Chính phủ quyết tâm
Với tầm quan trọng của dự án giao thông trọng điểm cho khu vực phía Nam, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án đường Vành đai 3 TPHCM 75.378 tỷ đồng, Chính phủ quyết định triển khai dự án này với tinh thần bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Dự án chia thành 8 dự án thành phần, thực hiện theo hình thức đầu tư công, đi qua địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TPHCM, trong đó có 4 dự án thành phần bồi thường hỗ trợ tái định cư. Mỗi dự án là 1 dự án thu hồi đất trên địa bàn của 1 tỉnh, không phải là dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, quy định tại Khoản 1 Điều 87 Luật Đất đai năm 2013.
Chủ tịch UBND các tỉnh, TP gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư các dự án thành phần. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A, theo quy định pháp luật về đầu tư công.
Việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo các dự án thành phần.
Chủ tịch UBND các tỉnh, TP gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và người có thẩm quyền, được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết 57/2022/QH15 được Quốc hội thông qua. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Nghị quyết 105/NQ-CP cũng nêu cụ thể dự kiến tiến độ, kế hoạch triển khai, hoàn thành các thủ tục cần thiết để tổ chức thi công từ 30-6-2023, hoàn thành 30-6-2026. Chính phủ cho phép UBND 4 tỉnh, TP trên triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Việc trao quyền cho lãnh đạo tỉnh thực hiện các thủ tục triển khai dự án sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ vướng mắc để triển khai khi phải lấy ý kiến, xin phê duyệt ở nhiều cấp. Tuy nhiên, nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu các bộ ngành liên quan phải giám sát và phối hợp các địa phương, giải quyết vướng mắc thực hiện dự án.
Địa phương vào cuộc
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thời gian triển khai và hoàn thành dự án đường Vành đai 3 khoảng 3,5 năm. TPHCM ở vùng đô thị hóa rất cao, việc giải phóng mặt bằng rất khó khăn, chưa nói dự án đi qua 4 địa phương, nếu không chủ động, không chuẩn bị kỹ, tiến độ dự án sẽ bị ảnh hưởng.
Để công việc không bị gián đoạn do công tác thay đổi nhân sự, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu các cấp TP, quận huyện và phường xã cố gắng cố định nhân sự tham gia các tổ chức từ đầu đến cuối dự án. Chỉ trong trường hợp bất khả kháng mới thay đổi để cán bộ tham gia dự án nắm và triển khai công việc một cách xuyên suốt. TPHCM đặt mục tiêu trong vòng gần 1 năm phải hoàn thành và bàn giao ít nhất 70% mặt bằng để khởi công vào tháng 6-2023.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, cho biết thêm khi dự án khả thi được duyệt hầu như công tác khảo sát, kiểm đếm, đo vẽ đã được thực hiện. Công việc này rút ngắn được hơn phân nửa thời gian theo thông lệ trước đây. Đây là bước mới, 1 trong 4 cơ chế đặc biệt Quốc hội đã cho phép áp dụng cho dự án đường Vành đai 3.
Còn chuyên gia đô thị học Nguyễn Minh Hòa cho rằng, đường Vành đai 3 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hình thành nên mạng lưới giao thông huyết mạch của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngay khi khép kín, tuyến đường này sẽ thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh với nhau, thúc đẩy kinh tế toàn diện cho các vùng và là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư tới những dự án liền kề đường Vành đai 3.
Cụ thể, đường Vành đai 3 sẽ tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất đai nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại. Bên cạnh đó rút ngắn thời gian đi lại từ TPHCM đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, các tỉnh Tây Nam bộ tới khu vực phía Bắc và ngược lại.
Dự án hoàn thành, đi vào sử dụng còn giúp kết nối khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp tới vùng cốt lõi của khu vực Đông Nam bộ; giúp đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, mở ra hướng phát triển đô thị mới của khu vực TPHCM và các TP vệ tinh. Không chỉ vậy, tuyến Vành đai 3 còn tăng cường cơ hội và khả năng hợp tác đầu tư giữa các tỉnh vùng Đông Nam bộ…
Ngay sau khi Quốc hội thông qua, TPHCM cùng các địa phương đã thống nhất quy chế phối hợp và tham mưu nghị quyết để trình Chính phủ nghị quyết triển khai dự án. Hiện HĐND tỉnh Bình Dương đã đồng ý với chủ trương cam kết bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh đủ 50% trong tổng mức đầu tư dự án thành phần qua địa bàn tỉnh.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh sẽ tích cực phối hợp với TPHCM, nhất là đơn vị tư vấn của bộ, ngành để phối hợp một cách đồng bộ nhất, đúng trình tự thủ tục để triển khai nhanh dự án.
“Nếu chúng ta không phối hợp tốt sẽ vướng rất nhiều thứ trong tiến độ thực hiện từng đoạn, từng tỉnh khác nhau” - ông Dũng nói. Về phía tỉnh Long An, ngay trong tháng 7, Sở GTVT tỉnh đã bàn giao cột mốc trên thực địa cho huyện Bến Lức lập dự án giải phóng mặt bằng. Từ nay đến cuối năm, tỉnh Long An sẽ hoàn chỉnh thủ tục giải phóng mặt bằng để trình phê duyệt.