Thư Singapore

Mã đáo thành công

Khách mời của LKYEF được lựa chọn dựa trên thành tích cá nhân, hoặc triển vọng đặc biệt của họ trong việc cống hiến cho sự phát triển quốc gia và cổ vũ cho sự hiểu biết và thiện chí quốc tế. Ông Võ Văn Thưởng là khách mời thứ 3 từ Việt Nam và thứ 40 của LKYEF. Trước đó, vào tháng 3-1998, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - khi đó là Bí thư Thành ủy TPHCM, trở thành vị khách thứ 9 của LKYEF và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là vị khách thứ 22 đến Singapore hồi tháng 7-2004 trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những sự kiện đáng nhớ nhất trong cuộc sống nghề nghiệp của tôi trên đảo quốc Sư tử có lẽ là vinh dự được Bộ Ngoại giao Singapore (MFA) nhờ làm phiên dịch cho ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, thăm Singapore tháng 12-2013, theo lời mời của Chương trình Giao lưu Hữu nghị Lý Quang Diệu (LKYEF). LKYEF là chương trình được thành lập từ năm 1991 với mục đích mời những cá nhân xuất sắc đến Singapore để trao đổi với các lãnh đạo cấp cao của nước này.

Khách mời của LKYEF được lựa chọn dựa trên thành tích cá nhân, hoặc triển vọng đặc biệt của họ trong việc cống hiến cho sự phát triển quốc gia và cổ vũ cho sự hiểu biết và thiện chí quốc tế. Ông Võ Văn Thưởng là khách mời thứ 3 từ Việt Nam và thứ 40 của LKYEF. Trước đó, vào tháng 3-1998, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - khi đó là Bí thư Thành ủy TPHCM, trở thành vị khách thứ 9 của LKYEF và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là vị khách thứ 22 đến Singapore hồi tháng 7-2004 trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ.

Ở tuổi 43, có thể nói ông Võ Văn Thưởng là một trong những vị lãnh đạo trẻ nhất từ Việt Nam sang giao lưu với những người lãnh đạo cao nhất của chính phủ Singapore, trong đó có Thủ tướng Lý Hiển Long. Sinh ở Hải Dương nhưng tuổi thơ của ông chủ yếu gắn liền với những kỷ niệm vùng ĐBSCL. Tốt nghiệp đại học rồi luân chuyển nhiều vị trí công tác ở TPHCM trước khi ông ra Hà Nội giữ chức Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Năm 2011, ông được bầu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và sau đó được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Trong phát biểu nhận nhiệm vụ mới, ông đã chân thành bày tỏ mong muốn được làm người con của quê hương Quảng Ngãi giàu truyền thống cách mạng, hứa sẽ không ngừng rèn luyện, nỗ lực tối đa để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị mới. Lời hứa đó đã được ông thể hiện bằng những hành động cụ thể trong công tác lãnh đạo.

Đó là việc ông thuyết phục và tạo điều kiện cho Tập đoàn Sembcorp thiết lập Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) thứ 5 tại Quảng Ngãi, khu công nghiệp đầu tiên tại miền Trung, phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng trưởng bền vững, tạo công ăn việc làm… với tác động lan tỏa đến những vùng miền lân cận và trên cả nước.

Trong cuộc phỏng vấn với báo giới sau khi kết thúc chuyến thăm Singapore, ông Thưởng cho biết phần lớn thời gian các cuộc gặp gỡ, làm việc là phía bạn trả lời rất nhiều câu hỏi về các vấn đề ông quan tâm, như việc tuyển dụng, đánh giá và đề bạt, đào tạo và cập nhật kiến thức cho cán bộ các cơ quan công quyền; xây dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và các khu công nghiệp phát triển; chuyển đổi nhận thức trong giáo dục; tổ chức quản lý chất lượng y tế; phòng chống tham nhũng ở địa phương; quản lý trật tự xã hội…

Tác phong nhanh nhẹn, trẻ trung cùng thái độ khiêm tốn, lắng nghe và cầu thị của người lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã làm cho các nhà lãnh đạo Singapore cảm thấy tin tưởng hơn vào quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Chắc hẳn những thông tin, kiến thức, kinh nghiệm trong chuyến giao lưu lần này tại Singapore sẽ được ông chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả để biến VSIP nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung thành nơi hội tụ của nhà đầu tư ngành công nghiệp sạch, công nghiệp nhẹ có hàm lượng chất xám cao, công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp nặng và công nghiệp hóa dầu, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế miền Trung.

Một tuần lễ đồng hành với ông qua công việc, đã cho phép tôi chia sẻ niềm tự hào là cựu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp, nơi ông đã tốt nghiệp với bằng cử nhân triết học cách đây 20 năm. Hữu duyên thiên lý, tôi đã có cơ hội gặp ông trong hoàn cảnh rất thú vị nơi đất khách quê người.

Cơ hội gặp gỡ, làm việc cùng ông đã làm cho tôi cảm thấy gần gũi với Quảng Ngãi. Chia tay ông tại sân bay quốc tế Changi với những lời chúc bình an, sức khỏe và thành đạt, tôi bỗng nhớ lại thời sinh viên sôi nổi và nhiệt huyết với những lý tưởng “đâu cần thanh niên có” vì quê hương đất nước.

“Mã đáo thành công” - câu nói thông dụng này của người Trung Hoa hàm ý sự thành công, phát đạt và thăng tiến về kinh doanh hay con đường sự nghiệp của những người đi xa hoặc bôn ba đây đó - tôi xin được dùng nó để làm tựa đề cho bài viết này trong không khí mừng xuân mới.

Các tin khác