Níu kéo làng nghề giấy dó

Là một trong những làng nghề giấy dó lâu đời ở xã Phong Khê (tỉnh Bắc Ninh), làng Dương Ổ xưa kia chuyên cung cấp giấy cho làng tranh Đông Hồ nay đã chuyển sang làm vàng mã, giấy tái chế. Cũng như hiện trạng chung của nhiều làng nghề truyền thống xưa ở Việt Nam, nghề làm giấy dó đang dần mai một, bị chìm vào quên lãng. Nhắc đến giấy dó giờ đây chỉ là những hoài niệm, dấu vết xưa cũ, nếu còn cũng gắn với một vài gia đình làm cầm hơi vì... nhớ nghề.

Là một trong những làng nghề giấy dó lâu đời ở xã Phong Khê (tỉnh Bắc Ninh), làng Dương Ổ xưa kia chuyên cung cấp giấy cho làng tranh Đông Hồ nay đã chuyển sang làm vàng mã, giấy tái chế. Cũng như hiện trạng chung của nhiều làng nghề truyền thống xưa ở Việt Nam, nghề làm giấy dó đang dần mai một, bị chìm vào quên lãng. Nhắc đến giấy dó giờ đây chỉ là những hoài niệm, dấu vết xưa cũ, nếu còn cũng gắn với một vài gia đình làm cầm hơi vì... nhớ nghề.

Chút hồn còn lại trong trang giấy

Khi nhiều làng nghề thủ công tại Việt Nam, trong đó có nghề làm giấy dó, đang dần bị lãng quên và mai một trong tâm thức của nhiều người Việt trẻ, nhưng với du khách nước ngoài, họ tìm thấy những giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc. Bằng đôi tay tài hoa, khéo léo, những người thợ làm nghề giấy dó ở Phong Khê đã tạo ra một loại giấy mỏng manh, dai, mát như lụa mà có thể lưu giữ đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm.

Có lẽ chính điều giản đơn đó đã thu hút Juan Carlos Delgado, một thầy giáo dạy tiếng Tây Ban Nha từ Medillin, Colombia, đến với mảnh đất nghề độc đáo này để khám phá, tận mắt tìm hiểu quy trình làm ra tờ giấy diệu kỳ mang tên giấy dó.

Một tờ giấy dó chứa đựng bao tâm huyết của người thợ, có lẽ vì thế, mà trải qua hàng ngàn năm, hàng vạn năm giấy dó vẫn bền màu theo thời gian và còn nguyên những giá trị văn hóa tinh thần, lưu giữ những vật chứng lịch sử.

Qua sự chỉ dẫn tận tình của dân làng, ông tây này tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Biểu, một trong 4 nhà còn làm giấy dó. Khoảng sân rộng được chăng dây để phơi giấy, sắc vàng những tờ giấy dó gợi lên ký ức cổ xưa về thời kỳ huy hoàng của một làng nghề.

Ông Biểu tâm sự: “Giờ đây, thay bằng nhịp chày thậm thịch của những cối đá giã dó chỉ còn tiếng máy nghiền chạy ầm ầm, khói đen sì từ những ống khói cao. Làng đang cơ giới hóa và biến đổi dần dần”.

Bên cạnh người đàn ông chừng 60 tuổi, bà Ngô Thị Thu, vợ ông, đang thoăn thoắt seo giấy (tráng giấy). Những tờ giấy vừa hoàn thành được bà xếp ngay ngắn thành từng chồng lớn. Thấy vậy, vị khách tây Juan hồ hởi, bằng chất giọng lơ lớ: “Xin chào bà, tôi là Juan. Tôi muốn được làm thử”.

Thế rồi, Juan seo đến lần thứ 6 vẫn chưa được tờ giấy hoàn chỉnh. Ông Biểu cười nói: “Trông đơn giản vậy thôi, nhưng đòi hỏi phải quen tay, nhanh nhẹn và chính xác của người thợ lâu năm mới làm được”. Bà Thu tiếp lời: “Phải làm quen từ tấm bé và mất vài ba năm tôi mới seo giấy được. Đây là công đoạn quan trọng nhất để làm ra tờ giấy dó vừa mỏng, vừa đạt chất lượng”.

Cứ thế câu chuyện nghề dần được mở ra qua những lời tâm sự của vợ chồng ông Biểu. Ông hào hứng kể, với tâm huyết người thợ có kinh nghiệm gắn bó với nghề 40 năm: “Giấy dó Phong Khê được làm từ cây dó rừng trên vùng Cao Bằng, Tuyên Quang, vùng trung du và miền núi phía Bắc. Để làm ra một tờ giấy dó kỳ công lắm, phải tỉ mẩn, kiên trì và hơn hết phải yêu nghề. Dó mua về được tước nhỏ từng sợi, ngâm nước cho mềm, đun sôi với nước vôi trong. Sau đó xơ dó được rửa sạch, nhặt hết các mấu, mắt, rồi cho vào nghiền thành bột. Bột gió không được nát quá, nếu không tờ giấy sẽ mất dẻo dai.

Sau đó, đổ bột vào bể tráng, dùng phên dồn bột vào một đầu, đầu bể còn lại để seo giấy. Giấy gió có màu ố vàng, màu tự nhiên của những thớ gỗ. Điều đặc biệt là sắc vàng không thay đổi qua hàng trăm năm. Không thể làm được thứ giấy dó trắng tinh, vì chỉ cần dùng bất kỳ hóa chất tẩy trắng nào giấy kém chất lượng, tờ giấy sẽ bị mủn và không dai nữa”.

Nỗi buồn nghề

Nếu như trước kia, cả làng nhộn nhịp tiếng chày tiếng cối giã giấy, những khoảng sân rộng ngợp màu vàng của giấy dó giờ đây chỉ là những hoài niệm.

“Làm giấy dó bây giờ chẳng có lãi. Người dân bây giờ không trồng dó nữa mà trồng keo, nguồn nguyên liệu ít nên giá thành tăng. Mỗi tờ giấy để gói hàng khổ 40x40cm như vậy có giá 2.000 đồng. Không lãi nhiều nhưng tôi cứ làm vì nhớ nghề, không làm buồn chân buồn tay. Muốn giữ cho làng một cái nghề nhưng chẳng còn mấy ai làm, tôi cũng đành chịu, thôi giữ được đến đâu thì giữ. Cố gắng làm thế nào để lớp trẻ biết đến sự tồn tại của làng nghề giấy dó Phong Khê, thế là tốt rồi” - bà Thu ngậm ngùi.

Bà Ngô Thị Thu đang seo giấy.

Bà Ngô Thị Thu đang seo giấy.

Bên cạnh đó, làng tranh Đông Hồ đã hết thời hưng thịnh, cũng là nguyên nhân dẫn tới việc sản xuất giấy dó ít hơn. Vì vậy, ngày nay chỉ còn vài gia đình cố gắng gìn giữ nghề. Trong gia đình, chỉ còn ông Biểu, bà Thu mặn mà với nghề, mấy người con đi học rồi tìm kiếm công việc khác dễ kiếm tiền hơn, không ai theo nghề gia truyền cả. Tuy vậy, chất lượng giấy dó Phong Khê vẫn giữ được những tính chất cơ bản: dai, mềm, hút ẩm nên bảo quản tốt hàng hóa.

“Loại giấy này chúng tôi sản xuất để bán sang Đài Loan, TPHCM nhưng số lượng không nhiều, mỗi đơn hàng được vài ba vạn tờ” - bà Thu kể.

Ông Biểu hồ hởi khoe: “Giấy gió chất lượng cao được dùng làm sổ sách, in bia đá ở Quốc Tử Giám để lưu giữ. Đợt trước có một ông đặt mua giấy để in hoa văn những mẫu khai quật ở 18 Hoàng Diệu. Ông ấy đã thử hết các loại giấy, kể cả mua giấy từ nước ngoài về như Nhật Bản, nhưng không ưng ý. Sau đó đến nhà tôi tìm hiểu, tôi bảo làm được. Tôi làm cho người ta in được luôn. Cái nghề này đã đi theo vợ chồng tôi từ tấm bé, ăn sâu vào máu thịt. Còn chẳng biết nó có tự bao giờ, chỉ biết rằng khi sinh ra đã nằm trên giấy dó, miếng cơm manh áo cũng từ giấy dó mà ra”.

Ngày ngày 2 vợ chồng ông vẫn rửa dó, seo, phơi và tách giấy. Công việc cứ chầm chậm trôi, nghề còn giữ đến bao lâu cả ông bà không rõ. Tình yêu nghề, yêu thứ giấy mỏng manh mà bền bỉ thách thức cùng thời gian, đến đời ông như tàn lụi. “Có lẽ, khi cây dó hết thì nghề làm giấy dó cũng chẳng còn” - câu nói của bà Ngô Thị Thu cứ ám ảnh tôi suốt chặng đường về.

Các tin khác