Hình tượng con ngựa có từ rất sớm trong văn hóa Đông-Tây. Ngựa là một trong những loài vật được con người thuần hóa và sử dụng trong đời sống hàng ngày và gắn liền với chiến tranh. Ngựa là một trong 12 con giáp của văn hóa phương Đông (ngọ), cũng nằm trong số lục súc theo quan niệm của văn hóa một số nước.
Ngựa là hình tượng đặc trưng cho phương Bắc, biểu tượng cho sự trung thành và tận tụy đồng thời là biểu tượng cho tài lộc, thành công. Hình ảnh con ngựa tung vó hý vang biểu tượng cho sự kiêu hãnh, tự do và thanh khiết.
Đối với văn hóa phương Tây, ngựa gắn liền với nhiều biểu tượng thần thoại và gắn liền với hình ảnh Nhân Mã trong 12 cung Hoàng đạo. Ngựa có dáng vẻ đẹp đẽ, mạnh mẽ, sung mãn mà thanh nhã, hiền lành, ngựa có đức tính trung thành với con người. Xuất phát từ đặc điểm tự nhiên của loài ngựa, hình tượng con ngựa luôn hiện diện với vẻ đẹp trong cách nhìn của con người phản ánh qua lăng kính văn hóa.
Theo thần thoại Hy Lạp, Pegasus là một con ngựa có cánh như chim đại bàng, là con của Thủy thần Poseidon và nàng Medusa. Khi Medusa bị người hùng Perseus chém đầu, máu từ cổ nàng phun ra thành ngựa Pegasus. Lớn lên, Pegasus trở thành ngựa bất kham, không ai trị nổi.
Lúc đó, quái thú Chimaera đầu sư tử, mình rồng thở ra lửa đang tàn phá vùng Lycia. Gặp lúc nhà vua tìm kiếm nhân tài trừ hại cho dân, chàng hiệp sĩ Bellerophon, hoàng tử xứ Corinth, đến xin đi giết quái vật và được chấp thuận, nhưng còn chưa tìm được chiến mã xứng đáng.
Theo lời chỉ dẫn của một pháp sư, trước khi lên đường, Bellerophon tới khấn tại đền thờ nữ thần Minerva (còn được gọi là Athena). Ðến đêm, nữ thần báo mộng, trao cho một sợi dây cương bằng vàng và chỉ Bellerophon chỗ thần mã đang uống nước bên dòng suối. Khi thấy sợi dây cương vàng, Pegasus tỏ lòng thần phục Bellerophon. Sau đó, Pegasus cùng Bellerophon bay lên mây, đến chỗ Chimaera đang tác oai tác quái, chém đầu con quái vật.
Ngựa thần Chollima xuất hiện trong thần thoại châu Á. Giống như loài ngựa trắng có cánh Pegasus của thần thoại Hy Lạp, Chollima trong văn hóa dân gian châu Á cũng sở hữu đôi cánh sải rộng. Nó có thể bay 400km/ngày.
Tương truyền, loài ngựa này xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Do con người thất bại trong việc thuần hóa loài ngựa siêu phàm này, chúng đã tự bay lên trời. Mãi cho đến khi sứ giả đích thân lên mời mới chịu quay về Trái đất và chấp nhận bị thuần hóa. Ngày nay, nó trở thành biểu tượng cho sức mạnh và sự phát triển kinh tế ở một số quốc gia như Triều Tiên, Hàn Quốc.
Ngựa Kan Tha Ka trong Phật giáo được miêu tả "có chiều dài 18 thước và có chiều cao tương xứng". Loài vật này có lông màu trắng. Kan Tha Ka là con ngựa yêu quý của Đức Phật Tất Đạt Đa. Khi Tất Đạt Đa quyết định trở thành nhà tu hành không muốn trở thành chiến binh như ý nguyện của vua cha, ông đã trốn khỏi cung điện của gia đình cùng chú ngựa Kan Tha Ka. Sau khi chết, Kan Tha Ka đã tái sinh thành học giả sau những hành trình tu luyện đạt được sự giác ngộ.
Tại Việt Nam, truyện cổ tích Thánh Gióng kể rằng, khi đất nước bị giặc Ân xâm phạm bờ cõi, đứa bé 3 tuổi chưa nói được bỗng dưng mở miệng, yêu cầu vua sắm một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một áo giáp sắt để phá giặc.
Sau khi sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến, chú bé vươn vai biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi nhảy lên mình ngựa. Ngựa sắt bỗng chồm lên, phun một luồng lửa đỏ rực. Thánh Gióng thúc chân, ngựa phi như bay, sải từng bước dài hàng chục con sào, rung chuyển cả trời đất.
Chỉ trong chớp mắt, ngựa đã xông đến đồn trại giặc. Roi sắt của Thánh Gióng vung lên loang loáng như chớp giật. Quân giặc xông ra chừng nào chết chừng ấy. Ngựa thét ra lửa thiêu cháy từng dãy đồn trại. Bỗng roi sắt gãy. Thánh Gióng nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ. Ðám tàn quân giẫm đạp nhau chạy trốn.
Thánh Gióng về nhà dập đầu lạy mẹ, tạ ơn công nuôi dưỡng sinh thành rồi lên đỉnh núi Sóc Sơn cưỡi ngựa bay về trời. Vua nhớ công ơn, phong là Phù Ðổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay ở quê nhà.