1. TPHCM có nhiều nơi nuôi ngựa như Thủ Đức, Củ Chi, quận 12… nhưng nhiều nhất và lâu đời là vùng Bà Điểm - Hóc Môn, hay tỉnh Long An có huyện Đức Hòa. 2 địa phương này như “lò” cung cấp ngựa đua, ngựa kéo xe khắp vùng Nam bộ. Năm 1992, trường đua Đức Hòa (Long An) được dời về trường đua Phú Thọ (TPHCM), và đây được xem là sân chơi đua ngựa bài bản, lớn nhất cả nước.
Mỗi tuần trường đua thu hút hàng trăm chú ngựa về thi tài. Cũng nhờ vậy nghề nuôi ngựa Hóc Môn - Đức Hòa phát triển rất nhanh. Anh Nguyễn Thanh Tuấn (xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn), gia đình có truyền thống 3 đời nuôi ngựa, cho biết những năm thịnh nhất đàn ngựa của vùng này lên đến 4.000-5.000 con.
Ông To Baurond, người mang 2 dòng máu Việt - Pháp, có niềm đam mê nghề nuôi ngựa đua, nhớ lại năm 1992, lúc ấy vàng chỉ có 900.000 đồng/lượng, nhưng ông đã bỏ ra 70 triệu đồng (hơn 70 lượng vàng) để mua chú ngựa đua. Còn những năm trường đua Phú Thọ hoạt động, bình thường một chú ngựa đua có giá 200 triệu đồng.
Đặc biệt, những chú ngựa được lai tạo từ 2 chú ngựa Nữ hoàng Anh tặng cho Việt Nam có giá rất cao. Bởi ngựa Việt Nam thường được gọi là “ngựa cỏ” có vóc dáng nhỏ, chủ yếu khai thác kéo xe. Trong khi những chú ngựa được lai tạo từ giống ngựa của Nữ hoàng Anh cao to, đẹp và có đầy đủ tố chất một chú ngựa đua nên rất có giá.
2. Trường đua Phú Thọ hoạt động được 25 năm, đến tháng 6-2011 đột ngột đóng cửa. Anh Tuấn nhớ lại một sáng đến trường đua Phú Thọ bất ngờ thấy trước cổng trường đua dán thông báo: Trường đua Phú Thọ tạm ngưng hoạt động. Thông báo này gây choáng váng cho tất cả những người nuôi ngựa và giới chơi ngựa đua.
Ông Baurond cho biết cái gì cũng có lộ trình để có sự chuẩn bị, như TPHCM muốn cấm xe ba gác cũng cần 3 tháng, 6 tháng để người dân chuẩn bị chuyển đổi, tìm kiếm công việc làm ăn mới. Trường đua Phú Thọ ngưng hoạt động không biết khi nào mở cửa lại và một sân chơi mới cũng không biết khi nào mới có.
Ông Baurond bên chú ngựa yêu quý của mình. |
Anh Trí, một người chuyên nuôi ngựa ở Đức Hòa, đưa ra những con số không vui: từ lúc trường đua Phú Thọ đóng cửa, đàn ngựa của Đức Hòa và Hóc Môn từ khoảng 5.000 con nay chỉ còn khoảng 500 con. Giá ngựa đua cũng rớt thảm, từ 200 triệu đồng/con nay chỉ còn 20 triệu đồng/con cũng chẳng mấy ai mặn mà. Nhiều gia đình nuôi ngựa truyền thống ở Hóc Môn không trụ nổi với nghề.
Gia đình ông Vĩ Bức Trí (xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn) cho biết thời kỳ hoàng kim đàn ngựa của ông lên đến 25 con, giờ chỉ còn vài con. Ông Baurond cho biết đàn ngựa của ông chưa đến chục con nhưng chi phí chăm sóc, nuôi nấng chưa đầy 3 năm đã lên đến hơn 500 triệu đồng. Tiền công 2 người chăm ngựa, rồi lúa, cỏ, thuốc… tất cả đều phải mua.
3. Bao giờ TPHCM tái lập trường đua ngựa? Đó là câu hỏi đau đáu mà người nuôi ngựa chưa có câu trả lời gần 3 năm qua. Sân chơi không có đồng nghĩa với đàn ngựa bị tiêu diệt từ từ. Nhiều chú ngựa đua lừng lẫy một thời, giá hàng trăm triệu đồng lần lượt đi vào lò mổ. Những người nuôi ngựa đua xót xa khi những con vật yêu thương lần lượt bị đem xẻ thịt, nhất là những chú ngựa thuộc dòng giống 2 chú ngựa do Nữ hoàng Anh tặng năm nào được gầy dựng 20 năm qua.
Đau lòng hơn, đây là môn thể thao truyền thống, quý phái không dễ gì gầy dựng trong một vài năm đang đi vào ngõ cụt. “Những người giữ được ngựa cho đến hôm nay đều là những người sống chết với ngựa, đam mê đua ngựa” - ông Baurond chia sẻ. Bản thân ông đang có cuộc sống an nhàn bên Pháp, tuổi già lẽ ra được hưởng thụ, nhưng ông gác bỏ về Việt Nam thuê đất nuôi ngựa nhưng giờ không biết đàn ngựa sẽ đi về đâu.
Những người nuôi ngựa chỉ mong TP tạo một sân chơi, một hành lang pháp lý rõ ràng để phát triển môn này. Xót xa trước nguy cơ mai một môn đua ngựa và đàn ngựa đua bị “xóa sổ”, mới đây Công ty Đức Thuận (Long An) đã xây dựng một sân đua để những người yêu thích môn thể thao này có sân chơi tạm. Đem những ưu tư của bà con nuôi ngựa trao đổi với cán bộ Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch TPHCM được biết sở đang nghiên cứu đề xuất với TP sớm phục hồi môn thể thao này. Tuy nhiên, cần một hành lang pháp lý để tạo một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho những người đam mê môn thể thao này.
Nhiều chủ ngựa tranh thủ làm thêm dịch vụ cưới hỏi. |
4. Ở các nước phương Tây, môn đua ngựa như một môn giải trí của tầng lớp quý tộc. Các chủ ngựa là nhà tư bản, doanh nhân giàu có, chủ doanh nghiệp thành đạt, các chuyên gia và những người có chỗ đứng quan trọng trong xã hội. Khi tham dự các cuộc đua, họ mời thêm bạn bè, đối tác và khách hàng như một cách xây dựng mối quan hệ làm ăn và giải trí trong kinh doanh.
Tại Nhật Bản, Singapore, Hồng Công, hàng năm môn thể thao này đem lại doanh thu hàng trăm triệu USD cho các nhà tổ chức và được xem là ngành mũi nhọn trong nền kinh tế du lịch. Từ hoạt động đua ngựa đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tạo doanh thu cho các ngành dịch vụ phụ trợ, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, từ dịch vụ đóng móng ngựa, nuôi ngựa, chăm sóc ngựa, thú y, vận chuyển, tổ chức đua ngựa…
Các cuộc đua thường thu hút nhiều tỷ phú trong và ngoài nước, khách du lịch khắp nơi trên thế giới tham dự, giúp phát triển nền kinh tế địa phương, kích cầu du lịch, thu hút khách lưu trú... Nhiều quốc gia còn đưa môn thể thao này vào các sự kiện hấp dẫn và trọng đại trong nước.