Đã đi quá nửa đời người, ăn tết không biết bao nhiêu lần. Nhưng cũng thật lạ, cứ gần đến tết, như cữ này khoảng đầu tháng Chạp Âm lịch, trong lòng vẫn có cảm xúc thật bồi hồi nao nao khó tả. Lại y như trẻ con, nhẩm tính từng ngày chờ tết đến.
1. Nhớ lại cái tết của tuổi nhi đồng, hồi đó mới năm, sáu tuổi, ở thị trấn Quốc Oai (tỉnh Sơn Tây cũ), mẹ làm nghề mậu dịch viên một cửa hàng bách hóa. Bà may cho mình một bộ quần áo mới theo kiểu áo quần cán bộ bằng vải kaki.
Thế cũng là ghê, vì xung quanh bạn bè cùng trang lứa lúc đó mặc toàn quần áo nâu sồng, vải dày như mo nan, đứng gần xộc lên mùi của củ nâu nhuộm vải. Sáng mùng một, mình chạy lên phố huyện khoe bộ quần áo đó, đứa nào nhìn cũng trầm trồ. Bộ quần áo mình mặc là sang nhất đám, mỗi tội cái dây quần vắt qua vai quá ngắn, không cài được với khuy quần ở thắt lưng, nên mình phải buộc thêm dây vào.
Mấy đứa bạn lật áo lên xem cái dây nối với dây quần dài lòng thòng, chẳng đứa nào cười cả, vẫn xuýt xoa thèm rỏ dãi bộ áo quần mình đang mặc. Tết lúc đó nghèo thật, trời rét, mấy đứa bạn đi chân đất, không có áo lạnh khoác bên ngoài, bộ quần áo nâu đâu có đủ ấm, nhưng hình như chúng không để ý đến điều đó vẫn ồn ào chơi đáo ăn tiền, chơi khăng, nhặt những quả pháo chưa nổ đem đốt hoặc chạy ra sân vận động xem các anh chị chơi đu.
Cái tết ở Quốc Oai hồi ấy đã để lại trong mình những dư âm buổi đầu xuân lất phất mưa phùn, mặt đường đất ẩm ướt chèm nhẹp, tiếng pháo nổ đì đùng, mùi pháo tết hăng nồng, người đi đường chào nhau: “Bà đi chơi tết về ạ!”, “Cháu chào ông!”, “Bủ đi đâu đấy? Đã lễ chùa chưa?”... mỗi khi trời sang xuân. Tết những năm tuổi thơ ở miền Bắc là như thế. Đơn giản, ấy vậy lại nhớ lâu. Rồi mẹ chuyển công tác, mình theo mẹ rời Quốc Oai lên thị xã Sơn Tây. Sơn Tây hồi ấy là một thị xã nhỏ, bình lặng, chỉ vui khi tết đến. Cứ gần đến tết ở chợ Nghệ, chợ trung tâm của thị xã, người ta bày ra không biết bao nhiêu tranh vẽ trên những những tấm bìa xanh, rồi câu đối in hoa hòe, hoa sói, lòe loẹt, lá dong gói bánh chưng... bày la liệt.
Người đi chợ tết đông lắm, hàng chen hàng, người chen người, tiếng nói râm ran, tiếng mặc cả hàng trộn lẫn không phân biệt được gần hay xa. Thỉnh thoảng lại giật mình vì một tiếng pháo của ai đó đốt, nổ bất chợt. Mình cùng mấy thằng bạn tìm cách len vào chợ, ngó chỗ này một tí, nhìn chỗ kia một tẹo, trong người rợm rạm một tình cảm khó tả, vui vui ngây ngất.
Đến sáng mùng một, mình và mấy đứa em hong hóng khách đến để được mừng tuổi. Khách của mẹ mừng tuổi cho mình chỉ đồng năm xu, một hào... Thế cũng là sung sướng lắm để đến chiều len lén trốn mẹ, chạy ra góc chợ chơi đập xu vào tường ăn tiền. Có lúc chơi, bị chúng bạn vét sạch, nhưng cũng có lúc mình ăn, tiền nhân lên gấp hai, gấp ba...
2. Tết có không khí gia đình nhất, nghĩa là chỉ có ba, mẹ và mấy em quây quần bên nhau, bạn bè của mình không có mấy, còn bạn bè của ba, mẹ quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy người trong nông trường bộ, ấy là đón tết ở nông trường Vân - Hùng (Đoan Hùng - Phú Thọ), đúng lúc máy bay Mỹ ném bom miền Bắc.
Gần đến ngày tết, mẹ gửi từ Sơn Tây lên thùng nước mắm độ hai mươi lít mà phải chia ra mấy chục phần cho các gia đình xung quanh để có cái mà chan với cơm. Còn thịt heo, may mắn ba mình làm giám đốc, được mua ngoài tiêu chuẩn hơn hai cân. Lúc ấy chỉ cần ngửi mùi nước mỡ thôi, đã ăn được hai, ba bát cơm. Sáng mùng một tết, chẳng khác mọi hôm là bao nhiêu, nhìn xung quanh toàn rừng, núi với một màu xanh xậm xịt.
Trời vẫn mưa, vẫn rét... không có một chút hao nắng, vẫn y như tiết giữa đông. Nếu có khác chăng là anh em mình mặc bộ quần áo trông có vẻ mới một chút, chịu khó ngồi quây quần bên chiếc đài của ba để nghe ca nhạc, kịch truyền thanh lâu hơn mọi ngày, vì ra ngoài kia có trò gì đâu mà chơi... Ba, mẹ đi thăm mấy chú cùng cơ quan, các chú lại đến thăm. Trưa ăn bữa cơm bình thường, tối cũng thế, 8 giờ tối đi ngủ... Tết trong thời chiến tranh là thế, chẳng có gì khác ngày thường.
Nhớ cái tết năm 1968 ở Phúc Thọ (Sơn Tây cũ), sáng 30 xin phép ba, mẹ đạp xe lên Hà Nội đón tết với mấy người bạn. Sáng sớm rét căm nhưng đạp xe về Hà Nội trong tâm trạng vui không thể tả. Không biết ba, mẹ cho mình bao nhiêu tiền, mà cũng chẳng hiểu lấy sức đâu của tuổi thiếu niên mới lớn, đạp xe một mạch mấy chục cây số chẳng hề thấy mệt. Quái lạ, cho đến tận bây giờ mình vẫn nhớ ánh mắt của một người bạn gái thấy dọc đường, ánh mắt nhìn mình rất vui, như thân, cứ như mình với bạn đó đã quen nhau từ lâu rồi.
Gần trưa, đến bến xe Kim Mã, đã thấy Dung, một người bạn gái Hà Nội đứng đợi mình cạnh chiếc xe đạp. Lẽ ra, mình phải có một lời nào đó thật lịch sự, lại buông ngay một câu, không ra làm sao: “Sao Dung đi chiếc xe đạp xấu thế?”. Thế là người bạn gái mất bao nhiêu công chờ đợi giận mình, bỏ về. Mình nói câu đó hoàn toàn vô tư, chứ không phải chê bai gì. Nhưng... đúng nhất là không nên nói câu nói đó. Cho đến bây giờ vẫn ân hận.
Ảnh minh họa: THIÊN LỘC |
3. Chơi ở Hà Nội trong đêm 30 Tết cùng bạn Đặng Dũng Tiến (không biết bây giờ Tiến làm ở đâu?), chúng tôi lang thang khắp phố, hết ra hồ Thiền Quang, vào rạp Tháng Tám xem phim, rồi hòa vào dòng người ra Bờ Hồ đón giao thừa. Đến giờ giao thừa pháo nổ râm ran, đì đùng vang lên tứ phía, rồi loa phóng thanh phát lời chúc mừng năm mới của Bác Hồ. Lời chúc tết nghe náo nức, chộn rộn có ai ngờ... đấy là “pháo lệnh” mở màn cuộc Tổng tiến công Mậu Thân ở trong Nam. Mãi sau này mình mới biết.
Chơi quá giao thừa, trên đường phố đã vãn người, định đến nhà Tiến ngủ, nhưng lại ngại. Đến nhà bác An, bác Bảy gọi cửa, chẳng ai thưa. Không biết đi đâu? Đành ra lại Bờ Hồ ngủ tạm trên ghế đá, chờ sáng mai, mùng một đạp xe về. Mình còn nhớ, cách chỗ ghế đá mình nằm không xa, cạnh cổng vào cầu Thê Húc, có một đôi nam nữ cũng ngồi trên một chiếc ghế đá, cả hai cùng nhìn ra mặt hồ Hoàn Kiếm.
Hình như người con gái khóc thì phải, rồi một lúc có tiếng thì thầm của người con trai như động viên, mình không nghe rõ... Mình tự cám cảnh bản thân, lại buồn cho họ, trằn trọc không ngủ được. Đã thế, không biết từ đâu, có một người thanh niên đeo kính đen (mà là ban đêm mới chết chứ) đứng ngay ở đầu ghế đá, cứ như chực mình ngủ say là hắn sẽ chôm chiếc xe đạp Thống Nhất. Mình hoảng, vội dấu chiếc chìa khóa xe xuống chân ghế. Thấy cũng chẳng yên tâm, mình ngồi dậy, lấy chiếc xe đạp, đạp qua bên kia nhà Thủy Tạ tìm một chiếc ghế đá để ngả lưng. Đang ngủ chập chờn, có tiếng động vội mở mắt, lại thấy người thanh niên này đứng ở đầu ghế đá...
Thế là không dám ngủ nữa, mà cũng không dám đi đâu, thức cho đến sáng. Vừa 5 giờ sáng mùng một, nghe thấy nhạc hiệu trên đài phát thanh vừa rõ mặt người, mình vội nhảy lên chiếc xe đạp, đạp một hơi về nhà. Về đến nhà gần 9 giờ sáng, ăn quấy quá vài miếng bánh chưng, rồi ngủ một giấc đến 5 giờ chiều... Một cái tết, tự mình làm khổ mình.