(ĐTTCO) - Để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải đảm bảo việc tổ chức thanh kiểm tra về tài chính, thuế đối với DN 1 năm/1 lần, không trùng lắp, chồng chéo.
Thủ tướng yêu cầu việc thanh kiểm tra, kiểm toán phải công khai trước cho DN biết, trừ trường hợp đặc biệt phát hiện DN vi phạm phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Đây là cơ sở tạo tiền đề cho DN hoạt động thông thoáng hơn.
DN là động lực phát triển kinh tế
VCCI sẽ sát cánh cùng chính quyền địa phương trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển DN, cải cách, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến cộng đồng DN thông qua hiệp hội DN; chuyển giao các dịch vụ công cho các hiệp hội DN… nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Nếu làm được xem như sẽ thực hiện đúng nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết 35 là sát cánh với địa phương để cải thiện môi trường kinh doanh. TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI |
Xuất phát từ phản ánh của nhiều DN, hiện có tình trạng các cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương tổ chức lập đoàn thanh tra, kiểm tra với mật độ khá dày đặc tới các DN. Thậm chí, có không ít trường hợp đoàn thanh tra này vừa xong hôm sau đã có đoàn của cơ quan khác đến với nội dung kiểm tra chồng chéo, tương tự. Chính điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian, kinh phí tiếp đón cũng như làm giảm hiệu quả, năng suất lao động của DN. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của DN, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan theo dõi, giám sát việc thực hiện chỉ đạo này của Thủ tướng. Khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không được lập lại những vấn đề, nội dung mà các cơ quan có thẩm quyền đã kết luận, xử lý trước đó và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của mình.
Trước đó, tại cuộc họp triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết: “Nghị quyết nhấn mạnh rõ mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu DN, như vậy trong 4 năm tới phải tăng hơn 400.000 DN. Hàng năm có khoảng 30-35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó khu vực DN tư nhân đóng góp khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Do đó để đảm bảo đạt mục tiêu trên, Nghị quyết 35 nêu 10 nguyên tắc, trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do, coi DN là đối tượng phục vụ, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả DN… Một nguyên tắc hết sức quan trọng nghị quyết nêu rõ là không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm. Nếu thực hiện được các nguyên tắc này chắc chắn sẽ tạo môi trường bình đẳng, DN yên tâm làm ăn”.
Điểm đặc biệt là lần đầu tiên nghị quyết của Chính phủ nhấn mạnh quan điểm coi DN tư nhân là động lực phát triển kinh tế. Và nghị quyết có đến 4 lần nhắc đến việc không hình sự hóa quan hệ kinh tế. Ngoài ra, Chính phủ cũng giao bộ ngành, địa phương phải thực hiện các nhiệm vụ gồm cải cách hành chính; tạo môi trường thuận lợi cho DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đảm bảo quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; giảm chi phí kinh doanh cho DN; bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của DN.
Giám sát gian lận thương mại, trốn thuế
Nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế, Bộ Tài chính yêu cầu sở tài chính các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra tài chính năm 2017. Theo đó, kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính phải bám sát nhiệm vụ của ngành tài chính, của địa phương, đơn vị; đồng thời phải gắn với việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.
Theo hướng dẫn kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2017 của Bộ Tài chính, nhiều loại hình DN sẽ nằm trong diện thanh tra, kiểm tra như: loại hình DN có rủi ro thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) lớn, các DN hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, nợ đọng thuế lớn; các DN kinh doanh bất động sản, DN phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án; các DN đầu tư nước ngoài có dấu hiệu “chuyển giá”; các DN nhập khẩu các mặt hàng có thuế suất cao, giá cả không ổn định, nhập khẩu hàng tiêu dùng, hàng để sản xuất hàng xuất khẩu, gia công cho thương nhân nước ngoài. Đồng thời, các DN có hoàn thuế lớn, hoàn thuế bất thường, các DN hoàn thuế hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền, các DN có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp sẽ là đối tượng được tăng cường thanh tra, kiểm tra trong năm tới. Bộ Tài chính cũng khẳng định, thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào NSNN.
Song song đó, công tác thanh tra hành chính, kiểm tra nội bộ phải được tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, quy chế công tác nhằm chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm kỷ cương, kỷ luật của ngành. Qua đó, rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy trình nghiệp vụ, các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu hoặc chưa phù hợp, góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính.
Ngoài ra, Bộ Tài chính yêu cầu sở tài chính các tỉnh, thành phố chú trọng xây dựng kế hoạch thanh tra các chuyên đề diện rộng và chuyên sâu… Từ đó, tổng kết, đánh giá công tác quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí để có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách và chấn chỉnh quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí.