Tăng trưởng tín dụng có hỗ trợ tăng trưởng kinh tế?

(ĐTTCO) - Kết thúc năm 2024, tín dụng đã vượt mục tiêu đề ra cho cả năm nhờ sự bứt phá nhu cầu vay vốn trong tháng 11 và tháng 12. Điều này có phần giống diễn biến cuối năm 2023.

Tăng trưởng tín dụng có hỗ trợ tăng trưởng kinh tế?

Bước sang năm 2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) cao với mức định hướng 16%, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Nhưng có ý kiến cho rằng, tín dụng không còn mối quan hệ tuyến tính với tăng trưởng kinh tế, và không nên đẩy tín dụng bằng mọi giá.

Tín dụng bứt phá cuối năm

Theo số liệu của NHNN, tính đến 31-12-2024, tín dụng đã tăng 15,08%. Con số này đã vượt mục tiêu định hướng 15% đặt ra từ đầu năm. Trong năm 2024, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống lên mức 15,6 triệu tỷ đồng (cuối năm 2023 là 13,6 triệu tỷ đồng). Như vậy, trong năm 2024 hệ thống NH đã bơm thêm 2,1 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế.

NHNN đánh giá đây là con số không nhỏ so quy mô nền kinh tế. Nguyên nhân nhu cầu vốn năm 2024 tăng hơn năm 2023 là do tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) khởi sắc hơn, nhờ Quốc hội và Chính phủ có những cơ chế, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn; chính sách tiền tệ, thương mại các nước nới lỏng hơn, giảm bớt căng thẳng về tác động lên nền kinh tế - tài chính Việt Nam; xuất nhập khẩu rộng mở tạo thuận lợi về điều hành chính sách ngoại tệ, tỷ giá, dòng vốn…

Đối với năm 2025, NHNN ban đầu đặt mục tiêu định hướng TTTD tăng 15% và sau đó nâng lên mức 16%. Theo đó vào cuối tháng 12, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo về nguyên tắc giao TTTD năm 2025 để các NH chủ động triển khai thực hiện.

Mức giao chỉ tiêu TTTD đối với các NH căn cứ kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung), nhân với hệ số áp dụng chung cho các NH. Nếu đạt được mục tiêu 16% trong năm nay, dự kiến sẽ có thêm khoảng 2,5 triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế, nâng tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống có thể sẽ đạt khoảng 18,1 triệu tỷ đồng vào cuối năm.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, mức TTTD 16% chỉ là mục tiêu định hướng NHNN đề ra. Tùy vào tình hình thực tế, NHNN có thể điều chỉnh cao hơn hoặc thấp hơn, vì mục tiêu cao nhất trong điều hành tín dụng là phải ổn định giá trị đồng tiền, ổn định tỷ giá và hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế. NHNN sẵn sàng mở thêm room nếu khả năng hấp thụ vốn tốt hơn, DN tiếp cận được vốn.

Tăng trưởng GDP không nên chỉ dựa vào tín dụng

Trong báo cáo phát hành gần đây, nhiều dự báo lạc quan về việc TTTD năm 2025 cũng đã xuất hiện. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcombank, tốc độ TTTD duy trì đà tăng trưởng khả quan trong năm 2025 nhờ 3 động lực chính.

Thứ nhất, mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn. Thứ hai, tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng, trong khi cho vay mua nhà cũng có dấu hiệu hồi phục khả quan.

Thứ ba, tín dụng bán buôn duy trì ổn định nhờ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và thị trường bất động sản tiếp đà hồi phục, kéo theo TTTD các phân khúc cho vay DN bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, ngành NH cũng xác định trách nhiệm nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ (GDP tăng ít nhất 8%). Về tăng trưởng GDP, Quốc hội đặt mục tiêu là 6,5-7%, nhưng Chính phủ đặt mục tiêu tối thiểu 8%.

Trước đó tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 11-11-2024, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã nhắc đến việc nền kinh tế cân nhắc các nguồn vốn khác ngoài NH. Vì thực tế nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào tín dụng của hệ thống NH, chỉ số dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện đã chiếm hơn 120% GDP.

Thống đốc cho rằng hiện có rất nhiều nguồn vốn cho DN và người dân như nguồn vốn tự có, nguồn vốn vay NH, nguồn vốn thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp của nước ngoài, nguồn vốn vay nợ, hiện đã có cơ chế DN đi vay vốn nước ngoài, có khả năng tự vay - tự trả cũng có khuôn khổ pháp lý…, DN và người dân cần cân nhắc tiếp cận các nguồn vốn phù hợp.

Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, thời gian qua không chỉ DN nhỏ và vừa, mà ngay cả các DN trung bình cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Tín dụng trên đầu người cao hơn nhiều so với GDP bình quân đầu người.

Điều này đồng nghĩa với việc thiếu liên kết giữa TTTD và tăng trưởng GDP. Một nền kinh tế phát triển không thể dựa mãi vào NH mà phải cải thiện thị trường tài chính một cách toàn diện; phải phát triển những thị trường vốn then chốt khác, trong đó có thị trường trái phiếu và chứng khoán.

Trao đổi với ĐTTC, một chuyên gia kinh tế nhận định, tăng trưởng kinh tế sẽ có nhiều yếu tố tác động chứ không chỉ nhờ bơm tiền, tăng cung tiền. Nhìn lại năm 2024, cứ cuối mỗi quý, tín dụng lại tăng đột biến nhưng qua đầu quý tiếp theo sau lại giảm. Tăng trưởng tăng đột biến kèm theo đó là tiền gửi cũng tăng đột biến.

Vấn đề đó đặt ra câu hỏi phải chăng tình trạng cho vay ảo để vẫn hoàn thành chỉ tiêu tín dụng đang diễn ra? Nếu như vậy, tiền chỉ chạy lòng vòng trong NH thay vì được bơm ra nền kinh tế để phục vụ tăng trưởng.

Cùng vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM phân tích, trong bối cảnh hiện nay cũng không nhất thiết phải TTTD bằng mọi giá để đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Vì số liệu những năm gần đây cho thấy, TTTD và tăng trưởng kinh tế không còn là mối quan hệ tuyến tính.

Chỉ cần lượng tín dụng được bơm ra chảy vào nền kinh tế sẽ tạo ra giá trị gia tăng tốt hơn, một đồng vốn sẽ tạo ra nhiều đồng tăng trưởng hơn so với việc bơm vốn ồ ạt để vốn chảy vào những khu vực mang tính chất đầu cơ hoặc cho vay để chạy chỉ tiêu. Ngược lại, nếu TTTD bằng mọi giá có thể dẫn đến hệ luỵ nợ xấu, bong bóng tài chính, bong bóng bất động sản, sau này giải quyết càng khó khăn hơn. TTTD nên hướng tới tính bền vững.

Nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc lớn vào NH. Trong khi đó, sức khỏe ngành NH lại đang có nhiều tín hiệu báo động khi rủi ro nợ xấu tăng cao. Một kênh huy động vốn trung và dài hạn là thị trường trái phiếu DN lại chỉ có sự tham gia chủ yếu của các tổ chức tín dụng và DN bất động sản.

Các tin khác