Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa trải qua một năm phát triển sôi động với hàng loạt phi vụ phát hành, quy mô thị trường ngày càng tăng và dần trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của trái phiếu doanh nghiệp cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cần khắc phục sớm để thị trường này có thể phát triển lành mạnh và bền vững trong thời gian tới.
Tăng trưởng ấn tượng
Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, trong năm 2019, có 211 doanh nghiệp thực hiện chào bán tổng cộng 300.588 tỷ đồng trái phiếu, chia làm 807 đợt phát hành trong đó có 12 đợt phát hành không thành công.
Tổng số trái phiếu phát hành cả năm đạt 280.141 tỷ đồng, tương đương 93,2% giá trị chào bán và tăng 25% so với năm 2018.
Thống kê của SSI cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp phát hành dưới hình thức riêng lẻ, chỉ có khoảng 6% phát hành ra công chúng bởi các ngân hàng thương mại.
Lượng phát hành lớn trong năm đã khiến quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh từ 9,01% GDP (2018) lên khoảng 11,3% GDP (2019), tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành đạt gần 670.000 tỷ đồng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Lý giải nguyên nhân thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên hấp dẫn, sôi động trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Kỹ thương cho rằng, đó là do khả năng cho vay trung và dài hạn tại các ngân hàng đang bị hạn chế. Các ngân hàng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Thêm vào đó, một số ngân hàng lớn cũng dịch chuyển theo chiến lược chuyển dần việc cho vay trung và dài hạn sang cho vay vốn lưu động ngắn hạn. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc huy động vốn dài hạn cho đầu tư dài hạn, buộc doanh nghiệp phải tìm hướng đi mới, huy động vốn từ kênh phát hành trái phiếu.
Đặc biệt, đầu tháng 2/2019, Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực được xem là có những quy định mới nới lỏng hơn về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Nhiều trường hợp gọi vốn thành công cho doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp chưa niêm yết), đã góp phần mở ra một “chương mới” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam.
Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Lê Tiến Đông, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Chứng khoán, Tập đoàn Hà Đô cho rằng, sở dĩ trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ trong thời gian gần đây là nhờ linh hoạt hơn cho người sử dụng vốn.
Theo ông Đông, thông thường, các tín dụng dài hạn từ ngân hàng chỉ được ân hạn 1 năm, sau đó sẽ phải trả dần cả gốc và lãi theo kỳ hạn quy định trước (thường là trả hàng tháng). Trong khi đó, với trái phiếu doanh nghiệp, chỉ cần trả lãi trái phiếu định kỳ, khoản gốc sẽ được tất toán vào cuối kỳ hạn.
Bên cạnh đó, trái phiếu doanh nghiệp không bị ràng buộc bởi hạn mức của ngân hàng như khi vay tín dụng. Mục đích sử dụng vốn lại tương đối rộng mở hơn và tài sản đảm bảo cũng đa dạng hơn. Người mua trái phiếu được hưởng mức lợi suất có thể cao hơn mức lãi suất gửi ngân hàng, nhưng về phía doanh nghiệp, chi phí này cao hơn không nhiều, thậm chí có trường hợp thấp hơn so với chi phí vay vốn từ ngân hàng.
Hướng tới minh bạch thị trường
Theo các chuyên gia, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là xu hướng tất yếu và phù hợp để tạo sự cân bằng và nâng cao chất lượng thị trường tài chính. Tuy nhiên, đây vẫn là kênh đầu tư khá mới mẻ tại Việt Nam, sự phát triển nhanh giai đoạn vừa qua tiềm ẩn những rủi ro nhất định.
Thống kê của SSI cho thấy, trong tổng số 211 doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng, có 129 doanh nghiệp chưa niêm yết, do đó chất lượng thông tin và trách nhiệm công bố thông tin còn tương đối hạn chế.
Thậm chí, một số doanh nghiệp đã chia nhỏ các đợt phát hành để chào bán riêng lẻ để không phải thực hiện các nghĩa vụ về công bố thông tin. Thông tin công bố lại thiếu chi tiết về mục đích sử dụng vốn trái phiếu, tình hình tài chính của doanh nghiệp trước và dự kiến sau phát hành...
Trong khi đó, thị trường lại ghi nhận sự tham gia ngày càng tích cực của các nhà đầu tư cá nhân. Trong năm 2019, mặc dù các nhà đầu tư cá nhân chỉ mua 9,64% tổng lượng phát hành toàn thị trường, tuy nhiên giá trị đầu tư thực tế sẽ lớn hơn, do có một số trái phiếu được phát hành riêng lẻ sơ cấp sau đó được phân phối lại cho nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thứ cấp.
Các chuyên gia của SSI cho rằng, mặc dù tham gia ngày một nhiều, song nhà đầu tư cá nhân thường bị hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin cũng như kinh nghiệm đầu tư, cơ chế bảo vệ nhóm đầu tư này chưa thực sự hoàn chỉnh. Đây là một rủi ro cho không chỉ người tham gia đầu tư mà cho cả sự ổn định của thị trường.
Trong báo cáo tháng 12/2019 với chủ đề Bước chuyển về tài chính của Ngân hàng thế giới (WB), bên cạnh việc nhấn mạnh tầm quan trọng của trái phiếu doanh nghiệp trong quá trình phát triển nguồn tài chính dài hạn qua thị trường vốn ở Việt Nam, WB cũng khuyến nghị cần cải thiện chất lượng công bố thông tin để thị trường phát triển lành mạnh hơn.
Theo các chuyên gia của WB, từ trước đến nay, mức độ tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế, một phần do thiếu công khai và minh bạch thông tin với các nhà đầu tư tiềm năng, một phần do thiếu phân tích có chất lượng đủ cao.
Do vậy, các cơ quan quản lý cần cải thiện vấn đề quản trị và công bố thông tin để thúc đẩy thị trường này phát triển bền vững. Các tổ chức đánh giá định mức tín nhiệm có vai trò đảm bảo thị trường tài chính vận hành thỏa đáng để có thể định mức tín nhiệm và định giá trái phiếu phát hành.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, dù trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển tích cực và đột phá trong năm 2019, tuy nhiên cũng cần định hướng và quản lý để thị trường này phát triển lành mạnh hơn trong thời gian tới.
Theo Tiến sĩ Lực, trước hết, cần hoàn thiện thể chế, đặc biệt là rà soát lại Nghị định 163 để sửa đổi theo hướng vừa tạo điều kiện thuận lợi nhưng cũng giảm thiểu rủi ro đối với thị trường này. Đồng thời, nên giao quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm đầu mối quản lý, giám sát tổng thể cho đúng chuyên môn, mang tính chuyên nghiệp, thay vì có sự tham gia của Bộ Kế hoạch Đầu tư như hiện nay.
“Cuối cùng là phải kiểm soát vấn đề lãi suất, mặt bằng lãi suất phải hợp lý. Đồng ý trái phiếu doanh nghiệp có thể rủi ro hơn so với ngân hàng cho vay thương mại thông thường, nhưng lãi suất không thể ở mức gấp đôi lãi suất tiết kiệm. Nếu không “tuýt còi”, mặt bằng lãi suất sẽ bị phá vỡ, mang đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư trong tương lai,” vị chuyên gia này đề xuất.
Để minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam đang phối hợp với một số thành viên xúc tiến thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm cho thị trường.
Đặc biệt, các đầu mối đang thương thảo với 1 trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới cùng góp vốn để mang những kinh nghiệm, kỹ thuật, tính chuyên nghiệp vào Việt Nam.
Điều này sẽ giúp thị trường khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay, tạo đà cho trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp.