Gốm Cậy

So với thời hoàng kim, sản phẩm truyền thống gốm làng Cậy (xã Long Xuyên, Bình Giang, Hải Dương) giờ chỉ 1%. Người tâm huyết, cũng là một trong hai người được công nhận danh hiệu nghệ nhân còn đốt lò cổ là ông Vũ Xuân Năm. Cơ sở của ông có rất nhiều giảng viên, nhà điêu khắc, sinh viên các trường mỹ thuật về tham khảo, sáng tác, thực tập.

So với thời hoàng kim, sản phẩm truyền thống gốm làng Cậy (xã Long Xuyên, Bình Giang, Hải Dương) giờ chỉ 1%. Người tâm huyết, cũng là một trong hai người được công nhận danh hiệu nghệ nhân còn đốt lò cổ là ông Vũ Xuân Năm. Cơ sở của ông có rất nhiều giảng viên, nhà điêu khắc, sinh viên các trường mỹ thuật về tham khảo, sáng tác, thực tập.

Ông Năm tâm sự về sự thăng trầm của làng Cậy: Trải qua mấy trăm năm, thời hưng thịnh của ngôi làng này có thể sánh ngang những làng gốm nổi tiếng như Phù Lãng, Bát Tràng, Chu Đậu… Khi ấy, cả làng Cậy theo nghề, trẻ em sinh ra, lên 10 tuổi tuổi đã tham gia những công việc đơn giản của nghề gốm. Tuy nhiên, từ 30 năm nay chỉ còn vài hộ đốt lò và đến nay chỉ còn gia đình ông dùng lò than củi và sản phẩm chủ yếu xuất lên Hà Nội.

Sản phẩm truyền thống của gốm Cậy đều được vuốt bằng tay, những họa tiết được đắp nổi, tỉa tót hết sức tinh vi. Ông Năm tiếp nối truyền thống của gia đình, là thế hệ thứ sáu và hai con ông theo nghiệp cha là thế hệ thứ bẩy. Từ nhỏ, ông đã say mê với các món đồ giả cổ của bố mình và nhiều nghệ nhân khác như lọ, đỉnh hương, chóe, đèn, tháp, tượng…

Năm lên 12 tuổi, ông vừa đi học văn hóa, vừa học nghề và trở thành người thợ thuần thục trong xưởng gốm của gia đình. Nói về việc truyền dạy tay nghề của làng, ông Năm cho biết: “Giới trẻ ngày nay đi làm những công việc khác. Một số người đã có nền tảng theo nghề kiến trúc, làm công trình mỹ thuật, tu sửa đền chùa. Tôi ăn lộc từ nghề và sẽ quyết giữ. Hai con trai tôi cũng biết làm gốm từ bé do tôi và cha tôi truyền dạy”.

Nghệ nhân Vũ Xuân Năm say sưa tạo hình.

Nghệ nhân Vũ Xuân Năm say sưa tạo hình.

Hiện ở làng Cậy vẫn còn một số hộ làm gốm, nhưng chủ yếu sản xuất bát, ấm, chén. Còn làm đồ thờ, đồ giả cổ tinh xảo như ông Năm rất ít người theo. Mỗi năm, ông xuất ra thị trường khoảng 3.000 sản phẩm. Để làm được giả cổ, nhất là đối với những sản phẩm làm bằng tay, đắp nổi với nhiều họa tiết, người thợ phải kiên trì trong tạo hình.

Đặc trưng lớn nhất của gốm làng Cậy là men tro trấu (đốt trấu để lấy tro tạo men). Từ đó, người nghệ nhân có thể chế ra một số màu men như mày xanh ngọc, xanh lưu ly, màu da lươn, màu hồng… Nâng niu một sản phẩm, ông Năm giới thiệu: “Vì sản phẩm có nhiều họa tiết nổi, nên việc nung rất khó vì dễ nứt, vỡ. Lò đốt bằng củi có độ bóng cao, sản phẩm đẹp. Tất nhiên, cả niềm đam mê, kết hợp với tay nghề cao sẽ cho ra những sản phẩm có giá trị. Tôi khẳng định tôi sống được bằng nghề và cũng vì gốm biết tri ân người làm ra chúng”.

Có lẽ ông Năm đã được trả công xứng đáng vì lòng nhiệt thành giữ nghề. Đó là, năm 2010 nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cơ sở của ông Năm có sản phẩm “chum sành rùa dâng kiếm” được trưng bày, nhận được sự ghi nhận, cổ vũ của công chúng. Ông Năm cũng được công nhận là một trong 10 nghệ nhân toàn quốc có “Bàn tay vàng”.

Ông Năm ước gốm Cậy trở lại thời vàng son. Nhưng ông cũng hiểu trong dòng chảy của thị trường với rất nhiều yếu tố tác động, điều đó rất khó xảy ra. Dù vậy ông quyết giữ nghề, như đã hứa với tổ tiên, như ông đã theo đuổi công việc suốt nửa thế kỷ qua. Làng Cậy có ông Năm, vẫn còn một con người giữ những bí quyết và nhiệt huyết lửa nghề. Điều đó không chỉ giúp cho đời xuất hiện thêm nhiều sản phẩm đẹp, tinh tế, mà còn giúp kết nối và định vị thương hiệu của làng Cậy một thời.

Các tin khác