Làm quen với cổ nhạc từ năm lên mười, đến nay, người nghệ sĩ tài hoa Danh Phận (ảnh) có ba phần tư thế kỷ gắn đời mình với nghiệp cầm ca. Trải nghiệm hơn nửa đời, ông mở lớp dạy đờn dạy hát, lớp học nức tiếng với tên Lò ca cổ Danh Phận.
1. Từ đường Tôn Đản, quận 4 (TPHCM), đi vào một con hẻm ngoằn ngoèo với nhiều cái "xuyệt", đến khi nghe văng vẳng tiếng đờn giọng ca tài tử là người ta biết sắp sửa đến lò ca cổ của thầy Danh Phận. Tiếng thầy Danh Phận không chỉ những người hiếu học cổ nhạc tầm nguyên ở nội thành, mà cả những ai mến mộ âm nhạc dân tộc ở ngoại thành và cả những tỉnh ven thành phố như Long An, Bình Dương, Đồng Nai cũng tìm đến căn nhà nhỏ của thầy thụ giáo nghiệp ca cầm tài tử.
Người nghệ sĩ tài hoa Danh Phận |
Danh Phận mồ côi ngay từ khi 5 tuổi, được thầy Hai Thức đưa vô ban thiếu nhi Cái Dầu Châu Đốc học hát từ năm 8 tuổi. 10 tuổi đã rành rọt đờn ghi ta phím lõm. 12 tuổi, có người mến trẻ nhỏ có tài mới giới thiệu tập tành hát xướng trên sân khấu cải lương. 18 tuổi nức tiếng đờn kìm ở tỉnh nhà.
20 tuổi, lúc đó cậu trai có tên thật là Di Minh Phận lấy nghệ danh là Danh Phận, bắt đầu lao hẳn vào sân khấu cải lương với những vai hề như Hai Lành trong Chén cháo Chí Linh, vai Tổn trong Tung gươm cứu chúa, vai Nô bộc trong Quan Âm Thị Kính, sau đó chuyển sang vai trò nhạc công cổ nhạc trên nhiều sân khấu như Thanh Minh 2, Sao Ngàn Phương, Tây Đô, Tiếng ca sông Cửu, Trúc Giang, Trần Hữu Trang 3, thậm chí có lúc chuyển sang nghề quản lý đoàn hát...
Song tổ đãi Danh Phận phần ca xướng không dài, chính vai trò nhạc công cổ nhạc và nghề truyền thụ ca cầm mới là cái nghiệp đi theo ông đến nay đã 84 tuổi vẫn còn rất mặn mòi chung thủy.
Ngẫm về chuyện mê đắm đờn ca hát xướng, thầy Danh Phận tâm sự rằng đã được thân mẫu truyền thụ cho tình yêu âm nhạc quê hương ngay từ khi còn là một thai nhi. Bà mẹ hồi xưa trong lúc bụng mang dạ chửa vẫn xắn tay áo cuốn ống quần làm bá bang công chuyện từ đồng áng đến bếp núc, vất vả trăm bề mà vẫn luôn miệng những câu tài tử, những điệu cải lương. Thai nhỏ Di Minh Phận nghe riết cho đến khi ra đời lúc tập nói bi bô đã thuộc liền mấy câu hát:
"Kiệm từ khi thi rớt trở về. Bùi Ông mắng nhiếc nhún trề. Trách quá chàng ham bề vui chơi. Kiệm thưa: Tài bất thắng thời. Con lẽ nào không lo bề công danh. Tuổi con còn xuân xanh. Ơn cha mẹ, con chưa đáp đền, đó cha ơi...".
Điều này y như thầy Trần Văn Khê nói chuyện thai giáo: "Lúc còn ở trong bụng mẹ, tôi được nghe tiếng sáo của người cậu thổi, tiếng đàn tì bà của người dì. Đến khi tôi được sinh ra, người cậu của tôi đến và thổi sáo chúc mừng. Đến bây giờ, khi tôi đã đi khắp nơi trên thế giới nghe nhiều nhạc cụ nhưng tôi vẫn không thể quên tiếng đàn, tiếng sáo của Việt Nam".
Biểu diễn đờn ca tài tử. |
2. Và như thế, việc nhạc sĩ Danh Phận mê đờn ca rồi đi dạy đờn dạy hát trở thành nghiệp dĩ. Ông kể, ý tưởng manh nha nghề dạy ca cổ nảy nở khi còn đang cầm đờn nguyệt trên sân khấu cải lương. Những lúc tập tành cho các nghệ sĩ mới vào nghề ca trơn bài bản điệu thức, đã giúp cho ông tích lũy kinh nghiệm sư phạm.
Rồi khi hòa đờn với những giọng ca thời danh như Mỹ Thu, Tài Linh, Thoại Mỹ, Ngọc Thủy, Minh Vương, Lệ Thủy đã giúp ông hoàn chỉnh vốn liếng nghiên cứu cổ nhạc miền Nam. Đó là cái nền tảng kiến thức vững vàng để khi chuyển hẳn sang nghề dạy ca cổ từ năm 1990, ông đã sớm khẳng định danh thế của một lò đào tạo đờn ca tài tử.
Tiên chỉ lò đào tạo đờn ca tài tử Danh Phận là “tiên học lễ nghĩa, hậu học đờn ca”. Thầy Danh Phận cần mẫn mà nghiêm cẩn trong nghề truyền thụ tinh hoa cổ nhạc. Thầy nắn cho trò từng nốt nhạc, từng cách chồng hơi nhả chữ, biết cách sửa điểm yếu như ngọng, đớt, đâm hơi và nhấn điểm mạnh như khả năng luyến láy, nhả chữ tròn vành, chấm phẩy phân minh cũng như nhận thức tập tành cho điệu nghệ. Thầy vẫn luôn nhắc nhở học trò rằng, “hoa trổ đẹp nếu chịu khó vun phân tưới nước, nghiệp cầm ca cố công học tập sẽ có lúc đạt thành. Phải luôn tâm niệm câu tôn sư trọng đạo thì lời ca tiếng đàn mới có được căn cơ”.
Học thuộc nhiều bài bản là tốt, nhưng giữ được tính khiêm cung, chuộng hòa khí, tránh phô trương tài nghệ vẫn là cái đức đáng coi trọng hơn của người theo nghiệp đờn ca.
3. Gần đây, đờn ca tài tử được trọng vọng nên nhiều tỉnh thành tổ chức Liên hoan đờn ca tài tử thu hút mạnh mẽ người chuộng cổ nhạc tìm đến giao lưu kết nghĩa và thi thố tài nghệ theo tinh thần anh em bốn bể một nhà. Song đôi khi việc không đồng nhất về tính chuẩn mực nhạc lý giữa thầy dạy đờn ca và hội đồng nghệ thuật đã phát sinh nhiều điều tranh cãi, đôi khi làm mất hòa khí, ảnh hưởng nghiêm trọng tinh thần trọng nghĩa khinh tài của các cuộc Liên hoan.
Rõ là đờn ca tài tử thấy dễ mà không dễ chút nào. Với quan niệm giáo án cần phải có bài bản, lớp lang một cách hợp lý, cô đọng và hấp dẫn, thầy Danh Phận mạnh dạn soạn giáo án dạy đờn ca mang tên Việt Nam Quốc Nhạc với mong muốn giữ gìn bản sắc âm nhạc truyền thống dân tộc, song cùng là cách giúp cho người mới tìm đến với cổ nhạc dễ tiếp thu hơn.
Thời xưa, người đời xem những ai lấy cầm ca làm nghiệp là xướng ca vô loài. Chính vì thế, thầy Danh Phận rất mừng khi thấy Nhà nước hiện nay có chủ trương phục hồi, bảo tồn và phát triển âm nhạc đờn ca tài tử. Người xưa nghe âm nhạc mà biết được vận nước, hiểu được thế đạo nhân tâm. Đất nước phát triển đi lên, thầy vui mừng mà soạn một bài ca chứa đựng tâm khảm của một người trọn đời lấy nghiệp đờn ca làm phương tiện phụng sự cho văn hóa dân tộc, con người và cuộc sống.
...Nay nước mình đang phát triển phồn vinh. Độc lập thanh bình tự do. Tổ quốc vinh quang dân giàu nước mạnh. Trong đó có phần nghệ sĩ góp công. Dân tộc ta là nòi giống Tiên Rồng. Nên lòng trọng đạo tôn sư...