Trong số Xuân dương lịch ĐTTC đã có bài tổng hợp các dự báo về kinh tế thế giới năm 2014, nên ở bài này chúng tôi chỉ trích đăng những ý kiến của một số chuyên gia nổi tiếng để cung cấp cho bạn đọc những góc nhìn khác về triển vọng năm 2014.
“Giáo sư Tận thế” lạc quan
Nhà kinh tế học Nouriel Roubini là người rất nổi tiếng với dự báo chính xác thời điểm diễn ra khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu 2007-2008. Ông cũng nổi tiếng với các phân tích có phần bi quan thái quá về những rủi ro của các nền kinh tế. Những từ ngữ ông dùng thường có màu sắc u tối, thậm chí là tuyệt vọng để dự báo về các rủi ro. Chính vì vậy, ông còn được biết đến rộng rãi với cái tên “Giáo sư Tận thế”.
Tuy nhiên, thật ngạc nhiên khi dự báo của ông về năm 2014 có phần khá sáng sủa, hay nói cách khác chỉ là… “hơi u ám”, khác hẳn phong cách thường nhật của ông. Ông dự báo cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển đều sẽ tăng nhẹ trong năm nay. Trong đó, các nền kinh tế phát triển sẽ tăng khoảng 1,9% nhờ gặt hái thành quả từ việc giảm nợ tư nhân suốt nửa thập niên qua và nhờ duy trì các chính sách tiền tệ phù hợp. Hơn nữa, ông cho rằng những cú sốc lớn cũng có xác suất thấp hơn.
Chẳng hạn, các mối đe dọa như sự sụp đổ khu vực đồng EUR, đóng cửa chính phủ hoặc cuộc chiến trần nợ tại Hoa Kỳ, Trung Quốc hạ cánh cứng, chiến tranh giữa Israel và Iran... ít có khả năng xảy ra hơn. Song Roubini cho rằng, ngoại trừ Hoa Kỳ, các nền kinh tế phát triển đều tăng trưởng “thiếu máu”, trong khi những bất ổn ở các nền kinh tế mới nổi, như nỗ lực tái cân bằng không chắc chắn ở Trung Quốc, có thể trở thành một lực cản đối với tăng trưởng toàn cầu trong những năm tiếp theo.
Cùng chia sẻ dự báo lạc quan như “Giáo sư Tận thế” là nhiều chuyên gia nổi tiếng khác như đương kim Chủ tịch FED Ben Bernanke, CEO PIMCO Mohamed El-Erian, kinh tế trưởng IHS Nariman Behravesh và nhiều người khác. Dự báo lạc quan chiếm đa số trong các dự báo về năm 2014.
Soros bi quan
Trong khi đó, nhà đầu tư “cá mập” George Soros, người luôn tìm thấy cơ hội trong những tình huống tuyệt vọng nhất, lại tỏ ra bi quan về triển vọng của nền kinh tế số 2 thế giới - Trung Quốc. Ông cho rằng mối lo lớn nhất đối với kinh tế thế giới năm nay không phải là chuyện “vách đá” tài chính Hoa Kỳ hay Eurozone sụp đổ, mà chính là những mâu thuẫn nội tại của Trung Quốc.
“Những mâu thuẫn trong các chính sách hiện tại của Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết, như việc khởi động lại các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sẽ đồng thời làm bong bóng nợ phình to theo cấp số nhân, điều đó không thể duy trì lâu hơn vài năm nữa” - Soros nói.
Theo Soros, các chính sách của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) chuyển qua mục tiêu kiểm soát nợ kể từ năm 2012, nhưng sau đó nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã lâm vào cảnh “đau khổ thật sự”. Vì vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc tái chú trọng việc thúc đẩy tăng trưởng, bằng cách lệnh cho các nhà sản xuất thép khởi động lại và các ngân hàng nới lỏng tín dụng.
Và kinh tế Trung Quốc lại khởi sắc và các lãnh đạo cũng công bố những cải tổ sâu rộng vào tháng 11. Chính những thay đổi này đã tạo ra sự cải thiện cho dự báo kinh tế toàn cầu gần đây. Nếu quá trình chuyển đổi đó thành công, nó có thể sẽ kéo theo những cải cách chính trị cũng như kinh tế. Nhưng một khi thất bại, nó sẽ làm suy yếu niềm tin đối với giới lãnh đạo của đất nước, dẫn đến áp lực lên thị trường nhà ở và các chiến lược quân sự ở nước ngoài.
Cùng chia sẻ nỗi lo về Trung Quốc như ông Soros là các chuyên gia Daniel Altman của Tạp chí Foreign Policy và Robert J. Samuelson của Washington Post. Altman cho rằng Trung Quốc có rủi ro bị vỡ bong bóng nhà ở và bong bóng nợ do hoạt động ngân hàng ngầm tạo ra, trong khi Samuelson lo ngại Trung Quốc có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ ngay trong năm 2014.
Chủ nhân Nobel Kinh tế: Nguy cơ suy thoái
1 trong 3 chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm nay, ông Eugene Fama, cho rằng thâm hụt ngân sách phình to ở cả 2 bờ Đại Tây Dương, khiến suy thoái kinh tế vẫn là một nguy cơ thực sự trong năm 2014. “Có thể đến một thời điểm khi thị trường tài chính nói không món nợ nào trên thị trường là đáng tin cậy nữa và các thị trường không thể tự cấp ngân sách cho chính mình.
Nếu có một cuộc suy thoái nữa, quy mô của nó sẽ là toàn cầu” - ông Fama nói với Reuters. Fama đánh giá thấp việc Hoa Kỳ công bố dữ liệu việc làm lạc quan hơn. Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 11 giảm xuống còn 7% từ mức 7,3% của tháng 10 và tỷ lệ tuyển dụng trên dân số cải thiện và thu nhập theo giờ cũng tăng.
“Sự phục hồi công ăn việc làm là quá tệ. Lý do duy nhất tỷ lệ thất nghiệp xuống 7% là người ta đã từ bỏ tìm kiếm việc làm” - Fama nói. Dù vậy, ông tin rằng các công ty toàn cầu nay đã hoạt động hiệu quả hơn nhiều nhờ những cải tổ trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính.
Fama chia sẻ giải Nobel trị giá 1,8 triệu USD với 3 người khác nhờ những lý thuyết về giá thị trường và bong bóng tài sản. Ông cho rằng cơ chế định giá của thị trường là hiệu quả và nó phản ánh tất cả những thông tin công khai đối với tài sản đó. Lý thuyết của Fama ngụ ý rằng người ta không thể có hệ thống tốt hơn thị trường. Ông cho biết sẽ giữ tất cả các khoản đầu tư cá nhân của mình trong các quỹ chỉ số.
Cùng chia sẻ dự báo tiêu cực về kinh tế toàn cầu năm 2014 như ông Fama là Maria Snytkova, một chuyên gia phân tích của báo Nga Pravda. Ông này cho rằng rất có thể thế giới vẫn tiếp tục chìm trong khủng hoảng vào năm nay. Lý do là EU vẫn luẩn quẩn trong khủng hoảng tài chính; Hoa Kỳ với “vách đá” tài chính và việc rút lại chương trình QE3 sẽ làm tổn hại tới các thị trường mới nổi, đặc biệt là 5 nước “Fragile Five”, gồm Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ...