Hương trầm ngày tết

Tết trong tuổi thơ tôi không phải là những ngày được gói bánh trưng rộn ràng hay ríu rít chợ tết mà chỉ là những ký ức được cùng ông nội đốt những mảnh gỗ trầm nho nhỏ trong chiếc lư xinh xinh chờ phút giây đón giao thừa.

Tết trong tuổi thơ tôi không phải là những ngày được gói bánh trưng rộn ràng hay ríu rít chợ tết mà chỉ là những ký ức được cùng ông nội đốt những mảnh gỗ trầm nho nhỏ trong chiếc lư xinh xinh chờ phút giây đón giao thừa.

Như một đặc trưng riêng, những ngày giáp tết miền Bắc luôn là những ngày rét cắt da, cắt thịt. Lũ trẻ con chúng tôi là sướng nhất, không phải lo dậy sớm đi học mà có thể cuộn tròn trong chiếc chăn bông ngủ nướng. Duy chỉ có sáng 30 tết ông nội thường hay gọi tôi dậy sớm cùng lau chùi chiếc lư nhỏ bằng đồng với nhiều họa tiết cầu kỳ. Gọi là cùng ông lau chùi chứ tôi chỉ ngồi nhìn và luôn tự đặt câu hỏi sao ông nội phải dành nhiều thời gian lau từng chi tiết nhỏ như vậy. Theo lời ông nội đó là một chiếc lư cổ để lại từ đời cụ cố tôi.

Ngày đó tôi nào biết chiếc lư ấy giá trị như thế nào, gỗ trầm quý và đắt ra sao. Chỉ biết cứ đến tối 30 tết khi bố mẹ tôi đã luộc xong con gà cúng, nấu nồi xôi gấc, ông nội giục cả nhà tắm rửa với một thứ nước rất đặc trưng ngày tết là nước lá rau mùi.

Chừng 10 giờ tối khi mọi người đã quần áo chỉnh tề, cả nhà quây quần bên chiếc bàn gỗ. Ông nội mới đến chiếc tủ gỗ nhỏ đặt trang trọng trong phòng khách lấy ra chiếc lư đồng vừa được lau chùi cùng một túi be bé. Từng mảnh gỗ nhỏ được ông bỏ chậm rãi, thận trọng vào chiếc lư và đốt. Ông nội và bố trầm ngâm uống từng ngụm trà xanh nóng không ai nói một câu gì, tất cả dường như đang cố tận hưởng trọn vẹn hương thơm của trầm. Không gian im lặng nhưng lại có một sự thú vị đến lạ kỳ.

“Đốt trầm trong thời khắc này chính là thể hiện sự thành kính, tưởng nhớ đến ông bà mình” - ông nội giải thích nhẹ nhàng. Mà lạ thật, không chỉ duy trì thói quen đốt trầm vào đêm giao thừa mà ngay cả câu nói ấy cũng được ông lặp lại rất nhiều lần và năm nào cũng giống nhau.

Gần 12 giờ bố mẹ tôi xin phép ông ra chùa xin lộc và về xông nhà, ông cẩn thận mang chiếc lư đặt trên nóc tủ. Ông để đó qua đêm giao thừa và cất vào tủ tối mùng 1 tết. Tuyệt nhiên ông không đốt thêm lần nào nữa trong năm. Và tất nhiên tôi sẽ phải đợi đến thời khắc này năm sau ông mới tiếp tục đốt trầm thơm.

Thời gian cứ trôi, thói quen đốt trầm của ông vẫn như vậy nhưng ông thì già đi nhiều và tôi cũng lớn lên. Tôi bắt đầu hiểu hơn về hành động có chút tâm linh này của ông nội qua những tâm sự của bố. Bố bảo thực ra gọi là gỗ trầm nhưng cái ông hay đốt chỉ nôm na là rác trầm vì gỗ trầm đắt lắm. Nhưng dù chỉ là rác trầm nó vẫn rất thơm, vẫn được ông nội rất nâng niu.

Còn cái lư đồng nhỏ xíu ông hay tỉ mẩn lau từng góc nhỏ kia chính là một thứ đồ cổ rất có giá trị. Nó từng được nhiều tay chơi đồ cổ gạ mua nhưng ông luôn từ chối. Với ông không thể đo đếm giá trị chiếc lư ấy bằng tiền.

Những năm sau này, khi ông không còn nữa, bố tôi vẫn giữ thói quen như của ông ngày nào, cũng đốt trầm vào đúng thời khắc gần giao thừa. Cả nhà tôi vẫn ngồi quây quần bên chiếc bàn gỗ quen thuộc. Nhưng không khí không trầm lắng như xưa. Hương trầm vẫn thơm và có thể khẳng định thơm hơn rất nhiều, vì giờ bố tôi có điều kiện mua được gỗ trầm thật.

Tôi cũng đủ lớn để cảm nhận gần như trọn vẹn cái hương thơm quý giá đó. Bố vẫn giữ cái lư ấy, và trong một ngày rét ngọt nó lại được đem ra lau chùi, được sử dụng trong một khoảng thời gian ngắn ngủi và cất đi một cách thận trọng.

Hôm nay khi những ngày tết đang đến gần tôi lại thèm cái cảm giác được co ro trong chăn ấm, được cùng ông lau chùi chiếc lư nhỏ, quây quần bên chiếc bàn gỗ hào hứng xem ông đốt trầm. Nhưng thật khó vì nơi tôi đang sống lại không có mùa đông.

Chỉ có ánh nắng của mùa hè, có hoa mai ngập lối đi khi xuân về. Bất chợt len lỏi qua những con phố, vào một khu thương mại lớn tôi hỏi mua tinh dầu trầm. Chị bán hàng giới thiệu cho tôi rất nhiều tính năng tuyệt vời của tinh dầu trầm với sức khỏe và vẻ đẹp của phụ nữ. Nhưng tôi không quá bận tâm. Bởi tôi muốn tìm lại một phần ký ức ngày tết tuổi thơ.

Không có lư đồng chỉ có chiếc đèn đốt tinh dầu bằng sứ, tôi bắt đầu tận hưởng cảm giác tuyệt vời của hương trầm lan tỏa khắp căn phòng nhỏ. Những nỗi nhớ cũng vơi đi phần nào. Bất chợt chuông điện thoại reo, bố gọi. Bố hỏi tôi năm nay có về ăn tết được không? Bố mẹ rất nhớ con gái. Mọi thứ như sự sắp đặt thật tuyệt diệu. Tôi trả lời thật nhanh “Con sẽ về!”.

Và gác lại những bộn bề của công việc, tạm chia tay thành phố đầy nắng, tôi sẽ lại về với mùa đông rét ngọt của miền Bắc, với thị xã nhỏ xinh, gia đình và đặc biệt sẽ lại được cùng bố lau chùi chiếc lư đồng, tận hưởng mùi hương tuyệt diệu từ thứ gỗ mang tên gỗ trầm.

Các tin khác