Trong đó, TPHCM đang thúc đẩy chuyển đổi số từng ngày với các chương trình lớn.
TPHCM đi trước
Tháng 7-2020, TPHCM công bố Chương trình Chuyển đổi số được xây dựng dựa trên Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố. Tại buổi công bố, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên tổng hồ sơ đạt 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.
Trước đó, TPHCM phối hợp với Bộ TT-TT xây dựng chương trình chuyển đổi số cho TPHCM, xác định vai trò đi đầu trong cả nước. TPHCM cũng xác định ưu tiên phát triển thương mại điện tử, đi đầu về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Song song với đó, một số lĩnh vực sẽ được ưu tiên phát triển nhanh chóng để mang lại lợi ích cho người dân. Từ rất sớm, TPHCM đã xây dựng ứng dụng số phục vụ người dân, nhiều ứng dụng cài đặt lên thiết bị di động để người dân tiện sử dụng.
Ứng dụng số còn tác động sâu rộng đến sự phát triển của thành phố ở chiến lược chuyển đổi số. Thành phố tiếp tục hoàn thiện nền tảng xử lý dữ liệu, quy trình tích hợp, xử lý, hướng đến xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và Hệ sinh thái dữ liệu mở của thành phố. Đây có thể là những bước đi đầu tiên quan trọng và sáng tạo trong chiến lược chuyển đổi số của TPHCM. Thể hiện rõ nhất là trong lĩnh vực số hóa hộ tịch. Trong dài hạn, thành phố hướng tới những dịch vụ công cho cả hệ thống chính quyền. Đến nay, thành phố đã số hóa được khoảng 60% sổ hộ tịch, dự kiến đến tháng 6-2021 kho dữ liệu này sẽ đưa vào khai thác.
Mục tiêu phát triển doanh nghiệp số
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò nòng cốt, chịu trách nhiệm xây dựng nền tảng, dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia. Hiện nay, các tập đoàn, doanh nghiệp CNTT - viễn thông lớn của Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT, CMC, VNG… đang tham gia tích cực vào quá trình xây dựng nền tảng, hệ sinh thái chuyển đổi số của Việt Nam.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã đưa ra những sản phẩm công nghệ tương đương thế giới. Từ Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ... Vai trò và tầm quan trọng của KH-CN nói chung và công nghệ số trong cuộc chiến chống Covid-19 gần một năm qua là không thể phủ nhận.
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, đã có hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện có trên 58.000 doanh nghiệp. Đây là một con số kỷ lục, bởi lúc đầu Việt Nam chỉ nghĩ đến con số cao nhất là phát triển 6.000 doanh nghiệp/năm. Với tốc độ và cách triển khai như hiện nay, mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, “Make in Vietnam” là khẩu hiệu hành động, thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm.
Việt Nam đang hướng đến một quốc gia số trong trong tương lai. Make in Vietnam và sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần thiết, năm 2021 được dự báo là một năm phát triển mạnh mẽ của công nghệ Việt Nam. Make in Vietnam sẽ giải quyết các vấn đề công nghệ Việt Nam, góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số cũng như tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững. Trong con đường này, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; từ ứng dụng đến sản phẩm, dịch vụ đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó vươn ra thị trường toàn cầu.