1. Rất khó viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bởi lẽ cuộc đời ông, báo chí và giới nghiên cứu trong nước, nước ngoài đã viết khá sâu, làm thông tỏ nhiều ngóc ngách về bản lĩnh, tính cách của ông với khối lượng bài viết đồ sộ.
Từ góc nhìn bên này hay bên kia, tất cả đều nhìn nhận vai trò lịch sử và tôn vinh vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, vị Tổng tư lệnh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tưởng như thế đã đủ nhưng vẫn chưa đủ.
Do tuổi cao sức yếu, từ năm 2009 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhập viện điều trị. Đối với con người trường thọ hơn thế kỷ, giờ phút lìa bỏ cõi trần được tính từng ngày, âu cũng là chuyện bình thường của quy luật sinh tử. Nhưng 18 giờ 09 phút ngày 4-10-2013, khi Đại tướng vĩnh viễn ra đi, ông đã để lại nhân gian một sự kiện mới ngạc nhiên mới đến tột cùng: Từng đoàn người tự nguyện, lặng lẽ thuộc đủ mọi lứa tuổi trên cả nước nối đuôi nhau cả ngày và đêm đến thắp một nén tâm nhang đưa người về cõi vĩnh hằng.
Bài vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà lưu niệm ở quê nhà Quảng Bình. Ảnh: L.T.T |
Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 12 và 13-10-2013. Theo ý nguyện của ông và gia đình, Đại tướng được đưa về an táng tại quê hương Quảng Bình. Mộ phần Đại tướng nằm cách Đèo Ngang khoảng 4km hướng ra biển tại khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch.
Ngày tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng, suốt 50km đường đưa linh cữu Đại tướng đi qua tại Hà Nội và hơn 70km từ sân bay Quảng Bình đến Vũng Chùa, người dân sắp hàng dày đặc trên đường bày tỏ niềm kính trọng sâu sắc một người cả đời luôn đau đáu vì đất nước, Nhân dân.
Vì sao Đại tướng có sức lay động lòng người đến vậy? Với hơn 50 năm tham gia hoạt động chính trị, 30 năm là Tổng tư lệnh Quân đội, từng sống trên đỉnh cao quyền lực nhưng Võ Nguyên Giáp nói: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. Và thực tế đến khi nghỉ hưu ông vẫn canh cánh một lòng về tình hình đất nước, như các bài viết khuyến khích doanh nhân xuất khẩu, đổi mới giáo dục - đào tạo, góp ý các dự án kinh tế - xã hội...
Nhà báo kiêm sử gia Hoa Kỳ Stanley Kranow viết về ông: “Tài năng chiến lược của Tướng Giáp đã đặt ông vào ngôi đền của những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại. Sau Hồ Chí Minh, ông là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20. Ông giống như một vị thánh. Không có gì khiến ông phải chấp nhận thất bại”.
Là người trong cuộc, Võ Nguyên Giáp bình thản nhận định: “Quân đội nhân dân Việt Nam là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, có tinh thần quyết chiến rất cao, thông minh và sáng tạo. Còn vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng là giọt nước trong biển cả. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình”. Cũng vì vậy nhiều người cho rằng ông là vị tướng của Nhân dân.
2. Trên thế giới, Võ Nguyên Giáp được tôn vinh là một trong 10 vị tướng giỏi nhất thế giới mọi thời đại, cùng sánh vai với Cesar, Napoleon, Kutuzov, Giukov... Và trong 10 vị tướng này, Việt Nam có 2 vị tướng được các nhà khoa học lịch sử quân sự thế giới bầu chọn với số phiếu tuyệt đối: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người đánh thắng kẻ thù mạnh nhất thế giới thời trung đại - quân Nguyên Mông; Võ Nguyên Giáp, người đánh thắng 2 đế quốc đầu sỏ thời hiện đại Pháp và Mỹ.
Võ Nguyên Giáp có công, có đức, có tài là việc không ai phủ nhận được. Nhưng vì sao người lại chọn quê hương Quảng Bình làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng?
Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xã Lộc Thủy, |
Lịch sử công cuộc Nam tiến mở mang lãnh thổ Đại Việt kéo dài suốt mấy thế kỷ từ thời đại Lý, Trần, Lê đến các chúa Nguyễn, Quảng Bình là vùng đất gian khó nhưng đã có nhiều đóng góp lớn, để lại dấu ấn đậm nét trong trang sử hào hùng của dân tộc. Khi Lý Thái Tổ lên ngôi lập nên triều Lý, dời đô về Thăng Long, lãnh thổ của Đại Việt mới đến địa phận Bắc đèo Ngang.
Vùng đất này thường xuyên bị quân Chiêm Thành ở phía Nam quấy nhiễu, dân chúng không yên ổn làm ăn. Năm 1069, Lý Thánh Tông xuống chiếu thân chinh, chọn Lý Thường Kiệt làm nguyên soái tiên phong dẫn quân đánh vào kinh đô Chiêm Thành, bắt sống vua Chiêm là Chế Củ. Để chuộc mạng, Chế Củ dâng 3 châu là Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh cho Đại Việt. Năm 1075 Lý Thường Kiệt chiêu mộ dân chúng đến ở, lập nên vùng đất Quảng Bình của lãnh thổ Đại Việt, mở đầu trang sử mở mang bờ cõi về phương Nam.
Năm 1611 Nguyễn Hoàng sai quân đánh Chiêm Thành lấy đất đến núi Thạch Bi, đặt phủ Phú Yên. Năm 1653 chúa Thái Tông vượt núi Thạch Bi chiếm đến Phan Rang đặt dinh Thái Khương (tỉnh Khánh Hòa ngày nay). Năm 1690 chúa Anh Tông sai Cai cơ Nguyễn Hữu Hào (anh của Nguyễn Hữu Cảnh) vào Chân Lạp buộc vua Nặc Thu quy phục chúa Nguyễn. Năm 1692 Cai cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm thống binh đã đánh bại quân Chiêm, bắt được vua là Bà Tranh quy hàng. Năm 1698 Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược phía Nam, lấy xứ Đồng Nai lập dinh Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn lập dinh Phiên Trấn (Gia Định).
Công cuộc Nam tiến sau đó còn tiếp diễn cho đến khi hoàn thành công cuộc mở cõi, thống nhất gian sơn đến tận mũi Cà Mau. Như một cơ duyên, lịch sử giao cho 2 người con Quảng Bình là Nguyễn Hữu Hào và Nguyễn Hữu Cảnh lĩnh ấn tiên phong mở cõi. Cùng với Nguyễn Hữu Cảnh, người dân Quảng Bình đi về phương Nam, có mặt tại các vùng đất mới Tân An, Mỹ Tho, Rạch Gầm, vượt sông Tiền, sông Hậu xác lập cương thổ quốc gia đến tận Châu Đốc, Hà Tiên.
Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp mỗi ngày tràn ngập hương hoa |
Năm 1700 Nguyễn Hữu Cảnh mất, với quê hương cũng như những nơi ông đến mở cõi, an dân, Nhân dân đều lập đền thờ hoặc lập bài vị. Tại Quảng Bình, khu lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh nằm khiêm tốn tại Thác Ro, huyện Lệ Thủy. Người có công mở cõi và người có công thống nhất đất nước đều là những vị tướng tài kiệt xuất sản sinh nơi vùng đất gian khó Quảng Bình.
Có phải vậy nên tính cách hai vị tướng đều toát lên vẻ nhân hậu thuần phát, một lòng với đất nước non sông? Có phải vì vậy nên Nguyễn Hữu Cảnh, Võ Nguyên Giáp đều có điểm hẹn cuối đời cùng về với Nhân dân với mảnh đất Quảng Bình, nơi đã sản sinh những anh hùng có vai trò đặc biệt trong lịch sử?
3. Chúng tôi về Quảng Bình trước ngày tưởng nhớ 49 ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cơn bão số 14 vừa lướt qua nơi đây để lại khung cảnh hoang tàn, cây cối gãy đổ, nhà cửa rách nát. Bầu trời u ám, rét buốt, mưa vẫn tuôn xối xả nhưng nơi này chúng tôi vẫn chứng kiến hình ảnh quen thuộc: Hàng ngàn người từ Bắc chí Nam trật tự và lặng lẽ đổ về Vũng Chùa - Đảo Yến, đến mộ phần Đại tướng thắp một nén nhang.
Đường vào nơi an táng Đại tướng nay mọc lên cả dãy hàng quán ven lộ bán hương hoa. Khu mộ phần Đại tướng nằm lưng chừng núi Rồng tràn ngập hoa, khói hương nghi ngút do khách thập phương đến bái vọng. Trung tá Lê Tiến Hóa, Đồn phó Đồn Biên phòng Roòn - đơn vị trực tiếp được giao nhiệm vụ giữ gìn an ninh tại khu mộ, cho biết: Sau lễ an táng, hàng ngày vẫn có rất đông người dân từ khắp nơi đổ về viếng mộ Đại tướng. Mỗi ngày có đến 1.000 lượt người, cao điểm cuối tuần lên đến 6.000 người, ngày sau cơn bão 14 - ngày ít nhất, vẫn có đến 300 khách đến viếng mộ.
Sau khi đốt nén tâm nhang, chúng tôi quay ngược 100km về làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình - nơi đặt bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhà lưu niệm, nơi sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là căn nhà gỗ 3 gian lợp ngói khiêm tốn nằm cạnh khu nhà ngang lợp lá. Trong nhà không thấy các đồ vật gì quý giá ngoài các di ảnh Đại tướng trưng bày trang nghiêm.
Cụ Võ Quảng Hàm, cháu 3 đời, trưởng chi dòng họ Võ đang trông coi khu nhà lưu niệm này, cho biết căn nhà này được sửa lại cách nay đã 40 năm và giữ nguyên đến nay. Lúc tuổi già, Đại tướng có về 2 lần bằng xe lửa, ở lại quê nghe điệu hò khoan Lệ Thủy quê hương. Sau khi Đại tướng mất, gia đình lập di ảnh thờ khu gian giữa, hàng ngày vẫn có người khắp nơi đến viếng, viết sổ lưu niệm.
Người khắp mọi miền đất nước, bất chấp đường xa, |
Bên tách trà, cụ Hàm cho biết lúc sinh thời Đại tướng đã tuyên bố với họ mạc: Người ta nói một người làm quan cả họ được nhờ nhưng đối với ông - một người cộng sản - ông không hành xử thế. Các con cháu hãy cố gắng học hỏi, không nên nhờ vả ai. Những người con của Đại tướng đều như vậy, tự thân lập nghiệp, còn 3 người con ông Hàm vẫn sống ở quê, làm nhân viên bình thường tại các công ty huyện Lệ Thủy. Nay đã già ông Hàm đang thuyết phục một người con nghỉ việc cơ quan lo việc nhà, chăm sóc Nhà lưu niệm nhưng người con chưa đồng ý.
Mảnh đất Quảng Bình nằm nơi hẹp nhất theo chiều Đông - Tây của dải đất hình chữ S nước Việt. Quảng Bình có rừng, có biển với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thắng cảnh hữu tình nay đón nhận một người con nữa trở về đất Mẹ: Võ Nguyên Giáp, vị tướng nhân dân, vĩ nhân thế giới.
Có lẽ ngoài việc “hội tụ” với những người đi trước trong công cuộc mở nước, kiến quốc, phải chăng Võ Nguyên Giáp còn muốn gần gũi với mảnh đất sinh ra các đồng chí của mình: Thiếu tướng liệt sĩ Hoàng Sâm, Đội trưởng đầu tiên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; Trung tướng Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân; chỉ huy trận Điện Biên Phủ trên không (tháng 12-1972); Đại tá liệt sĩ Trần Đình Xu, Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn; Trung tướng liệt sĩ Trương Đình Thanh, Tư lệnh Quân khu 4...