Tạo động lực giữ nguồn nhân lực

(ĐTTCO) -Dự kiến trong năm 2018, TPHCM sẽ tăng lương cho tất cả cán bộ, công chức và viên chức (CC-VC)  hưởng lương từ ngân sách. Theo đó, TP đã thành lập tổ công tác nâng cao thu nhập cho CC-VC, với dự kiến tăng lương theo lộ trình từng năm: 2018 đạt 1,06 lần mức tăng lương chung, năm 2019 đạt 1,2 lần và năm 2020 đạt 1,8 lần.

 

Tạo động lực giữ nguồn nhân lực
Đây là một trong số những lợi ích từ việc thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù, một nội dung được bàn thảo tại kỳ họp về kinh tế - xã hội TPHCM cuối tuần qua. Tại kỳ họp, đại diện Sở Tài chính cho biết sẽ xây dựng đề án thực hiện và sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương, chi thu nhập tăng thêm cho CC-VC. Việc này được thực hiện trên nguyên tắc xây dựng lộ trình mức chi trả tăng thêm cho từng đối tượng trong giai đoạn 2018-2020, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của TP. Mức tăng tối đa không quá 1,8 lần so với mức lương ngạch, bậc chức vụ. 
Thực tế, trong dự thảo đề án "Cơ chế, chính sách đặc thù của TPHCM để TP phát triển nhanh, bền vững hơn, vì cả nước", TP cũng đã đề xuất được tự chủ đối với biên chế của bộ máy hành chính. Bởi lẽ, TPHCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, đồng thời cũng là địa phương có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước. Hiện nay, năng suất lao động của TPHCM cao gấp 2,7 lần cả nước, năng suất lao động của CC-VC cũng cao gấp 2 lần cả nước và số thuế thu bằng 3 lần tỷ lệ dân số. Như vậy theo tính toán lương bình quân gấp 2 lần cả nước là điều hợp lý. 
Tuy nhiên, nghịch lý lâu nay là dù đội ngũ CC-VC của TP đang phải làm việc với cường độ, áp lực cao hơn mức trung bình cả nước, song chế độ đãi ngộ lại chưa tương xứng, từ đó dẫn đến thực trạng TP chưa thật sự thu hút được nhiều nhân tài, không ít CC-VC xin nghỉ việc vì lương không đủ sống. Mang tiếng làm nhà nước nhưng không lo nổi cuộc sống cho bản thân, nhiều CC-VC ở TPHCM đã bỏ Nhà nước để ra làm ngoài, hoặc đầu quân cho các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài. Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy đa phần người được hỏi về mức lương CC-VC hiện nay ở các TP lớn, đặc biệt là TPHCM, đều cho rằng nếu không thay đổi chính sách lương, người giỏi, người làm được việc sẽ ra đi.
Hiện tại 1 cán bộ ở TPHCM phải phục vụ khoảng 700 người dân, trong khi mức trung bình của cả nước 1 cán bộ chỉ phục vụ 340 người dân. Sản phẩm kinh tế của TP tạo ra cao gấp 3 lần cả nước, trong khi nhiều CC-VC sau 3 năm chỉ được nâng lương thêm 400.000 đồng. Bên cạnh đó, TP đang đối mặt với hàng loạt vấn đề như dân cư đông, mật độ lao động cao, chất thải sinh hoạt cao gấp 15 lần cả nước, nhu cầu đi lại cao gấp 15-20 lần cả nước… Vì thế, việc cần thay đổi, có chính sách đặc thù về lương CC-VC với TPHCM là hợp lý để có thể duy trì đà tăng trưởng TP đã đạt được. Quan trọng hơn, để có thể giữ chân được nhân tài trước nguy cơ chảy máu chất xám trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực đang diễn ra rất mạnh mẽ.
Xin nêu vài con số: Bình quân mỗi năm Sở GD-ĐT TPHCM có 1.046 giáo viên mầm non ra khỏi hệ thống, trong đó chủ yếu bỏ việc và chuyển việc. Thu nhập bình quân thấp nhất của giáo viên mầm non ở loại hình công lập 5.503.461 đồng/tháng. Trung bình mỗi năm TP chỉ tuyển được khoảng 1.466 người/nhu cầu trung bình 1.965 người, như vậy mỗi năm TPHCM thiếu khoảng 500 giáo viên mầm non. Để thu hút lực lượng này, TP chủ trương cho vay ưu đãi không trả lãi cho sinh viên vào học ngành sư phạm mầm non, với cam kết ra trường công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở TP và hoàn trả khoản vay trong 3-5 năm đầu công tác; việc tuyển dụng không yêu cầu hộ khẩu TP. Sở GD-ĐT đề xuất kinh phí dự kiến để giữ chân giáo viên mầm non hơn 250 tỷ đồng/năm.
Còn đối với ngành y tế, trước tình hình khát nhân lực, các bệnh viện công lập khó tuyển dụng bác sĩ, UBND TP đã ban hành Quyết định 43/2017/QĐ-UBND, kể từ ngày 1-11-2017 các bệnh viện có thể tuyển dụng bác sĩ và nhân viên y tế khác không có hộ khẩu thường trú tại TPHCM. Tuy nhiên, các giải pháp thu hút nhân lực 2 ngành y tế và giáo dục đưa ra chỉ mang tính tình thế. Bởi lẽ, khi tiền lương chưa được giải quyết phù hợp, nhân lực giỏi các ngành này bị các đơn vị tư nhân, ngoài nhà nước thu hút với mức đãi ngộ hấp dẫn, môi trường làm việc tốt.
Vấn đề đặt ra là hiện nay bộ máy hành chính của TPHCM quá cồng kềnh, cần phải sắp xếp cho tinh gọn, hiệu quả và tinh giản biên chế mới có thể tăng thu nhập. Ngoài ra, đi kèm với tăng thu nhập, TP cần khuyến khích CC-VC chủ động sáng tạo và thực hành tiết kiệm. Đặc biệt trong công tác cải cách, xây dựng bộ máy hành chính công với tinh thần sẵn sàng phục vụ và lành mạnh, rất cần sự cộng đồng trách nhiệm của người dân, của tất cả CC-VC để TPHCM trở thành đô thị thông minh, nơi đáng sống, đáng đến.

Các tin khác