Tăng cường “sức khỏe” cho doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Bất chấp những bất ổn của thế giới, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn hồi phục khá ấn tượng sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường mỗi tháng còn lớn, điều này phản ánh khu vực DN (chủ yếu là tư nhân - DNTN) đang bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.
Sản xuất hàng gia dụng tại Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse (Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai). Ảnh: Nhật Nam
Sản xuất hàng gia dụng tại Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse (Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai). Ảnh: Nhật Nam
HOÀNG QUANG PHÒNG, Phó Chủ tịch VCCI:
Tăng cường “sức khỏe” cho doanh nghiệp
Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng “đáng kinh ngạc” khi đạt mức 13,7% trong quý III-2022 so với cùng kỳ năm ngoái; đồng thời nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, tăng đáng kể so với mức dự báo 5,3% đưa ra 4 tháng trước. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022, cao nhất Đông Nam Á. 
Nhưng trong bức tranh kinh tế vĩ mô ổn định đó, “sức khỏe” DN đang là vấn đề nổi lên đáng quan tâm hiện nay. Nói cách khác, dù bức tranh kinh tế có nhiều khởi sắc, song vẫn có hàng chục ngàn DN đang gặp khó khăn trước những biến động của thị trường. 
Hiện nay, cả nước có gần 900.000 DN đang hoạt động, đông về số lượng nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Thống kê cho thấy, trung bình 1 tháng có 18.100 DN  thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng cũng có đến 12.500 DN  rút lui khỏi thị trường. Như vậy, trong nền kinh tế cứ 10 DN  gia nhập mới và quay trở lại, có 7 DN  tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Đây là con số rất đáng báo động.
Sự suy giảm về “sức khỏe” của các DNTN trong nước thời gian qua là hệ quả từ sự cộng hưởng hàng loạt khó khăn cả bên trong lẫn bên ngoài. Đó là kinh tế thế giới diễn biến khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng khi áp lực lạm phát toàn cầu đè nặng, đồng USD tăng giá mạnh và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh hơn, xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới, những tác động tiêu cực từ cuộc chiến Nga - Ukraine...
Điển hình, giá cả xăng dầu, vật tư xây dựng tiềm ẩn phức tạp, chuỗi cung ứng quốc tế chậm phục hồi đã tác động mạnh đến việc kiểm soát lạm phát tại các nước, đặt ra những thách thức chưa từng có cho hoạt động của DN.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh giữa vòng xoáy khó khăn như hiện nay, DN và những người lao động là đối tượng cần được quan tâm hơn nữa. Do đó, bên cạnh các gói hỗ trợ của Nhà nước, DN cần phối hợp với các bên để có những gói an sinh xã hội cho người lao động.
Để vượt qua khó khăn khủng hoảng rủi ro, các thông tin của DN về chính sách cần kịp thời, minh bạch và rõ ràng hơn, để các cơ quan nghiên cứu có những số liệu thật về tình hình của DN. Từ đó có những phản ánh đến các cơ quan bộ ngành trung ương để có dự báo phù hợp với thực tiễn, giúp DN vượt qua sóng gió, thách thức của năm 2023.
Hiện nay, con số đóng góp của DNTN còn rất khiêm tốn, mới khoảng 9% GDP. Mục tiêu của Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt ra đến năm 2025, số DNTN đăng ký chính thức theo Luật DN sẽ có đóng góp 15% GDP và năm 2030 có đóng góp 20% của GDP cả nước. Có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp, và 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ. Đặc biệt, sự phát triển của DN cũng cần theo hướng bền vững. Mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 20% DN sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn.
Để đạt được mục tiêu đó, vấn đề tạo ra môi trường cởi mở, hỗ trợ về mặt chính sách để duy trì và bảo vệ “sức khỏe” cho DN, giữ nguồn nội lực trong cơn bão khó khăn kinh tế toàn cầu hiện nay rất quan trọng. Cụ thể, cần tiếp tục tập trung thay đổi cấu trúc kinh tế, cải cách cơ chế sao cho khối DNTN hấp thụ được nhanh nhất, tốt nhất nguồn vốn hỗ trợ. Các chính sách nói trên cần thực hiện đồng bộ và không nên chậm trễ.
TS. VŨ TIẾN LỘC, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Đẩy nhanh các gói hỗ trợ
Dù bức tranh vĩ mô khởi sắc, nhưng không ít DN đang rất khó khăn, nền kinh tế còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Tôi lấy thí dụ liên quan đến vấn đề vốn của DN. Việc triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ về gói phục hồi kinh tế dù có nhiều nỗ lực, nhưng kết quả tương đối khiêm tốn. Toàn bộ nguồn vốn dành cho gói hỗ trợ này tính đến cuối tháng 8 mới giải ngân được khoảng 20%. Hay gói hỗ trợ giảm lãi suất 2%, chỉ 1/3 gói đã được thực hiện. Nếu đẩy nhanh tiến trình, nguồn vốn này có thể là sự tiếp sức hiệu quả cho DN. 
Khó khăn nữa cho DN là trong tháng 9 NHNN điều chỉnh tăng 1%/năm lãi suất điều hành. Điều này khiến mục tiêu giảm 0,5-1% lãi suất cho vay để hỗ trợ DN trở nên khó khăn. Đó là chưa kể quy hoạch tổng thể một số ngành vẫn còn gặp vấn đề.
Thí dụ, với ngành điện, quy hoạch điện chậm, nguy cơ thiếu điện cho sản xuất kinh doanh trong thời gian tới đang hiển hiện trước mắt. Nếu muốn thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, Nhà nước cần đảm bảo quy hoạch điện năng, trong khi việc quy hoạch hiện nay còn rất lúng túng. Chúng ta cần giải quyết các vấn đề trên, từ đó mới tạo niềm tin cho cộng đồng DN, tạo điều kiện để họ có kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn, không chỉ hài lòng với những con số báo cáo đưa ra.
Thời gian qua, quá trình chống tham nhũng, đẩy mạnh xử lý DN, doanh nhân vi phạm đã trả lại sự công bằng cho môi trường kinh doanh nói chung. Tuy nhiên, vấn đề đang tồn tại hiện nay là nhiều cấp, ban ngành sợ trách nhiệm, lo cho sự an toàn của mình, nên việc giải quyết thủ tục hành chính, phê duyệt dự án cho DN hiện rất chậm trễ. Nếu muốn cải thiện tận gốc rễ việc xây dựng hệ thống pháp luật theo hướng có lợi cho người dân, DN, phải thay đổi chính cách thức làm luật. 
PGS.TS VÕ ĐẠI LƯỢC, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng:
Đừng để DNTN bào mòn sức lực
 Phải thừa nhận rằng DN trong nước vẫn chưa có sự thay đổi căn bản. Thứ nhất, các DNNN tình hình làm ăn hầu như vẫn thế, thậm chí thua lỗ. Thứ hai, khu vực DNTN là nhóm đang bị bào mòn sức lực. Họ đang chịu rất nhiều áp lực, từ phía thị trường trong nước lẫn thế giới, cả đầu vào lẫn đầu ra. DN Việt Nam chủ yếu là DNNVV, với đặc điểm là tính linh hoạt cao nhưng sức chống chịu kém.
Khi gặp khủng hoảng, thường chưa có chiến lược ứng phó và quản trị rủi ro. Con số hàng loạt DN phá sản hay tạm ngừng hoạt động gia tăng trong thời gian qua đã nói lên điều đó. Tôi cho rằng con số này sẽ chưa dừng lại mà sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Theo báo cáo về tình hình hoạt động DN của Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 5 vấn đề khó khăn hàng đầu DN đang gặp phải, bao gồm tìm kiếm khách hàng (69%), tiếp cận vốn (47%), biến động thị trường (33%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (28%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (24%). Đơn cử khó khăn về vốn. Đây là thực trạng nhiều DN gặp phải, đặc biệt là DNNVV.
Bởi điểm yếu lớn nhất của DNNVV không phải là thiếu tài sản đảm bảo, mà là kém trong quản trị dòng tiền. Các DNNVV, đặc biệt là DN mới tham gia kinh doanh, hệ thống kế toán, tài chính chưa được cập nhật thường xuyên, tính minh bạch của thông tin chưa cao. Hệ thống báo cáo tài chính chưa chuẩn chỉnh, chưa đầy đủ thông tin, hoặc thông tin chưa chính xác, gây khó khăn cho ngân hàng khi thực hiện thẩm định thông tin khách hàng.
Tóm lại, sẽ vẫn còn nhiều khó khăn tiếp tục bủa vây các DN trong quý cuối cùng của năm 2022 khi vẫn khó tiếp cận vốn vay, thiếu đơn hàng, người lao động phải nghỉ luân phiên, các tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng.

Các tin khác