Là một trong những nền kinh tế được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng giúp nền kinh tế khu vực và thế giới phục hồi nhanh hơn sau khủng hoảng, Việt Nam luôn được các nhà quan sát nước ngoài để mắt đến. ĐTTC xin trích đăng những đánh giá của các chuyên gia nước ngoài về Việt Nam trong năm qua.
Kỳ vọng hổ và rồng
Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại đáng kể trong vài năm qua do tác động của khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, nhưng giới quan sát vẫn đặt nhiều kỳ vọng. Ngay từ đầu năm (tháng 2), các nhà nghiên cứu của Đại học Oslo, Na Uy đã có bài nghiên cứu đặt vấn đề: “Việt Nam - Con rồng châu Á mới?”.
Trong đó, các tác giả thiên về khuynh hướng nhìn nhận Việt Nam như một con rồng châu Á, với “những thành tích ấn tượng về tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo trong 2 thập niên qua”. Dù vậy, các nhà nghiên cứu cũng nêu ra những khó khăn của Việt Nam, như các chương trình cải cách kinh tế vẫn còn chậm. Chính những điều này khiến họ chưa dám khẳng định Việt Nam có thực sự là con rồng mới ở châu Á hay không.
Tháng 10, vấn đề Việt Nam là con rồng châu Á lại được đem ra bàn luận trong một nghiên cứu của Bộ phận Thống kê ASEAN (ASEAN Stats). Trong nghiên cứu này, ASEAN Stats ghi nhận những thành tựu của Việt Nam: GDP gấp 4 lần so với 10 năm trước (tính đến năm 2012); tốc độ tăng GDP cao hơn các nền kinh tế lớn trong khu vực ASEAN; lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế; GDP bình quân đầu người tăng nhanh (giai đoạn 2005-2012 tăng 13,9%/năm); khoảng cách thu nhập với các nước khác không ngừng thu hẹp...
Ở phần kết luận, ASEAN Stats viết: “Báo chí quốc tế đã từng công nhận Việt Nam là một con rồng châu Á mới nhờ những thành tựu trong phát triển kinh tế, cải thiện mức sống dân cư và tốc độ giảm nghèo đói... Theo dự báo của PwC, vào năm 2025 kinh tế Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 28 thế giới với GDP theo sức mua tương đương đạt hơn 850 tỷ USD và đến năm 2050 Việt Nam sẽ đứng vào top 20 các nền kinh tế lớn trên thế giới và có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi”.
Ngoài việc được nhìn nhận như rồng, Việt Nam còn được ví như một con hổ ở châu Á. Vào tháng 2, tờ The Star của Malaysia cho rằng sự phát triển vượt bậc của nhóm các “con hổ mới” ở châu Á, gồm Indonesia, Philippines, Việt Nam và Myanmar là điểm sáng đáng chú ý được IMF và WB đánh giá cao.
Trong tháng 3, tờ Huffington Post của Canada có bài viết nhan đề “Việt Nam trở thành con hổ châu Á”. Trong đó, tác giả lý giải cho tuyên bố của mình bằng các thành tựu và thế mạnh của Việt Nam như dân số xấp xỉ 90 triệu người; giảm tỷ lệ nghèo đói từ 58% năm 1993 xuống còn 14% năm 2008; gia nhập WTO năm 2007; có người trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes; là một trong những nước có GDP tăng nhanh nhất trong thời kỳ trước khủng hoảng; chính trị ổn định...
Một nghiên cứu của FTI Consulting, Inc. - một công ty tư vấn toàn cầu - cũng nhận định Việt Nam là con hổ châu Á mới, với các lý do: ngày càng trở thành một điểm đầu tư thay thế khả thi để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc nơi nội tệ và giá nhân công ngày một đắt hơn; có thị trường cởi mở và minh bạch; tài nguyên phong phú, vị trí địa lý thuận lợi...
Điểm sáng đầu tư
Tháng 2, phúc trình của công ty kiểm toán toàn cầu PricewaterhouseCoopers về tình hình kinh tế thế giới đến năm năm 2050 cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng tăng trưởng kinh tế tốt trong dài hạn. PricewaterhouseCoopers cho rằng nên đầu tư tại Việt Nam, Malaysia, và Indonesia để làm đầu cầu bước vào 2 thị trường khổng lồ ở châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong một khuyến nghị đến các nhà đầu tư Trung Đông vào tháng 4, TS. Arno Maierbrugger, Tổng biên tập trang www.investvine.com, cho rằng tiềm năng đầu tư vào Việt Nam lâu nay vẫn bị đánh giá thấp hơn thực tế. Ông dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng đạt 5,6% trong năm 2014 và cho rằng thị trường Việt Nam hấp dẫn vì số dân trong độ tuổi lao động ngày một tăng và chi phí lao động ở mức thấp.
Tương tự, WB hồi tháng 7 cho biết có tới 57% các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp được khảo sát cho biết muốn mở rộng kinh doanh trong tương lai tại Việt Nam, là tỷ lệ cao nhất các nước trong khu vực ASEAN. WB cho rằng sức hút của Việt Nam chủ yếu nhờ chi phí lao động thấp, điều kiện dân số, vị trí địa lý thuận lợi và ổn định chính trị.
Nhìn chung, các nhà quan sát đều lạc quan về triển vọng đầu tư dài ở Việt Nam. Tháng 8, mạng tin tình báo kinh tế Stratfor của Hoa Kỳ có bài viết cho rằng sự đa dạng về FDI có thể giúp Việt Nam duy trì vị thế nền kinh tế mới nổi hấp dẫn trong khu vực có tính cạnh tranh ngày càng cao hiện nay. Theo Stratfor, những ưu thế giúp Việt Nam thu hút đầu tư là lực lượng lao động dồi dào, chi phí thấp, vị trí chiến lược và quyết tâm đổi mới của Chính phủ nhằm cải cách cơ cấu kinh tế...
Cũng với cái nhìn dài hạn, hồi tháng 11, tờ Mặt Trời 24 giờ - nhật báo kinh tế lớn nhất Italia - cho rằng bằng việc sắp sửa ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ trở thành một điểm đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Bất chấp khó khăn hậu khủng hoảng, Việt Nam |
Theo đó, bằng việc sắp sửa ký TPP, Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nếu họ tận dụng được cơ hội mở rộng các loại hình dịch vụ, đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu và thâm nhập vào thị trường mới, khai thác tiềm năng của một nguồn lực lao động dồi dào, trẻ trung và có tay nghề. Ngoài ra, Việt Nam và EU cũng sắp hoàn tất đàm phán để vào cuối năm 2014 có thể ký kết hiệp định thương mại tự do song phương.
Cũng tại Italia, hãng thông tấn hàng đầu nước này là ANSA đã gọi Việt Nam là “cánh cửa ra thị trường Đông Nam Á của các nhãn hiệu Made in Italy”. Theo hãng tin này, Việt Nam là “mảnh đất hứa của Đông Nam Á”. TPP cũng là một nhân tố khiến các nhà sản xuất ở Trung Quốc, nơi được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, cũng bỏ công xưởng ở đó để sang đầu tư tại Việt Nam. Bloomberg cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc đã chuẩn bị tốt cho việc này, bằng việc xây dựng các nhà máy tại Việt Nam, đặc biệt trong ngành may mặc.
Đặc biệt, việc sửa đổi Hiến pháp của nước ta mới đây được giới quan sát rất kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế. Ngày 6-12, trang Nhà đầu tư châu Á (Asean Investor) có bài viết cho rằng Việt Nam có thể sẽ trở thành điểm hẹn đầu tư thu hút nhất Đông Nam Á nhờ việc thông qua Hiến pháp sửa đổi.
“Những thay đổi được thiết kế để thúc đẩy Việt Nam phát triển một bầu không khí của sự đồng thuận, đoàn kết và ổn định thể chế, sẽ vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư quốc tế” - Nhà đầu tư châu Á viết.
Trang này cho rằng Hiến pháp sửa đổi của Việt Nam rõ ràng đang đưa nước ta hướng đến một nền dân chủ thực thụ và một nền kinh tế khác về cơ bản, với trọng tâm phát triển là vai trò của lĩnh vực tư nhân như một yếu tố chính và cơ bản của nền kinh tế. Nhà đầu tư châu Á đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam hoàn thành được tới 11/15 mục tiêu do Quốc hội đề ra trong năm 2013, đặc biệt là việc kiểm soát lạm phát.