Cụ thể, dự toán tổng mức vay của ngân sách nhà nước (NSNN) là 608.569 tỷ đồng, quyết toán là 455.927 tỷ đồng, giảm 152.642 tỷ đồng (tương đương 25,1%) so với dự toán.
Đối với vay trong nước qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), kế hoạch phát hành TPCP đầu năm là 373.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, căn cứ dự kiến tình hình thu, chi và giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm 49.000 tỷ đồng, xuống còn 324.000 tỷ đồng. Thực tế thực hiện là 318.213 tỷ đồng/324.000 tỷ đồng kế hoạch.
Kỳ hạn TPCP có xu hướng tăng lên giúp NSNN tránh được rủi ro khi phải bố trí nguồn trả nợ trong ngắn hạn. Ảnh minh họa |
Về kỳ hạn, TPCP phát hành trong năm đều từ 5 năm trở lên (chiếm 92% khối lượng phát hành). Kỳ hạn phát hành bình quân TPCP là 13,92 năm. Danh mục nợ TPCP có thời gian đáo hạn bình quân là 9,27 năm, giúp NSNN tránh được rủi ro khi phải bố trí nguồn trả nợ trong ngắn hạn. Về lãi suất, TPCP bình quân năm 2021 là 2,3%/năm, thấp hơn mức bình quân của các năm trước.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, TPCP phát hành trong nước đã ngày càng trở thành nguồn vốn vay quan trọng và chủ yếu của ngân sách Trung ương, qua đó giúp đáp ứng nhu cầu trả nợ gốc vay trong và ngoài nước, đồng thời có nguồn vốn để chi cho đầu tư phát triển.