Bờ cỏ xanh mướt và những nấm mồ khiêm nhường đắm chìm trong phảng phất khói hương. Những bước chân trẻ thơ chạy lăng xăng theo cha chú đi nhận tổ mộ... Sao nhớ về quê, tôi lại nhớ về những hình ảnh ấm cúng ấy?
1. Tập tục đi tảo mộ ngày xuân ở vùng quê nào ở nước ta cũng có. Nhưng mỗi quê có lề lối riêng. Quê tôi có nhiều dòng họ. Những dòng họ lớn như họ Vũ Công, họ Ngô Hữu, họ Nguyễn Văn đều chọn sáng mồng ba tết đi tảo mộ.
Họ Vũ trong làng lại có mấy dòng họ khác, như họ Vũ Công, Vũ Tự, Vũ Tiến... Đông nhất, to nhất làng là Vũ Công cũng chia ra chi trên, chi dưới. Có lẽ họ to, nên từ trước, các bậc tiền nhân đã chia thành hai chi để dễ bề tổ chức. Gia đình nhà tôi thuộc bề chi dưới nhưng đông người hơn chi trên. Xưa nay, họ Vũ vẫn phát về đường làm ăn buôn bán. Ngày trước, những người làm ăn lớn, thường tập trung ở chi trên. Những năm gần đây, chi nào cũng xuất hiện những người làm ăn buôn bán thành đạt.
Chi dưới, ngoài việc phát đường kinh doanh còn phát cả đường chữ nghĩa. Trong chi dưới, từ chục đời trước, đã có cụ Huyện, cụ Tú học hành đỗ đạt cao. Cụ học xong ra làm quan huyện, nên trong họ ngoài làng vẫn quen gọi với sự kính trọng là cụ Huyện. Cụ Tú học hành cao, không ra làm quan, mà về làng mở lớp dạy chữ và làm thơ văn ngâm ngợi sự đời. Cụ được dân làng suy tôn cụ Tú là vậy.
Mộ cụ Huyện, cụ Tú nay vẫn còn ở nghĩa địa làng. Qua mỗi thời, lại được tu bổ cho thêm phần tôn kính. Làng tôi gần đây đua nhau phong trào xây mộ với nhiều kiểu cách hoành tráng và uy nghi. Ấy nhưng phần mộ tổ, mộ bậc thượng chi và trung chi của họ tôi vẫn giữ một kiểu xây riêng. Đấy là những ngôi mộ xây gạch, trát vữa theo hình vuông, bổ trụ bốn góc, có trát mũ tường, nom giản dị mà uy nghiêm.
Ngày đi tảo mộ, con cháu phát cỏ, đắp đất chỗ khuyết, dẫy nấm đặt lên đỉnh mộ, rồi cắm hương, thắp hương. Gọi là dẫy nấm, vì nấm đất có cỏ xanh, được cuốc thành hình tròn đặt trên đỉnh mộ. Ngày tảo mộ, cứ ra ngoài nghĩa trang, nhìn ngôi mộ nào có dẫy nấm mới và cắm nhang là biết gia đình ấy, dòng họ ấy đã đi tảo mộ.
Có trường hợp ngôi mộ quá lâu đời, không có mộ chí, nên có tình trạng một ngôi mộ mà hai lần dẫy nấm và cắm hương hai lần. Trong nghĩa trang, còn có nấm mộ không thấy dẫy nấm mới và không hương khói. Đấy là phần mộ vô chủ. Mỗi lần đi tảo mộ, nhìn thấy những ngôi mộ này, lòng tôi chạnh nỗi xót xa.
Ảnh minh họa: VĂN KHÁNH |
2. Phần mộ bố mẹ tôi, ngày trước được đặt tại thửa ruộng họ ở bãi Dinh. Vì địa hình chật hẹp, thế đất không thông thoáng, chị em tôi nhờ người chọn đất, xin phép chuyển hợp táng mộ bố mẹ về thửa ruộng phần trăm ngay sau chùa làng. Làm được điều này, tâm tưởng chúng tôi thanh thản bởi đã thực hiện đúng ý nguyện cha mẹ tôi.
Làng xóm bây giờ có phong trào rầm rộ tu bổ mồ mả. Người xây mộ hình tròn, người xây hình vuông, người ốp đá đen, đá đỏ. Có người còn đắp cả hình rồng chầu phượng múa trên phần mộ ông cha mình. Mộ cha mẹ tôi, xây theo mẫu ngôi mộ tổ. Có khác chút ít là xây nhỏ hơn, không trát vữa, bắt mạch trần. Xây hình vuông, bổ bốn trụ vững chãi, uy nghiêm và giản dị.
Năm nào cũng vậy, trưa ba mươi tết, tôi ra phát cỏ, dẫy nấm mới và thắp hương khấn mời bố mẹ về nhà ăn tết. Gia cảnh tôi một chốn đôi nơi, khi ngoài Hà Nội, khi ở quê, chắc hẳn vong linh bố mẹ tôi cũng thương và thể tất cho tôi. Theo thông lệ, sáng mồng hai tết nhà tôi đi tảo mộ. Sáng mồng ba tết, cả họ đi tảo mộ đại tôn. Khi ra thắp hương mộ tổ thượng chi gần đấy, bao giờ bố con tôi cũng ra thắp hương mộ bố mẹ tôi lần nữa. Xong xuôi, tôi chạy theo dòng người về Đường Thần thắp hương mộ tổ.
Các cụ kể lại, mộ tổ họ tôi được đặt ở thế đất đắc địa. Đấy là thế đất rồng chầu, đầu ngọa sơn, chân đạp thủy. Chắc hẳn mộ tổ ở thế đất này nên dòng họ luôn làm ăn phát đạt, đa đinh và đa tài. Tôi vẫn giữ ấn tượng những ngày còn thơ bé, theo cha chú trong tộc họ đi tảo mộ. Mỗi khi đến thắp hương cúi vái tổ mộ, tôi lại có cảm giác rân rân khắp người, vừa sợ hãi, vừa linh thiêng, vừa huyền bí. Người trong họ tôi bao đời nay luôn tự hào vì có ngôi mộ tổ to nhất, uy nghi nhất làng, không ngôi mộ tổ họ nào trong làng sánh kịp.
3. Mồng ba tết năm nay, tôi đi tảo mộ họ. Khi tới thăm ngôi mộ tổ, lòng tôi chợt buồn khó tả. Ao miếu Đường Thần mà ngôi mộ tổ bao đời tạo thế đạp thủy, nay không còn. Dân làng gần đây đua nhau đập phá nhà gỗ cổ, xây nhà bê tông mới, vôi cát gạch ngói vụn đổ đầy và lấp mất ao miếu. Không chỉ vậy, họ còn đổ gạch ngói quanh ngôi mộ tổ họ tôi. Ngôi mộ tổ với bốn bức tường quây cao đường bệ ngày nào, nay bị vôi cát gạch ngói làm thấp đi. Mấy ngôi mộ nhỏ của nhà ai gần đó, cũng bị vùi lấp. Có gia đình phải xây cơi quây tròn để cố giữ lấy dấu tích phần mộ.
Ban trưởng cả thay mặt họ thắp hương làm lễ, kính cẩn đọc bản công trạng tổ tiên để nhắc nhở con cháu ghi nhớ công đức bậc tiền bối. Trong làn khói hương ngào ngạt, người bàn ra tán vào, người buồn chán thở dài, thời thế đổi thay ư? Tại người dân bừa bãi? Hay tại chính quyền địa phương làm ngơ, thiếu trách nhiệm? Thôi thì lại đổ tại thời thế - cái nguyên do rất chung chung và vô trách nhiệm ấy, đã phong tỏa mỗi một con người, mỗi xóm làng.
Tôi đứng lặng nhìn làng xóm. Những ngôi nhà bê tông mái nhọn vươn cao ngạo nghễ đâm toạc bầu trời bình yên một thuở. Cánh đồng làng bị co hẹp bởi khu công nghiệp bành trướng và những ống khói ùn ùn đùn khói. Khu nghĩa trang làng lổn nhổn những ngôi mộ cao thấp, ốp gạch men xanh đỏ lòe loẹt. Tôi thấy ngôi mộ tổ họ tôi như đang bất lực trước nhịp điệu cuộc sống xô bồ.
Cây đề cổ thụ mấy trăm tuổi, niềm tự hào của làng, bơ phờ đứng gần đấy, cành lá như đang quẫy lên những cơn phẫn nộ. Cái giếng bán nguyệt đầu làng, bao đời là nơi cấp nước ăn cho dân làng, mạch nước trong mát, ngọt lừ thuở nào nay đã cạn kiệt. Giếng nước cạn khô, như hố mắt trừng trừng nhìn con người.