TS. VŨ VIẾT NGOẠN, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ:
Mô hình cũ hết dư địa phát triển
Giai đoạn 2021-2030 có vai trò rất quan trọng, quyết định Việt Nam có vượt bẫy thu nhập trung bình hay không. Bởi đây là giai đoạn được xác định bứt phá, dự tính tốc độ tăng trưởng GDP bình quân phải đạt 7-7,5%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân 6,3% của giai đoạn 2011-2020.
Do vậy áp lực đặt ra rất lớn vì mô hình tăng trưởng cũ dựa vào các lợi thế so sánh từ thâm dụng lao động, sản xuất và xuất khẩu hàng công nghiệp chế tạo đang đến ngưỡng.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, làm nên sự khác biệt giữa các quốc gia thành công và không thành công là năng suất tổng hợp (TFP). Các nền kinh tế mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình có TFP trung bình 0,4%, trong khi TFP của các nền kinh tế vượt bẫy thành công lên tới 1,2%.
TFP của Việt Nam hiện nay rất thấp, muốn thành công trong giai đoạn 2021-2045, TFP của Việt Nam phải tăng 2,67%. Điều này cho thấy đã đến lúc cần có sự thay đổi trong mô hình tăng trưởng, gắn với tái cơ cấu lại các nguồn lực kinh tế, nếu không Việt Nam sẽ bị kẹt trong bẫy thu nhập trung bình do chậm chuyển đổi sang mô hình mới.
TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):
Động lực từ cách mạng 4.0
Việt Nam cần có nhiều nỗ lực cải cách mạnh mẽ, bao gồm những thay đổi sao cho có được thể chế tốt hơn, với các chính sách vĩ mô ổn định và hệ thống luật chơi công bằng hơn. Khu vực DNNN phải cải tổ theo hướng giảm bớt ưu đãi và buộc phải hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, cần khuyến khích và tạo thêm dư địa cho khu vực tư nhân phát triển. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp GDP Việt Nam năm 2030 tăng 28,5-62,1 tỷ USD (tương đương 7-16% GDP), tùy theo kịch bản cao - thấp. GDP bình quân đầu người sẽ tăng 315-640 USD/người nhờ tăng năng suất và tạo ra 1,3-3 triệu việc làm mới. Tuy nhiên, lực đỡ cho những nền tảng này phát triển lại đang thiếu ở Việt Nam.
Nguyên nhân do thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam nhìn chung chưa phù hợp với đổi mới sáng tạo. Do đó, Việt Nam cần có các trung tâm đổi mới sáng tạo chất lượng cao, quy mô lớn để nuôi dưỡng và phát triển startup.
Quan trọng hơn, Chính phủ cần trao cho họ thể chế vượt trội hoàn toàn để tự do sáng tạo, không bị ràng buộc bởi thủ tục hành chính hay những quy định hiện hành.
TS. BÙI QUANG TUẤN, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (VIE):
Nhìn thẳng và sửa chữa sai lầm
Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, khi đi vào chiều sâu của chất lượng tăng trưởng lại bộc lộ nhiều vấn đề. Khi phân tích các động lực tăng trưởng trong giai đoạn 2011-2018, có thể thấy một thực tế là kinh tế vẫn đang tăng trưởng dựa nhiều vào thâm dụng vốn và lao động, chiếm khoảng 60%. Trong khi đó, đóng góp của TFP có chiều hướng đi ngang và giảm trong những năm gần đây. Một phần nguyên nhân do chi phí đầu tư cho khoa học công nghệ tính trên GDP của Việt Nam liên tục giảm. Trong vòng 10 năm (2006-2016), chi phí đầu tư cho khoa học công nghệ giảm từ 0,51% xuống 0,39% GDP.
So với các nước trong khu vực, tỷ lệ này của Việt Nam ở nhóm cuối bảng. Thái Lan, Singapore năm 2014-2015 chi cho khoa học công nghệ 1,3-3,1% GDP. Nên để tìm ra được mô hình tăng trưởng phù hợp, trước hết phải chỉ ra được những điểm bất hợp lý trong mô hình cũ.
Ông OUSMANE DIONE, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:
Cần thoát bẫy thu nhập trung bình
Nếu Việt Nam muốn tránh được bẫy thu nhập trung bình phải duy trì được mức tăng trưởng 7-7,5% hàng năm trong giai đoạn 2021-2030, cao hơn so với mức trung bình 6,3% trong 10 năm qua. Bởi lẽ, mô hình tăng trưởng thâm dụng lao động, dựa trên xuất khẩu Việt Nam theo đuổi giai đoạn 2011-2020 đã trở nên lỗi thời trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và các yếu tố mới khác, như các chuỗi giá trị toàn cầu đã phát triển gần hoàn thiện, tình trạng thoát công nghiệp hóa sớm và ngành dịch vụ ngày càng có vai trò lớn hơn.
Hiện nay, Việt Nam phải đối mặt với những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm dân số già hóa nhanh, tác động của tích lũy nhân tố giảm, cũng như chi phí môi trường ngày càng lớn trong quá trình phát triển.
Để giảm nhẹ các rủi ro này và tận dụng triệt để cơ hội mới, Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách tập trung nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo, coi đây là những động lực tăng trưởng chủ yếu trong thập niên tới.
PGS.TS NGUYỄN ĐỨC THÀNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR):
Cải thiện môi trường thể chế
Ở tầm ngắn hạn, động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 dựa trên nền tảng đã có từ các năm trước, là chu kỳ kinh tế vẫn đang tiếp tục hồi phục. Bên cạnh đó, những nỗ lực từ khu vực DN và sự cải cách của Chính phủ cũng sẽ tạo động lực cho nền kinh tế. Song ở tầm trung và dài hạn, để tăng trưởng bền vững không hề dễ. Con đường trở thành “con hổ châu Á” sẽ không bằng phẳng, đòi hỏi sự nỗ lực và dám chấp nhận thay đổi trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chuyển động nhanh trong cách mạng 4.0 với nhiều thách thức, biến động. Một mô hình tăng trưởng bền vững cần phải phù hợp và sát với thực tế hơn.
Thí dụ, khi đặt ra mức tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 từ 7-7,5%, đây là mức tăng trưởng cao và phải rất khó khăn để đạt được. Để cơ hội trở thành hiện thực đòi hỏi rất nhiều ở việc cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước.