Thư Nhật Bản

Nỗi nhớ tết xa nhà

Tuy mỏi tay nhưng tâm hồn em cảm thấy thư thái khi nhớ đến những tình cảm tốt đẹp và sự giúp đỡ chân thành mà họ đã dành cho mình, một người Việt tha hương.

Chị mến, em viết thư này khi nhà cửa đã dọn dẹp tạm ổn để chuẩn bị đón năm mới. Mấy hôm nay, ngoài những công việc thường lệ, em còn thêm một việc quan trọng nữa là gửi thiệp chúc. Người Nhật trọng lễ nghi nên việc này có thể nói là một tục lệ bắt buộc đối với họ. Em ghi lời cảm ơn và chúc mừng năm mới, gửi tới những người quen biết từ thâm giao cho tới sơ giao.

Tuy mỏi tay nhưng tâm hồn em cảm thấy thư thái khi nhớ đến những tình cảm tốt đẹp và sự giúp đỡ chân thành mà họ đã dành cho mình, một người Việt tha hương.

Em đến Nhật Bản thấm thoát đã mấy năm rồi. Năm nay, em hẹn nhóm bạn bè đồng hương cùng dự tiệc tất niên tại một quán ăn Việt Nam ở thành phố Fukuoka, gần Lãnh sự quán nước mình. Tình cờ, em gặp lại cô bạn người Nhật từng qua Việt Nam nhiều lần. Cô tâm sự sau những lần qua Việt Nam lại rất thích món ngon Việt nên thường xuyên tìm đến các quán ăn Việt tại Fukuoka. Với vẻ đầy tự hào cô khoe đã tìm được 3 quán bán đồ ăn Việt ở khu vực trung tâm Tenjin. Tới quán ăn cô thường kêu món gỏi cuốn hoặc phở, thỉnh thoảng lại rủ thêm vài người bạn tới ăn “để kể chuyện về Việt Nam”.

Cô dự tính hè này sẽ dẫn nhóm bạn sang Việt Nam chơi, đồng thời tỏ ra rất tự tin có thể dẫn nhóm bạn tham quan khu vực trung tâm quận 1 và khu Tây ba lô Phạm Ngũ Lão (TPHCM). Vừa rồi qua cô, em được giới thiệu một quán ăn Việt nhận đặt hàng bánh chưng giá 1.500 yen (khoảng 300.000 đồng). Vậy là Tết này em sẽ có bánh chưng xanh bên câu đối đỏ. Nghĩ đến đó thôi cũng thấy vui.

Fukuoka là một trong những thành phố nhiều đền chùa nhất Nhật Bản. Vào dịp đầu năm, em thường đến vãn cảnh ngôi chùa Tochoji của chi phái Phật giáo Shingon, được xây dựng từ năm 806. Trong chùa thờ tượng Fukuoka Daibutsu (Đại Phật), là bức tượng Phật ngồi bằng gỗ lớn nhất ở Nhật Bản, hoàn thành năm 1992, có chiều cao 10,8m, nặng 30 tấn; bảo vật quốc gia Senjukannonbosatsu (Thiên thủ Quan âm Bồ tát) và Rokkakudou (Lục giác đường).

Rokkakudou được mở cửa vào ngày 28 mỗi tháng, khi đó khách thập phương có thể chiêm bái 6 pho tượng Phật. Vào tháng 2, người dân địa phương tụ họp về Tochoji tham gia các hoạt động trong lễ hội Setsubun. Em cũng thích đi thăm đền Gokoku. Ngôi đền này nằm ở trung tâm thành phố nhưng rất yên tĩnh và rợp bóng cổ thụ. Em nghe nói vào ngày đầu năm nay, khi đến viếng đền Gokoku khách có thể mua vé số giá 500 yen với các giải thưởng đa dạng, trong đó có cả máy hút bụi và iPad Air.

Nếu có thời gian, em đón xe điện ra ngoại vi thành phố, đến Dazaifu Tenmangu - ngôi đền thờ vị thần của văn học và thư pháp. Vào mùa thi, sinh viên gần xa đến Dazaifu để cầu nguyện công thành danh toại. Trong khi đó, vào tháng 2, du khách đến đây để chiêm ngưỡng 6.000 cây mận nở hoa khoe sắc, khung cảnh thoáng rộng, có ao hồ, có núi non rất đẹp.

Trong 3 ngày đầu năm, ngôi đền nổi tiếng này rộn ràng bước chân của hơn 2 triệu du khách viếng thăm. Dọc theo lối vào đền, các cửa hàng bán đồ thủ công truyền thống Nhật Bản, bánh kẹo, thức uống… tất bật phục vụ, tiếng chào mời vang lên không ngớt. Nhưng dù cửa hàng đông khách họ vẫn cố gắng chu đáo với mỗi khách hàng, sẵn lòng bao gói chỉn chu, dù chỉ là đôi đũa gỗ làm quà lưu niệm.

Hôm trước em đọc được một bài báo nói rằng các trường học Fukuoka gửi hàng trăm học sinh trung học đến Việt Nam trong 2 tuần để tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, bao gồm ẩm thực. Bỗng dưng em nhớ nhà và nhớ những món ăn ngày Tết quê mình quá. Bên này, vào đêm giao thừa, người Nhật sum họp gia đình và món ăn không thể thiếu là mì toshikoshi.

Phong tục này đã có từ thời Edo, được lưu truyền qua nhiều thời đại. Họ làm sợi mì toshikoshi từ bột gạo và kiều mạch, nó có vị dai dòn và hương thơm ngọt nhẹ của ngũ cốc. Có một điều thú vị là khi ăn mì, người Việt mình thường ăn gọn gàng từng đũa, tránh phát ra tiếng sì sụp để không bị xem là ham ăn, bất lịch sự.

Nhưng ở Nhật Bản ngược lại, vì sợi mì dài tượng trưng cho trường thọ và hạnh phúc viên mãn nên mọi người luôn cố gắng hút một cái rột để sợi mì không bị đứt ngang. Lúc mới sang, em đã ráng thử “nhập gia tùy tục”, nhưng cũng như nhiều bạn người Nhật dù ở TPHCM vài năm vẫn không quên tập quán húp mì sồn sột, em vẫn ăn mì Nhật theo kiểu Việt chị à.

Các tin khác