được giản đơn theo nhịp sống hiện đại; khi những món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu được sản xuất hàng loạt chứ không cần lựa từng món đem về tự tay làm lấy; khi rau củ quả nhập khẩu được bày bán ngập tràn thành thị trong khi rau củ quả quê không có chỗ chen chân..., không gian chợ Tết quê là nơi vẫn giữ được bản sắc văn hóa người Việt, là nơi giao thoa giữa sắc màu của một vùng đất nông nghiệp với những sản phẩm hàng hóa công nghiệp của thời đại mới, là sự hòa trộn giữa các mùi hương thành một mùi vị riêng, mùi của sự sung túc, mùi của Tết. Tết chưa đến nhưng đến chợ Tết để thấy Tết đang ở rất gần.

Nhiều năm trôi qua, bọn trẻ xa quê như tôi đã trưởng thành, đi khắp đó đây, có điều kiện được đặt chân đến những siêu thị, trung tâm thương mại sang trọng đầy ắp hàng hóa mới lạ, với cung cách phục vụ lịch sự, chu đáo. Song mỗi dịp Tết đến vẫn nhắc nhau về quê sớm để được đi chợ Tết, cùng hòa mình vào cái không khí ồn ào, sôi động bán mua, mặc cả ì xèo của những người dân quê chân chất, mộc mạc để tìm lại tuổi thơ và cảm nhận mùa xuân đang về.

Một cái Tết nữa lại đang về trên quê hương, chợ Tết cho một mùa mới bắt đầu, cái không khí chộn rộn tấp nập ấy đã, đang và sẽ mãi khiến người ta thấy xốn xang chờ mùa xuân sang.

Các tin khác